Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca là tập du khảo mới ra mắt của Nguyễn Trương Quý. Sách lấy bối cảnh Hà Nội trước và sau năm 1954, đi vào lát cắt đời sống giải trí, cụ thể là tân nhạc (nhạc tiền chiến).
Không đi sâu vào kỹ thuật âm nhạc, Nguyễn Trương Quý tìm hiểu những “huyền thoại” được thêu dệt bằng lời ca, tiếng hát của những tên tuổi vàng son như Đoàn Chuẩn, Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ, Hoàng Giác, Thanh Hằng, Ngọc Bảo… đã góp phần minh định đời sống tâm hồn thị dân một thời.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý trò chuyện với Zing.vn về quá trình thực hiện cuốn sách, tác động của tân nhạc tới đời sống thị dân Hà Nội một thuở.
Tân nhạc đã định nghĩa tôi từ khi còn nhỏ
- 5 năm sau “Còn ai hát về Hà Nội” anh tiếp tục cho ra mắt cuốn du khảo âm nhạc “Một thời Hà Nội hát”, điều gì khiến anh theo đuổi đề tài âm nhạc?
- Sau Còn ai hát về Hà Nội và một cuốn sách nữa, tôi muốn mình cập nhật thêm kiến thức, tìm xem, cắt nghĩa những hiện tượng trong đời sống đô thị Hà Nội như nào. Âm nhạc chỉ là một phần thôi, tôi còn quan tâm tới đời sống giải trí của thị dân. Vì vậy, tôi muốn làm khảo luận sâu.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý. |
Thời gian đó, tôi tham gia một khóa thạc sĩ quản lý truyền thông, được tiếp cận nhiều tài liệu nền tảng về văn hóa học, xã hội học. Tôi làm những tiểu luận về chủ đề giải trí đô thị, các không gian văn hóa Việt Nam và Hà Nội.
Sau khóa học tôi viết một bài về Đoàn Chuẩn trong giai đoạn bản lề sau 1954. Xuất phát từ bài báo xuân ấy, tôi phát triển thành cuốn sách.
Nhưng điều quan trọng nhất, sự say mê âm nhạc gắn với không gian Hà Nội đã quyết định tôi phải làm bằng được. Đây là cuốn sách không dễ viết, nhưng cũng được tôi hoàn thành rất nhanh nhờ những tích lũy và tìm hiểu từ lâu nay.
Trong sản phẩm giải trí đô thị Việt Nam ở giai đoạn cũ, âm nhạc là món ăn phổ thông và lôi cuốn được đông đảo quần chúng. Dòng nhạc tiền chiến có nhiều thành tựu, đặc biệt đã góp phần xây dựng những mẫu con người của đô thị rất rõ nét.
- Vậy tân nhạc góp phần xây dựng mẫu người đô thị như thế nào?
- Tân nhạc thể hiện trực tiếp tâm tình, khát vọng, cảm hứng con người trong thành thị. Suy cho cùng dân tộc Việt Nam hay người đô thị như Hà Nội (nơi là cái nôi tân nhạc) có đời sống chịu ảnh hưởng từ âm nhạc rất mạnh.
Trong suốt quá trình khảo sát của tôi trên mặt báo từ 1948-1954, tôi thấy các thông tin chiếu bóng, biểu diễn ca nhạc có tính chất làm phong phú đời sống con người trong chiến tranh, làm dịu đi những âu lo bên cạnh thông tin về thời cuộc hay tổn thất chiến tranh. Chúng thực sự là nguồn giải phiền cho cư dân.
Từ khi còn nhỏ tôi đã bị lôi cuốn bởi những bài hát tân nhạc thời kỳ này. Nói không ngoa, chúng đã định nghĩa tôi từ lúc còn nhỏ. Định nghĩa cách tôi nhìn và hiểu về Hà Nội. Khi lớn lên, với sự tò mò, tôi muốn kiến giải sâu hơn, muốn cắt nghĩa giá trị đời sống của loại hình này như thế nào.
Các bài hát như Thiên Thai, Suối mơ, Cung đàn xưa (Văn Cao), Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều (Đoàn Chuẩn), Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Hòn vọng phu (Lê Thương) và các ca khúc của Phạm Duy có sự quyến rũ tự nhiên với tôi.
Sách Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca do NXB Trẻ phát hành. Ảnh: motthoihanoihat. |
Tân nhạc làm nên phần hồn, tính cách đô thị Hà Nội
- Lãng mạn là một trào lưu nghệ thuật chính từ những năm 1930. Vậy, tân nhạc ra đời có gì mới?
- Nó thay đổi về thẩm mỹ. Trước đấy âm nhạc thiên về kể một câu chuyện như kiểu vợ chồng Ngâu, mối tình Trầu Cau hay cuộc tan vỡ tình duyên với một Cô láng giềng… Đến thời 1950, âm nhạc đi vào kể một lát cắt, một khoảnh khắc cao trào, mang cảm thức hiện đại. Con người hiện diện trong âm nhạc không còn là con người của đạo đức nữa, mà là con người của dục vọng có khao khát riêng tư cá nhân, không còn chịu chi phối của lễ giáo kinh điển.
Trước đó người ta thích những bài nhạc phổ thơ Nguyễn Bính, đậm nét truyền thống (kiểu như bài Gái xuân, với cô gái xuân giũ lụa trên sông Vân cầu mong tìm được đức lang quân như ý).
Trong khi đó những bài tân nhạc của Đoàn Chuẩn, Ngọc Bích đi vào con người đô thị, con người cầu vọng một tình yêu nghệ sĩ. Những nàng thơ xuất hiện trong cuộc đời nghệ sĩ, người tình lý tưởng đến với nhau vì thẩm mỹ chung. Họ không đưa ra viễn cảnh chung một nhà, cùng tổ ấm. Xu hướng ái tình Tây phương có màu sắc hiện sinh, phù thế bắt đầu ảnh hưởng mạnh.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - một "huyền thoại" có ảnh hưởng tới đời sống thị dân Hà Nội. |
- Đoàn Chuẩn có đóng góp như thế nào để trở thành nhân vật trung tâm trong sách của anh?
- Tôi quan tâm Đoàn Chuẩn - Từ Linh từ lúc bắt đầu nghe những bài tân nhạc hồi còn nhỏ. Lớn hơn, tôi đã tìm đến gặp nhạc sĩ Đoàn Chuẩn khi ông còn sống. Với tôi, ông vẫn có những khoảng bí ẩn, có nhiều vấn đề mình chưa biết. Sau này tôi đã nghĩ đến việc tìm hướng nghiên cứu để giải mã những huyền thoại về tác giả này.
Về mặt sáng tác, Đoàn Chuẩn không có gì đột biến so với những người cùng thời hoặc trước đó. Nhưng Đoàn Chuẩn là một trong số ít nhạc sĩ tiền chiến nổi lên như một tác giả. Rất nhiều người có bài hay nhưng không thành một tác giả khiến người ta nhận diện được phong cách rõ rệt như Đoàn Chuẩn - Từ Linh.
Đến giờ tôi thống kê ông có 20 bài, trong đó chừng 14 bài phổ biến đều nhận được sự yêu thích của quần chúng. Kiểu cách, cá tính của tác giả lại in hằn lên âm nhạc, khiến ông còn trở thành một kiểu nhân vật đặc biệt.
Đoàn Chuẩn sáng tác trên đàn guitar Hawaii nên tác phẩm có kiểu cách âm nhạc vùng đại dương: lả lơi, phóng túng, hưởng thụ. Âm nhạc này đem lại một tính chất hương xa (exotic) bí ẩn. Sự bí ẩn này làm nên vẻ quyến rũ của ca khúc Đoàn Chuẩn.
Đoàn Chuẩn đi xa nhất trong việc xây dựng một tình yêu lý tưởng, trong tác phẩm của ông, người tình đến với nhau vì lời ca tiếng hát, vì cùng say vẻ đẹp thiên nhiên như lá đổ trong chiều tàn thu, đàn bướm đùa vui trên muôn hoa. Họ tương đắc với nhau ở những mỹ cảm tưởng như vu vơ ấy. Nó làm nên phần hồn, tính cách đô thị, nhất là với người Hà Nội.
- Anh đã sử dụng phương pháp nghiên cứu như thế nào, để có thể đưa ra tràn ngập những chi tiết, thông số cụ thể như trong sách?
- Tôi chọn phương pháp nghiên cứu định tính gồm phỏng vấn sâu đối tượng, phân tích bối cảnh kết hợp phân tích diễn ngôn thông qua văn bản. Văn bản ở đây trước hết là ca từ. Mặc dù Đoàn Chuẩn chỉ viết 20 ca khúc, không quá khó để tra cứu, nhưng lại có nhiều dị bản. Thứ hai là nguồn hình ảnh do gia đình, hệ thống người liên quan cung cấp.
Bên cạnh đó, các bài viết trên báo chí là nguồn tư liệu lớn. Tôi cũng bỏ thời gian để lục lọi và kiểm tra chéo các văn bản trong thư viện Quốc gia hay một số thư viện tư nhân.
Nguồn tư liệu nữa là các cuốn sách hay văn bản văn hóa của thời đó. Tôi vận dụng hết trường đọc của mình phục vụ cho chủ đề này. Nó gần như quá trình tích lũy vậy, có những thứ mình đọc từ lâu giờ mới vận dụng.
Nhà văn Trương Quý sử dụng giọng văn mềm mại cho một cuốn khảo cứu, khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn. Ảnh: Nick M |
- Vì sao anh chọn lối viết đậm chất văn chương cho một cuốn du khảo?
- Tôi đang viết về một đối tượng nghệ thuật nên cũng chủ ý chọn giọng văn tương hợp với đối tượng của mình. Không gian của đô thị Hà Nội, Đoàn Chuẩn - Từ Linh chẳng khác gì một không gian và các nhân vật tiểu thuyết cả. Việc họ say mê nghệ thuật, đắm đuối ái tình cũng mang những yếu tố tiểu thuyết. Đương nhiên vì là sách du khảo nên tôi luôn tôn trọng nguồn văn bản, trích dẫn. Tất cả những thông tin đưa ra, tôi đều có nguồn làm khảo chứng.
Ở đây, câu chuyện Đoàn Chuẩn - Từ Linh chỉ là bề nổi. Quan trọng là mình đang nói về một công thức chế tạo ra huyền thoại đô thị. Tôi không sống cùng thời để biết được tường tận về cuộc đời, chân dung Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Nhưng tôi nghĩ những nhận thức và kiến thức của mình về văn chương nghệ thuật giai đoạn đó có thể giúp ích. Nhìn ở góc độ truyền thông, đây là một hiện tượng văn hóa đô thị rất cần khảo cứu.
Trong quá trình phân tích dữ liệu, công việc vất vả nhất là chắp nối, minh định thông tin, xem dữ liệu nào đúng nhất với hiện thực. Việc tạo huyền thoại dựa trên những ngoại truyện, có nhiều thứ sai lạc.
Ví dụ có nhiều giai thoại sai lạc về Từ Linh, thậm chí có người còn nghĩ ông là một cô gái. Ông mất khá sớm vào năm 1987 khi mới 59 tuổi, không có cơ hội xuất hiện trước truyền thông trước thời điểm nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh được hát lại. Nhưng khi khảo cứu và tìm hiểu, ta sẽ được biết ông là người có đời sống văn hóa thú vị, có khát khao, mỹ cảm riêng về nghệ thuật và âm nhạc.
- Câu chuyện Đoàn Chuẩn - Từ Linh có thể cho ta thấy gì về sức ảnh hưởng của văn nghệ sĩ tới đời sống đô thị?
- Nhìn vào đó, ta thấy mọi đô thị đều có nhu cầu tạo ra huyền thoại để không gian sống ấy hấp dẫn hơn. Nếu không có huyền thoại, tài tử giai nhân thì thành phố rất buồn tẻ, không có sức sống. Ngày nay, chúng ta vẫn hay kể những câu chuyện, những con người tài hoa, giàu có hay các mỹ nhân, ta có xu hướng biến họ thành biểu tượng được ngưỡng mộ. Họ làm cho phố xá có nét khác biệt.
Sự thu hút công chúng nằm ở những điều khác biệt ấy. Những kiểu cách hưởng thụ, giải trí của quần chúng cũng chịu ảnh hưởng từ những nhân vật ấy mà ra.
Như Đoàn Chuẩn chẳng hạn, hình ảnh ông chi phối đậm nét kiểu hình mẫu thị dân muốn trở thành: giàu có, tài hoa, thạo các thú chơi và hơn thế, ông có tác phẩm để đời.
Sau này, đời sống văn hóa thị dân Sài Gòn ảnh hưởng, nuôi dưỡng hình mẫu ấy, các nhạc sĩ như Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên cũng thừa nhận chịu ảnh hưởng của Đoàn Chuẩn. Nhiều ca sĩ coi nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh là một vùng âm nhạc sang trọng để khẳng định đẳng cấp.