Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Thái Tông tên húy là Phật Mã, còn có tên khác là Đức Chính, là con trưởng của Lý Thái Tổ. Nhà vua sinh ra ở phủ Trường Yên ngày 26 tháng 6 năm Canh Tý, niên hiệu Ứng Thiên năm thứ 7 (1000), thời vua Lê Đại Hành, lúc cha của ông là Lý Công Uẩn vẫn đang là tướng trong triều.
Sử chép, vua có bảy cái nốt ruồi ở sau gáy, sắp xếp thành hình như Thất tinh, tức chòm sao Bắc Đẩu, tượng trưng cho ngôi vua. Khi còn nhỏ, ông cùng trẻ con chơi đùa, có thể sai bảo được chúng, bắt chúng đi dàn hầu trước sau và hai bên, như nghi vệ của các quan theo hầu vua.
Lý Công Uẩn thấy thế lấy làm vui lòng, nhân đó nói đùa rằng: “Con nhà tướng nên bắt chước việc binh lính, dùng gì nghi vệ theo hầu?”. Lý Phật Mã trả lời ngay rằng: “Nghi vệ theo hầu có xa gì con nhà làm tướng? Nếu xa thì sao ngôi vua không ở họ Đinh mà lại sang họ Lê, là ở do mệnh trời thôi”. Lý Công Uẩn nghe thế giật mình lấy làm lạ, từ đấy càng yêu quý hơn.
Sau khi vua Lê Ngọa Triều mất năm 1009, Lý Công Uẩn được quần thần tôn lên làm vua, thì Lý Phật Mã được lập làm Đông cung thái tử. Năm Thuận Thiên thứ 11, khi 21 tuổi, ông đã được cử làm nguyên soái đi đánh Chiêm Thành ở trại Bố Chính, đánh tan được quân Chiêm, bắt được tướng đem về.
Năm 1028, sau khi Lý Thái Tổ băng hà, Lý Thái Tông lên nối ngôi. Ông ở ngôi 27 năm, thọ 55 tuổi.
Lý Thái Tông được ca ngợ là vị vua giỏi, nhân từ. |
Sử quan thời xưa dành hết các từ tốt đẹp để ca ngợi Lý Thái Tông. Về tính cách thì tả vua “trầm mặc cơ mưu, biết trước mọi việc, giống như Hán Quang Vũ, đánh đâu được đấy, ngang với Đường Thái Tông”, rồi “tính trời nhân từ trí tuệ và đĩnh ngộ, thông hiểu đại lược văn võ; các nghề lễ, nhạc, ngự, xạ, thư, số thì không nghề gì là không tinh thông”.
Các ví dụ về tính nhân từ của Lý Thái Tông rất nhiều. Nhà vua lên ngôi sau khi tướng quân Lê Phụng Hiểu dẹp được cuộc nổi loạn của ba vị vương, sử vẫn ghi là “loạn tam vương”, mà trong đó, Vũ Đức Vương bị giết, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương phải thua chạy rồi bị bắt, nhưng Lý Thái Tông tha tội cho cả hai, cho giữ tước như cũ.
Khi đi đánh Chiêm Thành, nhà vua ra lệnh không tùy tiện chém giết, hễ ai trái lệnh thì theo phép quân mà trị tội. Sử gia Ngô Sĩ Liên khen rằng: “Tấm lòng ấy của vua cũng như tấm lòng của Tống Thái Tổ chăng? Truyền ngôi được lâu dài là phải lắm”.
Lý Thái Tông cũng là người đề cao việc sử dụng hàng trong nước. Tháng 2 năm 1040, vua dạy cung nữ dệt vải vóc, rồi đem cấp phát hết gấm vóc của nhà Tống ở trong kho ra để may áo ban cho các quan, quan từ ngũ phẩm trở xuống thì áo bào bằng gấm, từ tứ phẩm trở lên thì áo bào bằng vóc, để tỏ ý vua không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa.
Sự kiện này khiến sử gia Ngô Sĩ Liên khen ngợi là: “Trong cái tốt còn có cái tốt nữa, đó là vua không quý của lạ, tỏ ra đức kiệm ước. Mà đem ban vải cho các quan, thì cũng tỏ ra hậu đãi kẻ dưới”.
Lý Thái Tông cũng là vị vua cho ban hành bộ Hình thư năm 1042, đem các loại tội hình chia ra môn loại, biên thành điều khoản, người xem dễ hiểu, giúp việc xử án không khắc nghiệt mà cũng tránh bị oan uổng, nhân dân đều lấy làm tiện. Nhờ đó “việc xử án trở nên rõ ràng”. Chào mừng sự kiện này, Lý Thái Tông đã cho đổi niên hiệu thành Minh Đạo.
Sử chép về vua Lý Thái Tông còn có nhiều chi tiết phóng đại, hoang đường khác, cốt để ca ngợi nhà vua, nào là khi vua đến chùa cổ Tùng Sơn ở châu Vũ Ninh (Bắc Ninh ngày nay), thấy có cái cột đá bị nghiêng lệch sắp đổ, vua chỉ mới có ý cho sửa lại thì cột đá đứng thẳng trở lại. Hay việc vua muốn đi đánh Chiêm Thành, thì cái khiên của vua bỗng nhiên động đậy.
Bỏ ra các chi tiết mơ hồ ấy, thì Lý Thái Tông vẫn xứng đáng là một vị vua hiền, có đủ võ công, văn trị, lại giàu lòng nhân ái. Cũng như các vua triều Lý khác, ông ham mê đạo Phật, là người cho xây chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột ngày nay. Nhưng ở góc độ một sử gia theo quan điểm Nho giáo, thì Ngô Sĩ Liên phê bình nhà vua “mê thuyết từ ái của nhà Phật mà tha cho kẻ loạn thần, lòng nhân ấy thành ra nhu nhơ, đó là chỗ kém”.