Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đang công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh từng là lính Trường Sa nên được trải nghiệm Tết nơi hải đảo. Câu chuyện Tết ở Trường Sa được nhà văn kể trong bài viết in trong cuốn Nhâm nhi Tết của NXB Kim Đồng ra mắt dịp xuân này.
Tết đến trong tim người lính trẻ
Ở Trường Sa, xa xôi cách trở nên những thứ từ đất liền thường đến muộn. Một con tàu phải mất hai ngày mới có thể chạy từ đất liền ra đảo, hàng tháng trời mới có một chuyến tàu như vậy. Vậy nhưng Tết lại đến sớm với Trường Sa. Tết đến sớm “là vì cái Tết của những người lính nơi hải đảo luôn được cấp trên quan tâm chu đáo”.
Các đoàn công tác mang quà tặng Tết và tấm lòng từ đất liền ra biển đảo. Ảnh: baolongan |
“Năm nào cũng vậy, còn cách Tết hàng tháng trời là những con tàu mang mùa xuân ra đảo đã rục rịch khởi hành. Chúng mang theo tất cả những gì một cái Tết cần có”, Nguyễn Xuân Thủy kể. Trên chuyến tàu đó là lá dong để gói bánh chưng, gạo nếp, đậu xanh, lợn để thịt, cành mai, mâm ngũ quả… Thực phẩm, vật dụng cùng những thùng quà Tết được đưa từ đất liền trao đến tay các chiến sĩ.
Đi trên chuyến tàu ấy thường là một lãnh đạo cấp cao làm trưởng đoàn đến chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Đoàn công tác còn có phóng viên báo chí làm cầu nối giữa đất liền và đảo, những người mang đến cho Trường Sa những món ăn tinh thần.
Trong chuyến công tác ấy, phóng viên sẽ ghi hình để đưa hình ảnh Trường Sa đến đồng bào cả nước. Các điểm đảo thường tổ chức ăn Tết sớm để truyền hình quay phim. “Thật ra đó cũng là cái cớ. Mọi thứ đều là thật, không có gì là diễn cả”, nhà văn viết.
Tết sớm ở Trường Sa được miêu tả: “Một cái Tết thực sự, trong sự đoàn viên, vui vầy, trong những cái bắt tay, trong những ánh mắt, nụ cười lưu luyến. Sau hàng tháng trời ăn đồ hộp, ăn cá biển, lúc này đây mới có ngọn rau từ đất mẹ, miếng thịt lợn tươi, con gà con vịt sống cắt tiết kêu quang quác, mớ rau thơm, chút gia vị hành tỏi”.
Khung cảnh tưởng chừng đơn giản, đời thường ấy lại là cảnh hiếm hoi giữa đảo - nơi chỉ có sóng vỗ, gió táp. Bởi vậy, với người lính đảo, cứ có một chuyến tàu như vậy là vui như Tết. “Tết đến trong tim người lính trẻ. Ngồi bên cành mai, ve vuốt từng nụ chồi, cắt thêm vài bông hoa giấy bồi thêm cho tươi tắn… Ngồi bên mâm cơm và hát vang… Chan cho nhau những ánh mắt nụ cười”.
Những cái Tết sớm đi theo đoàn công tác từ đất liền ra đảo như vậy được nhà văn Nguyễn Xuân Thủy gọi là “Tết ứng trước” nhưng vẫn vui hết tầm của người lính đảo.
Bánh chưng gói bằng lá bàng vuông và món thịt đông đặc biệt
Cái Tết thật, đến đúng ngày tháng, ở trên đảo lại không có quá nhiều khác biệt. “Vẫn biển ấy, trời ấy, vẫn những cái cây, vài nóc nhà, dăm ba vật nuôi… Không có nhiều màu Tết, khí Tết như ở đất liền”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. |
Cái Tết của lính đảo là Tết tại chỗ, gắn với nhiệm vụ, cố định trong một không gian. Không thể đi “chơi Tết”, nên mọi người tập trung chăm chút cho việc “ăn Tết”.
Trên đảo sẽ tổ chức thịt lợn để phát cho bộ đội theo tiêu chuẩn, cấp dưỡng của các bộ phận sẽ làm cỗ. Dù chỉ có thịt thì cũng chia ra vài món: Thịt luộc, thịt xào lăn, thịt quay. Đặc biệt, món thịt đông gắn bó với Tết miền Bắc, nhưng ở Trường Sa nóng quanh năm không thể đông thức ăn, lính tráng nhớ vị Tết quê nhà có cố làm “cũng chỉ ra món canh thịt, mộc nhĩ nấm hương lõng bõng”.
Bánh chưng được các con tàu chở ra cả tháng rồi nên màu của lá dong đã ngả sang vàng. Để có được màu xanh của bánh, chiến sĩ trên đảo thường gói lớp lá dong ở trong, luộc song bánh sẽ lấy lá bàng vuông tươi gói lại bên ngoài để bánh có màu xanh.
Tết ở Trường Sa không có cái xôn xao chợ Tết, không nhiều đào, quất, cờ hoa. Giờ khắc đón giao thừa, từng bộ phận tập trung ở phòng Hồ Chí Minh cùng nâng cốc chào đón một năm mới. Chỉ huy bộ phận nói lời chúc mừng, tất cả cùng xem truyền hình, hưởng không khí Tết chung với toàn thể đất nước, “để thấy đảo nhỏ mình như một phần của đất mẹ Việt, hòa với niềm vui chung”.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Ngọc Điệp minh họa bài viết "Tết ở Trường Sa" trong sách Nhâm nhi Tết. |
Chẳng ai nghĩ đến sự thiệt thòi của bản thân, vẫn có những người lính đi tuần trên bờ biển, vẫn có những người lính đang trong ca trực, chỉ có cái Tết trong lòng, ước nguyện tuổi trẻ, và ánh mắt dõi về đất liền.
“Mùa xuân đã đến lúc nào, bằng cách nào? Sau ca trực, người lính trẻ tinh tế và tinh mắt sẽ nhận ra lớp vỏ cây phong ba xù xì màu xám bạc nứt nẻ kia có những mắt chồi đang cụ cựa. Những bụi bão táp khô xác bởi sự tấn công của gió muối khiến những cây trưởng thành chết khô tơ tướp kia, từ mặt đá san hô, những mầm mới đang chuẩn bị ngoi lên thay thế cho lớp cây đã chết. Sự sống cứ âm thầm hiện hình từng chút, từng chút một”.