Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hoàng Thùy Linh, Lê Công Vinh từng bị ghét nhất Việt Nam'

Theo người chấp bút cho tự truyện của Hoàng Thùy Linh và Công Vinh, cả hai nhân vật đều có những va vấp, nhưng họ lựa chọn đứng lên sau những biến cố, tuyệt vọng.

Từ một nhà báo thể thao, Trần Minh giờ đây đã nổi tiếng trong vai trò chấp bút tự truyện cho các ngôi sao. Sau tự truyện Vàng Anh và Phượng Hoàng của ca sĩ Hoàng Thùy Linh, mới đây anh cũng vừa chấp bút cho tự truyện Phút 89 của danh thủ Công Vinh.

Tran Minh noi ve cong viec chap but anh 1
Nhà báo Trần Minh (trái) trong buổi giao lưu với độc giả Hà Nội về cuốn tự truyện của Công Vinh. 

Công Vinh, Hoàng Thùy Linh trưởng thành nhanh hơn người thường

- Sau nhiều lần được anh thuyết phục, cuối cùng Công Vinh cũng đồng ý ra mắt tự truyện "Phút 89". Đằng sau cuốn sách, có câu chuyện nào mà Công Vinh không muốn đưa vào?

- Có một số chuyện liên quan trực tiếp đến chính trị và về giới cầm bút, là vấn đề nhạy cảm nên cả tôi và Công Vinh đều chủ động không đưa vào sách. Trong cuốn sách, những gì kể được thì đã kể hết rồi. Việc không đưa những câu chuyện trên, tôi nghĩ sẽ không ảnh hưởng đến việc mọi người hiểu về cuộc đời Công Vinh. 

- Trong quá trình làm việc, có câu chuyện nào của Công Vinh khiến anh thực sự xúc động?

- Có rất nhiều nhưng xúc động nhất là câu chuyện về người bạn câm điếc của Công Vinh, chơi với Vinh từ nhỏ; tuy nhiên, đến bây giờ thì không biết bạn ở đâu, sống chết ra sao nữa.

Bạn ấy bị câm điếc, không học chữ nên không có giao tiếp gì với mọi người xung quanh. Người bạn ấy mỗi lần nhớ Công Vinh là bỏ nhà đi bụi, đi tìm Công Vinh. Bây giờ Vinh muốn tìm bạn ấy cũng không biết làm sao. Lúc kể chuyện này, Vinh đã khóc.

- Ấn tượng lớn nhất của anh về cặp đôi Công Vinh - Thủy Tiên là gì?

- Có lẽ là họ tin nhau. Một cầu thủ thành công đến thế, một ca sĩ đẹp như thế chắc chắn sẽ có rất nhiều cám dỗ. Cả hai cũng trải qua những phen hiểu lầm, những lời ong tiếng ve; tuy nhiên sau những lần đó giúp họ tin nhau hơn và đến bây giờ không có gì khiến họ có thể đánh mất niềm tin của nhau.

Công Vinh có một cái hay, là mỗi lần đi xa thì sáng nào cũng nhắn tin yêu vợ, tối nào cũng nhắn tin chúc vợ ngủ ngon. Người ngoài nhìn vào thấy hình thức và sến nhưng Công Vinh nói rằng, anh làm việc đó với tất cả tấm lòng của mình.

Công Vinh hay nói những câu sến sẩm lắm, chẳng hạn “Cái gì từ trái tim sẽ đi đến trái tim”. Nhưng tôi thấy là Vinh nghĩ như vậy thiệt chứ không phải vì đọc sách nhiều quá mà bị lậm!

Tran Minh noi ve cong viec chap but anh 2
Cuốn tự truyện Công Vinh gây bão dự luận khi mới ra mắt.

- Ca sĩ Thủy Tiên giữ vai trò ra sao trong quá trình anh và Công Vinh thực hiện tự truyện?

- Thủy Tiên động viên Công Vinh rất nhiều. Có những chuyện Công Vinh ngại ngần khi kể, nhưng Tiên động viên: “Không sao, anh cứ kể đi”. Đặc biệt, Thủy Tiên là người nhớ rất tốt. Những đoạn Công Vinh nhớ không kỹ thì Tiên là người phát triển ý đó thêm, kể cho nó sâu hơn. Có khi những chuyện của chồng nhưng Tiên còn nhớ hơn cả Vinh nữa.

- Như anh tự nhận, Hoàng Thùy Linh và Lê Công Vinh đều là những người “bị ghét nhất Việt Nam”. Việc viết sách cho những người “bị ghét nhất Việt Nam” mang đến cho anh những hệ lụy gì?

- Thì người ta ghét nhân vật xong ghét lây sang người viết nhưng tôi không quan tâm đến việc đó. Ban đầu tôi có hơi chạnh lòng một chút nhưng sau cũng cảm thấy quen. Vì những người đó, giống như Công Vinh nói, họ chỉ là những người trên mạng, là anh hùng bàn phím, họ cũng chẳng ảnh hưởng trực tiếp gì đến mình.

Nếu họ chửi mình, trong khi mình bị tổn thương, ăn không ngon thì họ lại về nhà, vẫn ôm bồ, ôm vợ ngủ ngon lành, chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc đời họ. Tại sao mình phải mất ăn mất ngủ vì mấy lời của những người mà mình không biết là ai.

- Khi làm việc với các nhân vật như Hoàng Thùy Linh, Lê Công Vinh… anh ấn tượng về họ và về giới showbiz ra sao?

- Cả Hoàng Thùy Linh và Công Vinh đều nhỏ tuổi hơn tôi nhưng họ có sự trưởng thành mà tôi chưa có. Tôi thấy những va vấp khiến người ta trưởng thành nhanh hơn là những người thường. Một số người có thể sống rất lâu, nhưng vì biến cố của họ ít nên vốn sống của họ cũng kém.

Linh và Vinh va vấp rất nhiều, và họ lựa chọn đứng lên sau những va vấp thay vì bị những biến cố đó vùi dập. Hoàng Thùy Linh có nói một câu rất hay: “Cuộc sống không trao cho ta một thất bại mà trao cho ta một sứ mệnh”.

Tôi thấy trong cuộc đời ai cũng có những thất vọng, tuyệt vọng nhưng cách chúng ta đứng lên sau những thất vọng và tuyệt vọng đó mới quyết định con người của mình.

- Thường những nhân vật mà anh viết tự truyện là do anh chủ động tìm đến, hay được thuê viết?

- Với Công Vinh thì như tôi đã chia sẻ. Còn Hoàng Thùy Linh là do thông qua một người bạn chung là anh Quang Huy. Ban đầu Linh cũng ngại, vì bao nhiêu năm đã muốn quên chuyện đó, giờ lại phải nhắc lại; Linh sợ công chúng không chấp nhận, sợ bị chỉ trích.

Tôi mời Hoàng Thùy Linh tới dự buổi ra mắt tự truyện của Mike Tyson do mình dịch. Dự buổi đó xong, Linh về đọc sách, cảm thấy được truyền cảm hứng rất mạnh từ Mike Tyson.

Một con người bị đẩy xuống tận đáy, không phải đáy xã hội mà là đáy của địa ngục, vẫn có thể ngoi lên để trở thành người đàn ông chân chính được. Khi đó, Linh đã sẵn sàng để kể câu chuyện và Linh nhờ tôi viết vì thích ngôn ngữ đó.

Nhu cầu kể một câu chuyện lớn hơn việc kiếm tiền

- Và tiêu chí lựa chọn nhân vật của anh là gì?

- Tôi không có tiêu chí gì, tất cả đều là cái duyên hết. Tôi luôn tin một cuốn sách sẽ tự tìm người viết cho nó, chứ không phải một người viết sách đi tìm đề tài để viết.

- Tiền có nằm trong tiêu chí lựa chọn của anh? Và nếu vậy thì bao nhiêu?

- Không. Với tôi, nhu cầu được kể một câu chuyện lớn hơn việc kiếm tiền từ chuyện đó. Với cuốn Phút 89, toàn bộ tiền bán sách được Công Vinh làm từ thiện; đợt nhuận bút đầu tiên tôi cũng sẽ góp vào quỹ từ thiện của một người bạn để chăm lo cho các em nhỏ. Nếu sau đó cuốn sách không tái bản thì tôi sẽ không có bất cứ lợi ích kinh tế nào hết.  

Tran Minh noi ve cong viec chap but anh 3
Trần Minh (trái) và Hoàng Thùy Linh.

- Ngòi bút và con chữ có khả năng khiến người ta thay đổi cách nhìn về một nhân vật. Anh đã dụng công bao nhiêu phần trăm để xây dựng các cuốn tự truyện và tính khách quan được anh xem xét ra sao nếu anh cảm thấy quá yêu thích nhân vật của mình?

- Tự truyện khác phỏng vấn ở chỗ khi viết tự truyện mình phải đặt mình vào nhân vật nên tính khách quan của nhân vật chắc chắn sẽ không cao bằng một bài báo. Vì mình kể bằng giọng điệu của nhân vật mà, mình chỉ cố làm sao để thông tin trong cuốn sách không bị sai. Còn việc cảm xúc của nhân vật thể hiện lúc đó như thế nào mình phải thể hiện trong sách như vậy.

- Độc giả Việt Nam nhìn chung còn nhiều định kiến về người ra mắt tự truyện và dám nói thẳng, còn nhân vật thường ngại đề cập sự thật? Theo anh, những điều này ảnh hưởng đến dòng sách tự truyện trong nước ra sao?

- Những nhân vật của phương Tây rất sòng phẳng. Họ nói tất cả những gì họ có thể nói và sẵn sàng đối diện với sự thật, đối diện với những hệ lụy mà họ kể. Việt Nam vẫn còn bị văn hóa khách sáo, văn hóa sợ đụng chạm. Và việc kể sự thật ấy ra theo một ngôn ngữ nào cũng rất quan trọng. Chẳng hạn như Thương Tín cũng kể sự thật nhưng lại làm tổn thương người khác.

Tran Minh noi ve cong viec chap but anh 4
Tự truyện Mike Tyson do Trần Minh dịch.

Tôi cho rằng, chúng ta cùng kể một sự thật nhưng cách thể hiện sự thật đó ra như thế nào cũng là cái để nhân vật cũng như người chấp bút phải suy nghĩ. Bởi vì, khi mua một cuốn tự truyện, người ta luôn khao khát được đọc những điều được chôn giấu; thì lựa chọn kể ra sự thật và kể như thế nào, ở đây gọi là kỹ thuật, cũng là một điều cần cân nhắc. Nhưng tất nhiên, nếu một cuốn tự truyện chỉ nói điều tốt về bản thân, tránh né những góc khuất, những cuộc va chạm thì đó không phải là cuốn tự truyện hay.

- Anh còn dịch sách về dòng tự truyện của nhân vật nước ngoài? Công việc này mang đến cho anh điều gì?

- Về tiền là không rồi đó, vì dịch sách ở Việt Nam thù lao không cao nhưng nó mang lại cho tôi cơ hội để trau dồi vốn tiếng Việt của mình. Thực ra nhiều người cứ nghĩ dịch là phải giỏi tiếng Anh, tất nhiên muốn dịch tốt thì phải giỏi tiếng Anh rồi nhưng điều quan trọng muốn dịch hay thì phải giỏi tiếng Việt. Tôi coi việc dịch sách là việc trau dồi ngôn ngữ của mình.

- Sắp tới, anh còn chấp bút cuốn sách nào nữa không?

- Không. Tôi sẽ tạm dừng công việc này lại, chuyển sang làm công việc khác. Trường hợp có nhân vật nào thật sự xuất sắc và truyền cảm hứng, tôi sẽ cân nhắc.





Hồ Huy Sơn (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm