Một tòa nhà ở thành phố Raqqa bị tàn phá sau cuộc không kích. Ảnh: RBSS |
"Không phải chúng tôi đang sống. Chúng tôi chẳng có cuộc sống nào hết", người phụ nữ 27 tuổi nói với nhóm hoạt động xã hội RBSS. Phiến quân kiểm soát mọi lúc mọi nơi, thậm chí đến những niềm vui nhỏ như một thanh chocolate cũng là thứ xa xỉ khi nhiều người không thể đi làm.
Hàng nghìn người dân đang sống trong cảnh sợ hãi ở những nơi bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát. Giữa sự kìm kẹp của hàng loạt quy định, họ không thể thoát ra ngoài vì chúng đặt nhiều trạm kiểm tra và hạn chế giao thông, thậm chí phải thận trọng với từng từ viết trên mạng.
RBSS cho biết ở một số nơi khác, các nhóm chiến binh nữ của IS bắt đầu tìm kiếm và ngăn chặn phụ nữ bỏ trốn. Người trốn chạy sẽ chịu các hình phạt. Ngoài những hình thức tra tấn, hành hình tàn bạo và sự chèn ép độc tài trên đường phố, người dân còn bị ám ảnh bởi những quả bom từ trên trời rơi xuống.
Thị trấn ma
Liên minh do Mỹ dẫn đầu bắt đầu đánh bom vào các mục tiêu ở Syria, bao gồm cả Raqqa, từ tháng 9 năm ngoái. Nga, Pháp và gần đây là Anh bắt đầu đưa máy bay chiến đấu đến Syria và tấn công các mục tiêu bị IS chiếm giữ.
Người phụ nữ 27 tuổi nói rằng một khu vực bị trúng bom của Nga. Dù những ngôi nhà vẫn đứng vững nhưng nơi này giờ đã biến thành một thị trấn ma vì không có điện.
"Tôi không nhìn thấy gì khác trên bầu trời ngoại trừ rất nhiều máy bay", cô nói với CNN.
Quân đội Pháp dội bom Raqqa hồi tháng 11, phá hủy một trung tâm chỉ huy, một trung tâm chiêu mộ phiến quân, một cơ sở lưu trữ đạn dược và một trại huấn luyện của IS. Các cuộc không kích của Pháp khiến một số chiến binh IS thiệt mạng và buộc nhóm khủng bố rút khỏi nơi ẩn náu. Đường phố vắng vẻ và các khu chợ trở nên ít đông đúc hơn bình thường.
IS buộc phải di chuyển khi bị tấn công, nhưng dường như nhiều tay súng vẫn ở lại thành phố này cho đến nay. Chúng ẩn nấp dưới mác dân thường, sống trong các tòa nhà dân sự và sử dụng trường học làm trụ sở hoạt động.
"Người dân lo sợ các cuộc không kích vì họ không hy vọng rằng hoạt động này có thể cứu thoát khỏi tay IS", một nhà hoạt động khác của RBSS nói với CNN.
Người đàn ông ôm hai đứa trẻ chạy ra khỏi hiện trường một vụ nổ hồi tháng 8/2013. Ảnh: AFP |
Mất tự do
Raqqa từng là một trong những thành phố tự do nhất ở Syria.
"Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, hút thuốc, hay ăn mặc theo ý thích”, Abdalaziz al-Hamza, đồng sáng lập RBSS, nói.
Các chiến binh thánh chiến tràn vào thành phố từ năm 2013, kéo đổ tượng cố Tổng thống Hafez al-Assad và áp đặt luật Hồi giáo cực đoan. Mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Họ dường như khiến thành phố ngày một bảo thủ hơn.
Quy định được viết trên những bức tường trong thành, cấm phụ nữ đi lại một mình hoặc hạn chế phong cách ăn mặc của họ. Các lệnh khác được truyền miệng như cấm hút thuốc hay sử dụng máy ảnh. Nỗi sợ hãi bao trùm nơi đây.
Hy vọng một cuộc sống mới
Nhiều người dân ở Raqqa nói rằng họ không muốn sống dưới quyền cai trị của IS nhưng không còn lựa chọn nào khác.
"Thế giới nên biết rằng chúng tôi không phải IS, chúng tôi là những người chống lại chúng và cũng chịu tổn thương vì tội ác của chúng. Người chết trong vụ tấn công ở Paris có thể yên nghỉ, nhưng hãy tưởng tượng bạn đang sống dưới trướng của IS hai năm qua”, một nhà hoạt động của RBSS cho hay.
Giấc mơ của họ chỉ đơn giản như bất kỳ ai khác, đó là có một cuộc sống bình thường. Nhưng không có trường học hay một công việc nào thuộc chính quyền ở Raqqa hiện nay. Bác sĩ, giáo viên, luật sư đều thất nghiệp và nếu muốn đi làm, trước hết họ phải gia nhập IS.
Vì không có tiền, những món đồ đơn giản, nhu yếu phẩm hàng ngày cũng trở nên xa xỉ. Có điện và nước hay không cũng tùy thuộc vào ý muốn của chúng.
Dù vậy, người dân ở thành phố này vẫn hy vọng được bảo vệ và thoát khỏi tay IS.
"Tôi muốn đến trường để làm việc, kiếm tiền, gây dựng gia đình và sống trong một đất nước tự do. Hãy giúp chúng tôi có một cuộc sống mới", người phụ nữ 27 tuổi nói.