Lê Minh Hà viết về Hà Nội rất có duyên, tinh tế và đầy cá tính. Đã lâu rồi, mới có một văn nhân viết về thủ đô mà gợi nên được cả dáng hình và hồn cốt của mảnh đất này rõ nét mà sinh động như chị.
Hà Nội đã trở thành “không gian văn học” quen thuộc của Lê Minh Hà. Dù ở “địa hạt” nào: truyện ngắn, tiểu thuyết hay tản văn, khi viết về nơi đây, chị mới bộc lộ được hết “vốn liếng” sự từng trải và sáng tạo trong mình.
Tập tản văn Tháng ngày ê a là tác phẩm mới nhất của nhà văn Lê Minh Hà. Trong những trang viết đa dạng, vừa hóm hỉnh nhưng cũng thật thâm trầm chúng ta sẽ gặp lại hình ảnh một cô học trò Lê Minh Hà đầy cá tính của “ngõ nhỏ, phố nhỏ” Hà Nội.
Xen giữa những kỉ niệm thời cắp sách là những bài học sâu sắc về giáo dục. Hãy cùng trò chuyện với nhà văn Lê Minh Hà hoài niệm về một Hà Nội đã xa và những điều cần trân trọng sau bao tháng năm cắp sách tới trường.
Trường học không phải là nơi nuôi dưỡng cá tính
-"Tháng ngày ê a" là một sự “cộng hưởng” của một cô học trò cá tính và một nhà giáo cũng rất cá tính. Nhà văn Lê Minh Hà “dung hòa” hai luồng cảm xúc đó như thế nào?
-Tôi nghĩ mình không phải dung hòa điều gì trong quá trình sáng tác tập tản văn này. Bởi vì dù là một người thầy cá tính hay một cô học trò cá tính thì đều là Lê Minh Hà cả thôi. Một con người có cá tính riêng thì ở trong môi trường nào cũng sẽ thể hiện cá tính của mình một cách tự nhiên.
Sự dung hòa, hay cực đoan hơn là gượng ép chỉ xuất hiện khi chúng ta viết về người khác, hay viết về những điều mà chúng ta không am hiểu tường tận mà thôi.
Nhà văn Lê Minh Hà trong buổi giao lưu với độc giả tại Hà Nội. Trước khi ra nước ngoài định cư vào năm 1994, chị từng có 10 năm dạy môn văn tại trường THPT Đan Phượng và trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Tô Chiêm. |
-Vậy theo chị, người thầy phải làm như thế nào để nuôi dưỡng cá tính của học trò?
-Tôi có suy nghĩ hoàn toàn khác với quan điểm của bạn. Đó là người thầy không có trách nhiệm phải nuôi dưỡng cá tính của học trò. Vì trường học là một môi trường đào tạo ra những con người bình thường theo chuẩn quy tắc và ứng xử chung của xã hội, chứ không phải là nơi ươm mầm hay nuôi dưỡng cá tính. Nuôi dưỡng cá tính là việc của những môi trường như nghệ thuật và văn chương.
Nhưng trường học lại là nơi con người ta học cách dung hòa giữa cá tính và tính cách xã hội. Dù là ai và có cá tính mạnh đến đâu chúng ta cũng phải tuân theo một số quy chuẩn bắt buộc của xã hội. Quan trọng hơn, chúng ta không nên đánh đồng giữa cá tính và sự kiêu căng, ngạo mạn. Đừng ỷ vào cá tính mà cho mình cái quyền muốn làm gì thì làm.
-Nhà văn Lê Minh Hà đã từng nói: “Là học trò thì phải biết sợ thầy, còn làm thầy cũng phải biết sợ trò” , phải chăng chị cũng cho rằng giữa thầy và trò nên tồn tại tình bạn?
-Tôi nghĩ rằng giữa thầy và trò khó mà tồn tại “tình bạn” đúng như ý nghĩa của thứ tình cảm này. Nhưng thầy và trò nên xem nhau là “đối tác” giống như trong kinh doanh vậy. Vì học tập là một việc có tính tương tác hai chiều, sự truyền thụ kiến thức theo một chiều mà không có sự phản hồi lại của học trò sẽ không thu được hiệu quả.
Trong câu: “Là trò phải biết sợ thầy và làm thầy phải biết sợ học trò” tôi muốn nói: học trò rất sợ thầy giỏi, vì người thầy giỏi luôn đưa ra yêu cầu cao với học trò và khiến học sinh của mình phải chăm chỉ cần mẫn hơn. Nhưng ngược lại một người học trò giỏi cũng là động lực để người thầy học tập không ngừng. Vì không ông thầy nào lại muốn “bó tay” trước những câu hỏi của học trò.
Tôi luôn có cảm giác mình đang ở gần Hà Nội
-Dù viết về điều gì, Hà Nội luôn là tâm điểm trong văn của Lê Minh Hà. Sẽ ra sao nếu Lê Minh Hà không viết về Hà Nội?
-Thực ra, trong cuốn Thương thế, ngày xưa tôi không chỉ viết về Hà Nội mà còn viết về vùng làng quê, về nông thôn. Nhưng dù sao những nơi ấy cũng được viết bằng cảm xúc và cái nhìn của một cô bé Hà Nội gầy gò, ốm yếu năm nào.
Dẫu viết về nơi khác, trong văn của tôi vẫn có một nỗi nhớ dành riêng cho Hà Nội. Tôi vẫn đem so sánh mảnh đất đó với Hà Nội của tôi.
Tôi viết rất nhiều về Hà Nội vì với tôi nơi đây là mảnh đất tôi gắn bó rất lâu và dành quá nhiều tình cảm. Hà Nội với tôi là nhớ thương, hoài niệm và cả những nuối tiếc.
Thương thế, ngày xưa... cuốn tản văn tinh tế về ẩm thực của người Hà Nội. |
- Nếu chỉ được dùng một từ để nói về Hà Nội, chị sẽ dùng từ nào để miêu tả về thành phố mình yêu?
- Với tôi, một từ không bao giờ là đủ để nói về Hà Nội. Hà Nội ở mỗi thời sẽ ghi lại một dấu ấn riêng trong lòng tôi. Với Lê Minh Hà, Hà Nội của trước kia thật đáng nhớ.
Vì chiến tranh, khó khăn chồng chất khó khăn mà Hà Nội nghèo đói và xơ xác, nhưng vẫn sang trọng và hào hoa. Vì điều đó mà tôi trân quý Hà Nội của một thời đã xa.
Hà Nội bây giờ thiếu đi sự sang trọng. Từ cái ăn uống, với những thức quà vặt bên đường của người Hà Nội đều rất tinh tế, thanh cảnh và trang nhã. Rồi đến cách đi lại, nói năng của người Hà Nội trước kia cũng toát lên vẻ sang trọng.
Phố phường tuy khang trang, đông đúc hơn nhưng cái sự sang trọng và hào hoa trước kia đã không còn. Phải chăng, cuộc sống giờ đây quá tấp nập và bon chen nên cái sự hào hoa và sang trọng của trước kia đã bị cuốn vào dĩ vãng.
Tập tản văn Tháng ngày ê a của Lê Minh Hà. |
-Phải chăng vì đi xa Hà Nội, nên nỗi nhớ trong lòng đã thôi thúc chị viết về thủ đô ngàn năm văn hiến với một phong vị rất riêng?
-Tôi đang sống ở Đức, vài năm tôi mới có dịp về Hà Nội. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sống xa Hà Nội. Khí hậu ở các nước ôn đới như Đức khiến tôi có cảm giác mình đang trong lòng Hà Nội. Mùa hè ở Đức cho tôi cảm giác như mùa thu ở Hà Nội vậy. Tiếng chim và cây ở đó cũng tạo cho tôi những cảm giác rất thân quen.
Bây giờ khí hậu thay đổi, nhà cao tầng lại mọc lên san sát khiến cho những người sống ở Hà Nội có luôn có cảm giác bí bách và khó chịu. Mùa thu là mùa đẹp nhất ở Hà Nội, nhưng mùa thu giờ đây càng ngày càng ngắn ngủi.
Với tôi, xa hay gần không chỉ phụ thuộc vào khoảng các địa lý mà quan trọng là ở cảm nhận của con tâm hồn. Nếu trong tim có Hà Nội thì ta chẳng bao giờ rời xa thành phố này.