Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi đau của những bà mẹ có con theo IS

Khoảng 4.000 người mất con do chúng bỏ nhà để theo tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Nỗi đau mất con và cuộc đấu tranh nội tâm của mỗi người là một câu chuyện bi thương.

Từ khi nội chiến Syria nổ ra vào 4 năm trước, khoảng 20.000 người nước ngoài đã đến Syria và Iraq để gia nhập các phe phái Hồi giáo cực đoan. Hơn 3.000 người đến từ phương Tây. Một số người nhận sự ủng hộ, chúc phúc từ gia đình nhưng phần lớn ra đi bí mật.

Hành động của họ khiến cha, mẹ phải chịu đựng nỗi đau đớn khôn tả. Họ vừa vật lộn với nỗi đau mất con, vừa chống chọi cảm giác tội lỗi về tội ác con họ có thể đã gây ra và nỗi xấu hổ khi đối mặt với sự thù ghét từ bạn bè, hàng xóm. Những bậc cha mẹ nhận ra họ không biết gì về đứa con do chính họ sinh ra.

Nhiều năm qua, hàng chục bà mẹ trên thế giới liên hệ với nhau, kết thành liên minh kỳ lạ giữa những người có chung nỗi mất mát. Mong muốn lớn nhất của họ là khiến những chuyện vô nghĩa từng xảy ra cùng cái chết của con họ trở nên ý nghĩa.

Juile Ioffe, một nhà báo của The Huffington Post, đã tới nhiều nước trên thế giới như Đan Mạch, Canada, Na Uy để gặp những người mẹ phải chịu nỗi đau đớn khôn cùng sau khi con bỏ nhà để theo tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Hoàn cảnh của họ khác nhau, song họ phải vật lộn với nỗi bất hạnh chung.

Christianne Boudreau - một phụ nữ 46 tuổi sống ở ngoại ô thành phố Calgary, Canada - dành mọi khoảng thời gian rảnh trong ngày để xem các video của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Căn phòng trống ở tầng hầm từng thuộc về Damian, con trai cả của bà. Christianne Boudreau ngồi đó, quan sát những người đàn ông mang theo súng lớn. Bà theo dõi những trận chiến, cuộc hành hình, tập trung vào những khuôn mặt đằng sau mũ trùm, cố gắng nhận ra đôi mắt của con trai.

Christianne Boudreau đã rất vui khi con trai hứng thú với đạo Hồi. Bố Damian bỏ nhà khi cậu mới 10 tuổi. Cậu bé bắt đầu sống tách biệt khỏi thế giới và chỉ tập trung vào máy tính. Năm 17 tuổi, Damian từng tự tử bằng cách uống chất chống đông.

Sau khi rời khỏi bệnh viện, cậu nói với mẹ về niềm đam mê với kinh Koran. Mặc dù theo đạo Thiên Chúa, bà chấp nhận sự thay đổi của con trai. Damian tìm một công việc và sống hòa đồng hơn.

Năm 2011, Christianne phát hiện con trai thay đổi quá nhiều. Cậu luôn tránh mẹ mỗi khi nghe điện thoại từ bạn bè. Damian không ăn cùng gia đình nếu thấy rượu trên bàn. Cậu nói với mẹ rằng, đàn ông nên chăm sóc phụ nữ và họ có thể lấy nhiều vợ. Cậu cũng thích kể về các vụ giết người.

Đó là khi tôi biết con trai đã biến mất. Một kẻ khác đã chiếm giữ linh hồn nó.

Mùa hè năm 2012, Damian chuyển ra ngoài để sống cùng một số người bạn theo đạo Hồi. Họ sống trong một căn hộ cạnh nhà thờ ở trung tâm Calgary. Cậu thường xuyên cùng bạn đến phòng tập thể hình và dã ngoại tại những vùng đất hoang quanh thành phố.

Vào thời điểm đó, cuộc xung đột ở Syria vừa mới bắt đầu. Damian liên tục vướng vào các rắc rối. Tháng 11/2012, cậu rời Canada, nói với mẹ rằng cậu đến Ai Cập học tiếng Arab nhằm trở thành lãnh tụ Hồi giáo. Sau đó, Boudreau mất liên lạc với con trai.

Ngày 23/1/2013, nhân viên tình báo Canada đến nhà Christianne, thông báo với gia đình rằng cậu ta đã tới Syria với bạn cùng phòng. Chúng gia nhập Jabhat al-Nusra, một chi nhánh của al-Qaeda. Những ngày tiếp theo, bà thường xuyên truy cập các trang web thánh chiến, tìm hiểu tin tức về con trai.

Damian chụp ảnh cùng ông nội. Ảnh: Christianne Boudreau

Phần lớn thanh niên và thiếu niên trốn khỏi đất nước để gia nhập các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria đều cắt đứt liên lạc với những người không có chung niềm tin, kể cả cha, mẹ họ. Tuy nhiên, hồi đầu tháng 2, Damian gọi cho mẹ hai đến ba lần mỗi tuần. Một lần, cậu ta kể với mẹ rằng, một phi cơ đang bay thấp và chuẩn bị thả bom. Cậu chạy và chưa kịp tắt máy. Damian luôn rất cẩn thận khi nói chuyện với mẹ, không để bà biết việc cậu ta đang làm.

Đến mùa xuân năm 2013, cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con trở nên dữ dội. Boudreau hy vọng con trai cầu xin những người kia thả cậu trở về. Bà cũng hỏi Damian xem cậu cảm thấy thế nào nếu em trai cùng mẹ khác cha, Luke - lúc đó mới 9 tuổi và rất ngưỡng mộ anh trai - đến Syria. Damian trả lời rằng cậu ta sẽ rất tự hào.

"Đó là khi tôi biết con trai đã biến mất. Một kẻ khác đã chiếm giữ linh hồn nó", Boudreau nói. Cô đưa điện thoại cho Luke, hy vọng cậu bé sẽ thuyết phục anh trai nhưng Luke chỉ khóc và liên tục hỏi "Bao giờ anh trở về?" khiến Damian tức giận.

Christianne Boudreau không còn tạm biệt con trai bằng những câu như "mẹ yêu con" hay "mẹ nhớ con" nữa nhưng sau đó, Damian vẫn tiếp tục gọi điện. Khoảng thời gian này, IS tấn công al-Nusra và con trai bà gia nhập nhóm thánh chiến.

Hàng ngày, mọi người luôn phải đoán liệu con còn ổn không. Việc đó thực sự khó khăn đối với một người mẹ. Cái ý nghĩ rằng mẹ không thể một lần nữa gặp con, ôm con khiến tim mẹ tan nát.

Lần liên lạc cuối cùng của họ diễn ra hồi tháng 8/2013, khi Damian trò chuyện với Boudreau qua tài khoản Facebook mới.

Cô tiếp tục cầu xin con trai trở về: "Mọi người vẫn rất nhớ và yêu con. Gia đình rất đau lòng khi con rời nhà và tự đặt bản thân vào hoàn cảnh nguy hiểm. Hàng ngày, mọi người luôn phải đoán liệu con còn ổn không. Việc đó thực sự khó khăn đối với một người mẹ. Cái ý nghĩ rằng mẹ không thể một lần nữa gặp con, ôm con khiến tim mẹ tan nát. Mẹ biết con không bao giờ hiểu nổi cảm giác này vì con không bao giờ làm mẹ".

Damian trả lời rằng cậu ta vẫn ổn, đã thông thạo tiếng Arab, đang chuẩn bị cưới vợ và mua nhà. Cậu viết: "Con cũng nhớ mẹ nhưng mẹ phải hiểu, không thứ gì có thể thay đổi niềm tin, ý định và hoàn cảnh của con".

Chiều ngày 14/1/2014, một phóng viên gọi điện cho Christianne Boudreau, thông báo Lực lượng Quân đội Tự do Syria hành quyết Damian ở Haritan, bên ngoài thành phố Aleppo.

Mọi thứ xung quanh bà như sụp đổ. Christianne Boudreau biết bà cần nói chuyện với Luke trước khi cậu bé phát hiện sự thật qua TV. Nhưng nỗi đau khôn cùng khiến bà không thể thốt lên lời và buộc phải đưa con trai đến phòng khám tâm lý.

Đêm 30/1, Luke gửi tin nhắn cuối cùng đến Facebook của anh trai: "Em rất nhớ anh và ước gì anh không chết".

Cậu bé Luke ngủ trong vòng tay của Damian, người anh cùng mẹ khác cha. Ảnh: Christianne Boudreau

Sau cái chết của con, Christianne Boudreau sống như người mất trí. Người mẹ khóc suốt ngày, không thể ngủ. Bà cần giữ bình tĩnh vì 3 đứa con khác nhưng bà rất cô đơn và cảm thấy cuộc đời trở nên tăm tối.

Người duy nhất hiểu rõ nỗi đau mà Boudreau phải chịu đựng là Daniel Koehler, một chuyên gia người Đức về bài trừ tư tưởng cực đoan. Hoạt động tại Berlin, ông giúp người khác thoát khỏi tâm lý phát xít mới. Những năm gần đây, ông giúp những người mang quan điểm Hồi giáo cực đoan và gia đình gốc họ.

Một thời gian ngắn trước khi Damian chết, Boudreau liên hệ với Daniel Koehler. Sau cái chết của cậu, ông giữ liên lạc chặt chẽ với bà nhằm giúp bà hiểu những chuyện đã xảy ra với con trai.

Theo ông, Damian đã trải qua quá trình cực đoan hóa thông thường. Các giai đoạn của nó cũng tương tự như việc một người gia nhập giáo phái cực đoan hay nhóm phát xít.

Sau cái chết của con, Christianne Boudreau sống như người mất trí. Người mẹ khóc suốt ngày, không thể ngủ.

Đầu tiên, thành viên mới cảm thấy phấn khích vì cuối cùng, anh ta hay cô ta cũng tìm ra cách khiến thế giới trở nên ý nghĩa và cố gắng thay đổi những người xung quanh. Trong trường hợp của các phần tử Hồi giáo cực đoan xuất hiện trong thời gian gần đây, họ muốn mọi người quan tâm đến nỗi đau khổ của người Syria.

Ở giai đoạn thứ hai, thành viên mới cảm thấy thất vọng khi người thân không tiếp nhận những thông điệp họ tuyên truyền. Mâu thuẫn gia đình nảy sinh. Họ bắt đầu tranh cãi về trang phục, rượu, âm nhạc và những thứ khác. Tại thời điểm ấy, họ bắt đầu xem xét lời khuyên từ những người cùng chí hướng rồi nhận ra, cách duy nhất để sống thật với niềm tin của bản thân là rời quê hương để chuyển đến một quốc gia Hồi giáo.

Trong giai đoạn cuối, kẻ nhiễm tư tưởng cực đoan bán các tài sản, thường xuyên tập luyện thể hình hoặc võ thuật. Thất vọng càng lớn, họ càng muốn hành động cho đến khi họ cảm thấy bạo lực là biện pháp duy nhất.

6 tháng sau cái chết của Damian, Christianne Boudreau đến Berlin để gặp Koehler. Ông giới thiệu cho bà 3 bà mẹ khác cũng có con thiệt mạng sau khi gia nhập các nhóm cực đoan ở Syria. Họ mang theo tất cả album ảnh và chia sẻ những kỷ niệm về con trai. Những phụ nữ phát hiện điểm tương đồng trong quá trình con họ trở nên cực đoan.

Thông qua việc trò chuyện với các bà mẹ chung hoàn cảnh, Christianne Boudreau cảm thấy trạng thái đau buồn vơi dần.

Koehler muốn những bà mẹ bất hạnh nhận ra rằng, mất con bởi IS không phải là điều duy nhất trong vũ trụ khiến họ suy sụp và họ chẳng thể làm gì để thay đổi nó.

Chúng ta dạy bọn trẻ về ma túy, giới tính, rượu, nạn bắt nạt và cách đối phó với chúng nhưng chưa dạy con về tư tưởng cực đoan.

Sau khi trở lại Canada, Christianne Boudreau bắt đầu tham gia các hoạt động. Bà nhận ra cơn ác mộng của gia đình bà cũng có thể xảy đến với những gia đình khác.

Với sự giúp đỡ của Koehler, Christianne thành lập hai tổ chức, "Hayat Canada" và "Những bà mẹ vì cuộc sống", để hỗ trợ các bậc phụ huynh có con theo tư tưởng cực đoan. Bà đi khắp Canada, nói chuyện với giáo viên, học sinh, cảnh sát về cách phát hiện dấu hiệu của chủ nghĩa cực đoan ở bạn bè, người thân và cách xử lý. Boudreau thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Theo Koehler, hai đối tượng có thể giúp giới trẻ vượt qua tư tưởng cực đoan là những phần tử cũ và mẹ của chúng.

"Người mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đạo Hồi. Mohammed từng nói: "Thiên đường nằm ở chân mẹ". Những đứa trẻ phải xin phép mẹ trước khi quyết định gia nhập hay rời khỏi cuộc chiến Hồi giáo", ông giải thích.

Chuyên gia tâm lý cho biết, ông từng trò chuyện với những chiến binh thánh chiến cố gắng liên lạc với mẹ lần cuối qua Skype để nói lời tạm biệt hay cố gắng thuyết phục mẹ thay đổi tôn giáo để họ có thể gặp nhau trên thiên đường.

Tổ chức phi chính phủ Phụ nữ Không biên giới (Women Without Borders) ở Áo đang xây dựng "Trường học của các bà mẹ" tại những quốc gia có nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan hoạt động như Pakistan, Indonesia nhằm hướng dẫn các bà mẹ cách bảo vệ con họ khỏi những tư tưởng sai lệch. Tổ chức cũng thành lập thêm 5 trường ở châu Âu.

Người mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đạo Hồi. Mohammed từng nói: "Thiên đường nằm ở chân mẹ".

Người mẹ thường giữ vai trò quan trọng trong những gia đình có con chuyển sang đạo Hồi. Theo Magnus Ranstorp, chuyên gia người Thụy Điển hiện đang đồng lãnh đạo Mạng lưới Nhận thức Quá trình Cực đoan hóa thuộc Liên minh châu Âu, đàn ông Hồi giáo cảm thấy vai trò của họ suy yếu trong xã hội phương Tây.

Các chuyên gia khác cho biết, những bậc phụ huynh mất con trong phong trào thánh chiến đối phó với nỗi đau của bản thân theo những cách khác nhau. Những ông bố chìm trong cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Họ trải qua thời gian khó khăn khi phải thừa nhận với người ngoài rằng, họ chưa làm tròn trách nhiệm đối với con. Các bà mẹ hành động ngược lại. Họ khao khát chia sẻ nỗi đau buồn với người khác, đặt bản thân vào thế giới con họ từng sống để thu thập càng nhiều thông tin càng tốt. Đó là cách họ cố gắng giữ bí mật.

Christianne Boudreau từng đến thăm trường học Công giáo địa phương, nơi phần lớn học sinh là người tị nạn. Bà cho họ xem video về Damian. Câu chuyện kết thúc bằng khuôn mặt đẫm nước mắt của người phụ nữ khi màn hình chiếu đến cái chết của con trai bà.

"Khi thời khắc cuối cùng đến, các bạn sợ không? Chúa phải làm gì với những chuyện đã xảy ra?", bà hỏi.

Khán phòng im lặng. Christianne Boudreau dành thời gian để bình tĩnh lại trước khi bước lên sân khấu, thuyết trình với học sinh bài phát biểu bà từng thực hiện hàng chục lần. Mặc dù xem video vô số lần, người mẹ ấy vẫn không kìm nổi nước mắt mỗi khi nhìn lại cuộc đời con trai.

Tại Copenhagen, Đan Mạch, Karolina Dam chìm trong nỗi sợ hãi. Con trai bà, Lukas, đã sống ở Syria trong 7 tháng. 3 ngày trước, Dam nhận tin cậu ta bị thương khi ở ngoài thành phố Aleppo nhưng người ta thuyết phục bà rằng Lukas đã chết. Bà không ngừng gửi tin nhắn cho con trai qua Viber.

"Con trai yêu quý của mẹ, mẹ rất yêu và nhớ con. Mẹ muốn ôm con, nắm tay và mỉm cười với con", Karolina Dam viết.

Bà không nhận được câu trả lời. Một tháng sau, ai đó nhắn lại: "Tay tôi làm sao?". Đó không phải là Lukas. Dam không biết người nào có thể dùng điện thoại hay tài khoản Viber của con trai. Nhưng quá trình chờ đợi tin tức khiến bà tuyệt vọng. Người mẹ cố giữ bình tĩnh để hỏi thêm vài tin tức. Người kia cho biết, Lukas đã chết.

Vào tháng 2, Christianne Boudreau nhận một thư điện tử từ Karolina Dam. "Xin chào! Tôi muốn biết thêm thông tin về dự án. Con trai tôi cũng thiệt mạng ở Syria và tôi muốn liên lạc với những bà mẹ cùng cảnh ngộ", Dam viết.

Karolina Dam sống trong một ngôi nhà thuộc khu phố lao động ở Copenhagen, Đan Mạch. Bà cho biết, Lukas từng bị bỏ rơi. Cậu gặp rắc rối trong vấn đề giao tiếp với người khác và thường gây xung đột.

Năm Lukas 10 tuổi, bác sĩ chẩn đoán cậu mắc chứng tự kỷ và tăng động giảm chú ý. Khi cậu bước vào độ tuổi vị thành niên, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Cậu ta từng lấy cắp xe, nhẫn đính hôn. Karolina Dam nghi ngờ con trai tham gia vào một băng nhóm tội phạm.

Sau đó tình hình chuyển biến tốt đẹp. Lukas thử việc tại một xưởng sửa xe. Phần lớn nhân viên ở đó theo đạo Hồi. Một tháng sau, Karolina Dam nhận ra sự thay đổi của con trai khi cậu không ăn, uống vào ban ngày và theo dõi tháng Ramadan của Hồi giáo.

Một ảnh của Lukas. Ảnh: Karolina Dam

Giống như Christianne Boudreau, bà cảm thấy sự thay đổi ấy là một phép màu. Cuối cùng, đứa con sống khép kín của bà cũng cởi mở hơn. Và tương tự Boudreau, bà không hiểu lý do Lukas trở nên cáu kỉnh khi bà nghe nhạc hay thổn thức vì mẹ không thể cùng lên thiên đường với cậu trừ khi bà cải đạo Hồi.

Lukas không trải qua quá trình thay đổi hoàn toàn. Cậu ta vẫn thường tức giận, đấm liên tiếp vào bức tường trong phòng ngủ. Karolina Dam sợ hãi trước hành động bất thường của con trai. Bà liên lạc với nhân viên xã hội, hy vọng họ có thể kiểm soát cậu nhưng Lukas trốn. Cậu ta bắt đầu sống trong những căn hộ ở Copenhagen với 3 người đàn ông lớn tuổi theo đạo Hồi. Karolina báo cảnh sát con trai mất tích nhưng vì Lukas vẫn gọi điện về nhà mỗi ngày nên cảnh sát không thể xử lý vụ việc như một vụ mất tích.

Khi Lukas trở về nhà, Karolina quyết định quản chế con trai. Trong quá trình thu dọn đồ đạc, bà phát hiện một áo chống đạn dưới gầm giường. Tại thời điểm đó, cậu ta mới 15 tuổi.

Tháng 5/2014, ngay khi tròn 18 tuổi, Lukas biến mất. Vài ngày sau, cậu ta gọi cho mẹ từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, thông báo rằng cậu ta cần một kỳ nghỉ.

"Tôi rất sợ hãi. Thằng bé vẫn còn nhỏ nên người khác có thể dụ dỗ nó. Trên thực tế, Luka bỏ nhà mà chẳng từ biệt và cũng không lo sợ", bà kể.

Những tháng sau đó, Lukas thường xuyên liên lạc với mẹ, báo rằng, cậu ta đang phục vụ tại một trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng theo Jakob Sheikh, một nhà báo đang viết sách về Lukas và những chiến binh thánh chiến Đan Mạch. Cuối cùng, cậu ta vượt biên sang Syria và gia nhập Ahrar al-Sham, một phe phái Hồi giáo có trụ sở tại tỉnh Idlib.

Làm ơn gọi con trở về. Mẹ duy nhất của con à, con yêu mẹ rất nhiều.

Tuy nhiên, trong thư gửi mẹ, Lukas vẫn tâm sự như một cậu sinh viên năm nhất nhớ nhà. Chàng trai cũng hỏi mẹ về tình hình con mèo gia đình họ nuôi. Dam từng hỏi liệu bà cần gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của Lukas không chỉ để xác nhận cậu ta chưa đưa thẻ cho người khác. Trong một ảnh từ Syria, con trai bà vừa tắm gội sạch sẽ trước khi cầu nguyện. Khuôn mặt và mái tóc vẫn còn ẩm ướt, nhưng trông cậu ta có vẻ hạnh phúc.

Cuối tháng 9, Lukas không còn liên lạc thường xuyên với mẹ. Tại thời điểm đó, thủ lĩnh của Ahrar al-Sham mất mạng trong cuộc tấn công vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Sau đó, Lukas gia nhập IS.

Hai tháng sau, cậu gọi về nhà qua Viber. Dam cố gắng thuyết phục con trai trở về, nói với cậu rằng bà đã tân trang lại phòng, sơn lại tường và dành dụm tiền để cậu mua vé máy bay. Bà hỏi con trai: "Con cần cho mẹ biết, bao giờ con trở về". Lukas đáp: "Con không thể trả lời mẹ vì chính con cũng không biết!".

Đó là cuộc trò chuyện cuối cùng giữa hai mẹ con. Đêm 28/12/2014, Adnan Avdic, một người bạn Hồi giáo của Lukas ở Copenhagen, nhấn chuông cửa nhà Karolina Dam.

"Anh ta cứ chần chờ trước cửa. Vì thế, tôi kéo anh ta vào nhà. Adnan bật khóc và không dám nhìn vào mắt tôi. Trong cơn hoảng loạn, tôi la hét và túm lấy cổ anh ta. Người đàn ông ấy bật khóc, bảo rằng Lukas bị thương. Nhưng ngay thời điểm đó, tôi biết con trai tôi đã chết", bà kể.

Đêm đó, sau khi rời khỏi nhà, Adnan Avdic gửi Dam đường link đến một nhóm Facebook riêng tư. Bà yêu cầu tham gia và được chấp nhận ngay lập tức. Người mẹ đáng thương thấy hình ảnh Lukas nằm trên sàn nhà với khẩu AK-47 đặt bên cạnh cùng lá cờ IS treo trên tường. Khi bà chuyển qua những bài đăng khác, các video tự động chạy.

Trong cơn hoảng loạn, tôi la hét và túm lấy cổ anh ta. Người đàn ông ấy bật khóc, bảo rằng Lukas bị thương. Nhưng ngay thời điểm đó, tôi biết con trai tôi đã chết.

"Tôi xem các video hành quyết, cưỡng hiếp, tàn sát chỉ để tìm kiếm thông tin về con trai", bà nói. Dam cũng đọc bài đăng về cái chết của Shaheed, tên Hồi giáo của Lukas. Bà rất khiếp sợ nhưng cố giữ bình tĩnh để viết câu hỏi: "Đây là con trai tôi, nó đã chết rồi sao? Liên lạc với tôi và cho tôi biết sự thật!".

Một người đàn ông tên Abu Abdul Malik nhanh chóng trả lời: "Cô là người đầu tiên cậu ta nghĩ đến. Cậu ta luôn trăn trở về cách để thông báo với bà. Tin tức này có thể rất khó khăn đối với một người mẹ. Dù là người theo đạo hay không, tình thương của mẹ dành cho con luôn đặc biệt. Đó cũng là lý do chúng tôi trì hoãn việc thông báo cái chết của cậu ta. Cầu thánh Allah soi đường cho bà mẹ này và chấp nhận người anh em của chúng tôi".

Những câu hỏi dày vò Karolina. Tại sao Lukas đến Syria? Con trai bà đến đó bằng cách nào? Bà không thể hiểu nổi tại sao một cậu bé sống khép kín lại có thể khéo léo che giấu bà về cuộc sống của nó. Nỗi hổ thẹn khiến Dam bật khóc.

Những tuần tiếp theo, Karolina Dam cố liên hệ với những chiến binh từng liên lạc với Lukas, theo dõi các phương tiện truyền thông của IS. Bà không tìm thấy bằng chứng về cái chết của con trai. "Ngoài một bài đăng trên Facebook, tôi không có gì", bà nói.

Thực ra Karolina muốn biết mọi chuyện vì bà đã biết quá ít. Dam cố gắng trao đổi với các chiến binh thánh chiến để tìm hiểu thông tin. Bà đóng vai một người mẹ, nhắc nhở bọn họ nhớ ăn uống đầy đủ, gọi họ là "con yêu" và mắng khi họ nói thô lỗ.

Qua Aziz, một người bạn khác của Lukas có thể đã rời Copenhagen và đến Syria, Karolina Dam nhận khá nhiều thông tin về con trai. Cậu ta gửi bà tập tin ghi âm mà Lukas dùng đến khuyến khích cậu ta gia nhập lực lượng thánh chiến Hồi giáo. Trong những tập tin ấy, Lukas có vẻ kích động và tuyên bố cậu ta đã kết hôn.

Cô là người đầu tiên cậu ta nghĩ đến. Cậu ta luôn trăn trở về cách để thông báo với bà. Tin tức này có thể rất khó khăn đối với một người mẹ.

Karolina Dam hỏi Aziz xem liệu Lukas từng chặt đầu ai chưa. Bà cũng hỏi câu tương tự với các chiến binh thánh chiến. Họ cư xử rất lịch sự và cho biết, Lukas không tham gia vào các vụ bạo lực. Karolina tin tưởng họ. Nhưng Sheikh kiểm tra lại thông tin từ các chiến binh và điệp viên Đan mạch rồi xác định, trong những tháng cuối cùng ở Syria, Lukas trở thành một tay súng.

Từ khi con trai chạy sang Syria, Karolina già rất nhanh. Khuôn mặt bà tiều tụy hơn và luôn buồn bã. Bà đặt một bàn thờ nhỏ cho Lukas trong phòng khách thay cho một ngôi mộ. "Lọ của mẹ", một cái nồi đất có tay cầm được sử dụng để đựng thức ăn cho những phụ nữ vừa sinh con trong truyền thống Đan Mạch, nằm giữa bàn.

Trước khi bỏ nhà, Lukas trở nên cực đoan hơn và yêu cầu Dam gỡ hết các logo trên áo thun của cậu. Bà chưa từng làm việc đó nhưng sau khi con trai chết, bà phát hiện một chiếc trong số đó vẫn chưa được giặt sạch. Mùi con trai của bà vẫn vương trên áo. Karolina bọc áo kỷ vật trong túi bóng để lưu giữ mùi hương và đặt nó trong "lọ của mẹ".

Nguyễn Sương

Bạn có thể quan tâm