Nhân viên cứu hộ và an ninh tại Paris khẩn trương làm nhiệm vụ cứu hộ trong đêm 13/11. Ảnh: Getty |
Đối với những người sống trong một hẻm cụt yên tĩnh tại thành phố Chartres, Pháp, người đàn ông sống trong căn nhà 2 tầng màu be, Omar Ismail Mostefai, dường như không có gì nổi bật. Y đã sống nhiều năm ở đó trước khi chuyển nhà vào năm 2012.
"Vợ anh ta không đi làm và họ có một đứa con gái nhỏ. Họ chẳng có điểm gì nổi bật", một cặp vợ chồng sống tại căn hộ đối diện nói.
Người phụ nữ cho hay, khi đó, Mosterfai mới 25 tuổi. "Người đàn ông đó luôn đeo giày thể thao và đội mũ. Mostefai có thân hình cao, tóc dài và râu ngắn. Anh ấy không mặc trang phục tôn giáo và không có việc ổn định".
3 năm sau, những người hàng xóm của Mostefai nhận ra y là một trong 3 kẻ bước ra từ chiếc xe Polo màu đen tại Paris vào đêm 13/11. Chúng xông vào nhà hát Bataclan và xả súng vào đám đông đang xem buổi biểu diễn nhạc rock.
Những người sống sót sợ hãi kể về cuộc tàn sát đẫm máu mà các tay súng gây ra. Chúng bắn người vô tội vạ. Thậm chí khi mọi người nằm sấp xuống đất, chúng vẫn chĩa súng về phía họ và tiếp tục xả đạn. Theo The Guardian, ít nhất 89 nạn nhân thiệt mạng.
Dấu vân trên mảnh đầu ngón tay còn sót lại tại hiện trường của Mostefai khiến y trở thành kẻ đầu tiên trong số 7 tay súng và đánh bom tấn công vào đêm kinh hoàng đó bị nhận dạng.
Một thanh niên bình thường sinh trưởng tại vùng đất nghèo
Người dân Paris cầu nguyện trước nhà hát Bataclan để tưởng nhớ các nạn nhân của thảm kịch vào đêm 13/11. Ảnh: AFP |
Mostefai là người Pháp, sinh ra và lớn lên tại vùng Courcouronnes thuộc tỉnh Essonne, cách Paris 25 km về phía nam. Cha, mẹ y là người gốc Algeria.
Le Canal tại Courcourounnes là nơi Mostefai lớn lên. Đó là một vùng yên bình với nhiều cửa hàng, bưu điện và một con kênh. Một vùng đất đa sắc tộc, dân số trẻ và tỷ lệ nhà ở xã hội cao. Ở nơi đó, người ta không thấy những căn hộ mục nát như những vùng lân cận như Evry hay Grigny.
Một lần nữa dư luận lại tranh cãi về vấn đề tội phạm nguy hiểm người Pháp lớn lên trong cảnh bần hàn và sống tại những vùng ngoại ô tách biệt.
Sau vụ tấn công hồi tháng 1, Thủ tướng Manuel Valls, người từng là thị trưởng của thành phố Evry, buộc tội sự phân chia xã hội sâu sắc và lâu đời của đất nước - bao gồm phân biệt lãnh thổ, chủng tộc và xã hội - là nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ việc.
Một người phụ nữ đặt tay lên ngực và cầu nguyện sau khi đặt hoa và nến trước nhà hát Bataclan hôm 14/11. Ảnh: Getty |
Amedy Coulibaly, tay súng bắn chết 5 người trong cuộc bao vây tại cửa hàng tạp hoá, xuất thân từ vùng đất nghèo Grande Borne tại xã Grigny, cách nơi Mostefai lớn lên chừng 6 km. Coulibaly là một tên cướp có vũ trang, từng ngồi tù trong nhà giam khét tiếng Fleury Merogis của Pháp – nơi hắn trở thành một tên tội phạm cực đoan. Tuy nhiên, khác với kẻ tấn công toà soạn Charlie Hebdo, Mostefai chưa bao giờ ngồi tù nhưng từng bị kết án 8 lần bởi những tội danh nhỏ trong độ tuổi từ 19 đến 25, bao gồm lái xe không giấy phép.
Một người đàn ông học cùng trường cấp 3 với y kể: "Mostefai không phải là một kẻ chuyên gây rắc rối. Anh ta sẽ phản ứng khi kích động nhưng không phải là kẻ chuyên khơi mào rắc rối. Anh ta bình tĩnh và không phải loại người khiến người khác muốn xa lánh”.
Anh cho biết Mostefai tới nhà thờ cầu nguyện vào các thứ sáu và tham dự lễ Ramadan nhưng anh ta không có vẻ là một người “cuồng” tôn giáo.
Mostefai chuyển từ xã Courcouronnes tới thành phố Chartres sau khi ra trường. Nhà của y gần La Madeleine, một khu nghèo trong thành phố.
"Nếu thanh niên có công việc, họ sẽ không có thời gian mà thực hiện những tội ác ngu ngốc. Không việc làm, không tương lai", một người được hưởng trợ cấp đi dạo cùng con chó của ông nhún vai nói.
Tham gia vào mạng lưới cực đoan?
Những nhà lãnh đạo nhà thờ Hồi giáo ở thị trấn Luce vào hôm 15/11. Ảnh: AFP |
Năm 2010, Mostefai là một đối tượng cực đoan cấp “S” trong hồ sơ của cảnh sát. Tuy nhiên, các công tố viên cho biết, y chưa bao giờ liên quan tới tổ chức khủng bố.
Theo cảnh sát, có thể Mostefai đã đến Syria trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2014.
Tớ báo địa phương Le Journal du Centre đưa tin Mostefai tham gia hoạt động tại một thánh đường tại Luce, một thị trấn sát với thành phố Chartres. Có thể y đã đi theo một gã Hồi giáo gốc Bỉ, người cũng đến nhà thờ Hồi giáo này.
Jean Pierre Gorges, Thị trưởng thành phố Chartres, cho biết, vấn đề đặt ra là liệu một mạng lưới cực đoan tồn tại ở thành phố hay không.
Một người Morocco 30 tuổi, người đã tham gia hoạt động tại nhà thờ này từ năm 2010 cho biết, anh chưa bao giờ nghe thấy bất cứ thông tin truyền giáo cực đoan nào hoặc nghe về Mostefai. Ông lên án những cuộc tấn công. “Những kẻ thực hiện hành động dã man sinh ra tại Pháp. Họ có vấn đề về bản sắc”, ông nói.
Cảnh sát đang thẩm tra thân nhân của Mostefai tại Pháp. Anh trai của y đã tự nguyện đi tới một đồn cảnh sát tại tỉnh Essonne. Người đàn ông này nói với AFP rằng anh đã mất liên lạc với em trai trong nhiều năm, sau một cuộc xung đột gia đình, và nghĩ Mostefai đang ở Algeria.
“Tôi không nhận tin của em trai trong một thời gian dài”, anh nói.