Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thi sĩ Đông Hồ với bài thơ làm xuyên suốt mùa xuân

Cảm hứng ngắm cành mai trắng tặng nhà văn Nguyễn Hiến Lê chơi Tết, nhà thơ Đông Hồ đã suy tư suốt cả mùa xuân để viết bài “Trường xuân hành”.

Nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê, trong cuốn Hồi ký (NXB Văn hóa thông tin, 2014), đã kể lại quá trình người bạn thân của ông, thi sĩ Đông Hồ (tên thật là Lâm Tấn Phác), sáng tác bài thơ xuân này.

Nguyen Hien Le,  tho Tet,  Hoi ky Nguyen Hien Le anh 1

Thi sĩ Đông Hồ.

Ngày 27 Tết năm Giáp Thìn (1964) thi sĩ Đông Hồ đem đến tặng nhà văn Nguyễn Hiến Lê một cành mai bông trắng rất thơm đem từ núi Tô Châu (Hà Tiên) lên, rồi nghĩ liền hai câu:

Một cành Xuân gởi niềm trân trọng
Sứ dịch trao tay mở nẻo đường.

Ông dự tính làm thêm sáu câu nữa thành một bài thơ luật, nhưng bận dọn dẹp nhà để ăn Tết, nên không làm được.

Tối ba mươi Tết, ông sực nhớ năm đó Yiễm Yiễm thư trang được đúng 15 tuổi, bèn dùng ý đó nghĩ thêm bốn câu nữa.

Sau mồng một Tết, ông nghĩ thêm được hai câu nữa thành bài thơ khai bút tám câu.

Rồi ông trở lại ý hoa mai ở đầu, được bốn câu, thành 12 câu. Đã có 12 câu thì phải làm thêm thành một bài hành.

Bẵng đi ba tuần mải vẽ hoa mai, ông quên bài thơ dở dang đó. “Ngày 24 tháng Giêng (8/3/64), ông nhận được thư của tôi cho hay cành mai ông cho tôi đã tàn vào một ngày đầu năm rồi lại đăm nụ, nở nữa, thành "nhị độ mai" (mai nở hai lần), ông mừng làm tiếp sáu câu về nhị độ mai”, Nguyễn Hiến Lê viết.

Chiều tối hôm đó, người nhà và học sinh cũ làm lễ sinh nhật ông. Ông vui, làm thêm sáu câu nữa, thành 4 đoạn, mỗi đoạn sáu câu, với hai câu kết:

Gió lộng non trầm dâng khói hạc
Vương đình trăng dọi chén quỳnh tương.

Hơn một tháng sau, ngày 25/4/64, ông sửa lại bài Trường Xuân hành đó, và nhận được một bức thư khác của nhà văn Nguyễn Hiến Lê kể về quê hương của ông Lê ở Bắc. “Nhân đọc mấy câu đối bác Ba tôi cho tôi từ 16-17 năm trước, ông làm thêm bài Tục Trường Xuân hành, gồm 4 đoạn, đoạn 1 và 3 đều 6 câu, đoạn 2 và 4 đều 4 câu, cộng 20 câu; ông đánh máy tiếp vào bài trên, thành một bài dài 46 câu (26 cộng với 20 câu)”, nhà văn Nguyễn Hiến Lê kể tiếp.

Bài Trường Xuân hành (đăng trên Văn hoá nguyệt san năm 1966) ông làm gần trọn một mùa xuân mới xong, hoàn toàn tuỳ hứng, không bố cục trước, nhân một việc gì xảy ra, làm ít câu rồi để đó; ít lâu sau một việc khác xảy ra, hoặc nhớ lại một lời nào, không liên quan gì với việc trước, ông lại làm tiếp, nối vào với những câu trên.

“Trước sau ông chép năm sáu việc khác nhau, cảm hứng khác nhau, chỉ có niềm vui này xuân làm sợi dây Ariane trong bài trường thiên 46 câu đó thôi. Lối đó rất đặc biệt, có biết thì mới hiểu được thơ của ông. Nó chỉ đặc biệt thôi chứ không thể coi là kiểu mẫu được, mà những bài thơ ông làm theo lối đó, người ngoài cuộc không sao hiểu nổi, nên không thể gọi được là hay”, Nguyễn Hiến Lê bình luận.

Ông Lê đánh giá thơ văn của Đông Hồ là “chải chuốt, trang nhã, bóng bẩy, phong lưu nhưng ít cảm”.

Trong cuốn Đời viết văn của tôi, Nguyễn Hiến Lê trích đăng một đoạn dài bài thơ này, trong đó có đoạn mô tả về quê hương của hai người bạn thân:

Ôi Hà Tiên đó con Tần lĩnh
Thì Việt Trì kia cũng Thái hàng.
Bướm những chập chờn quanh gối sớm
Chim đâu ríu rít ngọn thuỳ dương.

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm