Phiến quân IS ném đá một người đàn ông bị cáo buộc vi phạm quy định cấm quan hệ đồng giới. Ảnh: AP |
Trước đám đông trên đường phố ở Palmyra, Syria, một thẩm phán thuộc nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đọc to bản án buộc tội hai người đàn ông đồng tính. Họ sẽ bị ném từ mái nhà gần khách sạn Wael cho đến chết.
Theo một nhân chứng có mặt trong buổi xét xử giữa cái nắng chói chang của tháng 7, trước khi hành quyết, thẩm phán hỏi một trong hai người rằng anh ta có chấp nhận bản án hay không và khẳng định chỉ có cái chết mới giúp họ rửa sạch tội lỗi.
"Tôi muốn bị bắn luôn vào đầu", Hawas Mallah, 32 tuổi, bất lực trả lời. Trong khi đó, người đàn ông thứ hai là Mohammed Salameh, 21 tuổi, đã cầu xin một cơ hội hối lỗi và hứa rằng sẽ không bao giờ có quan hệ với người đồng giới một lần nữa.
"Tóm lấy anh ra và ném xuống", thẩm phán ra lệnh. Ngay lập tức, các phiến quân bịt mặt trói chặt tay hai người đàn ông ra sau lưng, bịt mắt và đưa họ lên tầng thượng của khách sạn 4 tầng.
Kỳ thị
Trong hàng loạt phương pháp hành quyết, IS áp dụng một trong những cách tàn bạo nhất để giết người bị nghi là đồng tính. Trong đoạn video được công bố, phiến quân đeo mặt nạ để người đàn ông đứng lưng chừng trên mép tòa nhà khiến họ chúc đầu xuống trước, hoặc đẩy họ từ trên cao.
Ít nhất 36 người Syria và Iraq đã bị giết hại vì hành vi quan hệ đồng giới, dù chưa thể khẳng định xu hướng tình dục của nạn nhân. Nỗi ám ảnh về cái chết của người đồng tính trong tay IS thậm chí còn đáng sợ hơn khi họ phải chịu cả sự cô lập và định kiến của một xã hội bảo thủ.
Người Hồi giáo cho rằng quan hệ cùng giới là có tội. Đàn ông đồng tính thường bị ám ảnh rằng một người nào đó, thậm chí là người thân, sẽ phản bội và giao nộp họ cho phiến quân để lấy lòng IS hay đơn giản là vì họ ghét bỏ điểm khác biệt này. Các tay súng đôi khi còn tra tấn những người đồng tính để buộc họ khai tên của bạn bè, lấy máy tính cá nhân và điện thoại di động của họ.
Daniel Halaby, một người đồng tính 26 tuổi, nói với AP rằng thậm chí 2 năm sau khi chạy trốn, cơn ác mộng và nỗi lo sợ mình sắp sửa bị đưa lên nóc nhà để hành quyết vẫn khiến anh nhiều đêm tỉnh giấc. Halaby cho biết một người bạn từ thuở ấu thơ đã gia nhập IS và phản bội anh vào năm 2013, buộc anh phải rời bỏ gia đình ở thành phố Aleppo.
"Cậu ấy biết mọi thứ về tôi, cả việc tôi là người đồng tính. Tôi chắc chắn cậu ấy là người khai báo với IS", anh nói.
Giữa năm 2013, IS bắt đầu càn quét các khu vực láng giềng của Iraq và mở rộng sang Syria. Chúng tấn công các khu vực có phe nổi dậy ở Syria và thường xuyên gây xung đột để nắm quyền kiểm soát và áp đặt quy định riêng ở bất cứ nơi nào có thể.
Tháng 9 cùng năm, những kẻ cực đoan bao vây Aleppo, nơi sinh sống của gia đình Halaby và cố giành lại nó từ Quân đội Syria Tự do. Trong các cuộc đàm phán, IS yêu cầu giao nộp một số người trong danh sách, trong đó có Halaby. Anh buộc phải chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Bố mẹ của Halaby từ chối nói chuyện với con trai khi biết anh là người đồng tính. Khi xem các đoạn video về người đồng tính bị hành quyết, anh nói rằng: "Điều khiến tôi đau lòng nhất là cảm giác mình thật sự bơ vơ".
Halaby nói người đồng tính ở Aleppo, thành phố lớn nhất của Syria, phải sống một cuộc đời lẩn trốn. Năm 2011, anh tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa nhằm chống lại Tổng thống Bashar Assad, hy vọng một chính phủ dân chủ mới sẽ tôn trọng mọi người bất kể tôn giáo, sắc tộc, giáo phái hoặc giới tính của họ.
"Chúng tôi đã rất ngây thơ. Những gì xảy ra hoàn toàn ngược lại", anh kể.
Một người đàn ông bị đẩy từ trên cao xuống đất. Ảnh: DailyMail |
Subhi Nahas, 28 tuổi, một người đồng tính Syria hiện sống ở San Francisco, cho biết anh bỏ trốn vì lo sợ rằng cha mình sẽ giao nộp con cho Al-Nusra Front, một tổ chức có liên kết với nhóm khủng bố al-Qaeda.
Khi biết con là người đồng tính, người bố gọi Nahas là nỗi xấu hổ của gia đình và đánh đập anh. Cuối năm 2013, các phiến quân Nusra bắt giữ 25 người nghi là đồng tính ở thị trấn Maaret al-Numan, quê hương Nahas.
Bất đồng với gia đình, anh bỏ trốn sang Lebanon, sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng tại đây, Nahas bắt đầu lo sợ các mối đe dọa từ một người bạn cũ nay đã gia nhập IS. Cuối cùng, anh lựa chọn Mỹ để bảo vệ tính mạng.
Hồi tháng 8, tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nahas và một người đồng tính ở Iraq lần đầu tiên có cơ hội nói về những nỗi khổ mà họ phải chịu đựng ngay trên chính quê hương mình.
Trừng phạt ghê rợn
Các nhóm nhân quyền cho biết sự kỳ thị về giới khiến việc thu thập tài liệu hành vi giết người của IS và xác định nạn nhân trở nên khó khăn hơn. Gia đình và bạn bè đều từ chối nói về nạn nhân, trong khi người đồng tính trong tay IS đều sợ hãi và hầu hết bỏ trốn sang nước khác. Thông báo của IS là nguồn thông tin chính, nhưng chúng thường không đặt tên cho các nạn nhân.
Cách giết người dã man của IS đẩy người thuộc cộng đồng LGBT vào trạng thái liên tục sợ hãi và có thể tước đi cuộc sống bình thường mà ai cũng có quyền được hưởng. Sự thù địch công khai còn khiến họ dễ tổn thương hơn.
"Họ vi phạm quy luật của Chúa và làm những điều cấm kỵ trong đạo Hồi, vì vậy đây là một sự trừng phạt hợp pháp", Hajji Mohammed, một cư dân ở thành phố Mosul Iraq nói. Có trường hợp một đàn ông nghi là đồng tính bị ném xuống từ tòa nhà 10 tầng.
Thông qua các phương pháp ghê rợn này, IS muốn truyền bá một loại tư tưởng cực đoan mà chúng tự hào là khác biệt với các nhóm chiến binh khác. Trên trang Dabiq, IS tuyên bố các hình phạt "sẽ bảo vệ người Hồi giáo tránh được con đường thối nát mà phương Tây lựa chọn theo đuổi".
Theo kinh Koran, đàn ông có quan hệ với người đồng giới sẽ bị trừng phạt, nhưng không nói trừng phạt như thế nào. Án tử hình được cho là xuất phát từ bản ghi chép lời dạy Hadith của nhà tiên tri Muhammad.
Nhà nước Hồi giáo đưa hình thức trừng phạt dựa trên một nội dung, trong đó Muhammad nói rằng người đồng tính "nên bị ném từ trên cao sau đó là ném đá".
Trước IS, phương pháp này ít được sử dụng, dù các chiến binh khác vẫn muốn đẩy người đồng tính đến cái chết. Trong thời gian cai trị Afghanistan những năm 1990, Taliban đã sử dụng cách riêng là đưa nạn nhân xuống hố và đẩy một bức tường đá lên đầu họ.
Hầu hết giáo sĩ Hồi giáo ôn hòa bác bỏ hình phạt tử hình, ngay cả khi họ quyết liệt lên án quan hệ đồng giới. Trong thế giới Arab, người đồng tính bị bắt và kết án tù về tội liên quan đến "trụy lạc" - và ở Iran hay Saudi Arabia, họ đôi khi bị đánh đập.
Omar, người từng chứng kiến cảnh hành quyết ở Palmyra, nói rằng ông vẫn còn run vì sợ hãi. Phiến quân IS nói qua loa yêu cầu nam giới tập trung tại khu vực xử tử để chứng kiến. Chiếc xe đen xuất hiện bên ngoài khách sạn Wael, Mallah và Salamah được đưa đến.
Người đầu tiên bị ném ra là Mallah. Anh bị trói vào một chiếc ghế rồi đẩy xuống. Anh bị thương nhưng vẫn di chuyển được. Một tay súng bắn vào đầu anh. Salameh đập đầu xuống đất và chết ngay lập tức, nhưng vẫn bị ném đá lên người. Thi thể của họ được treo lên ở Quảng trường Tự do Palmyra trong hai ngày.