Nhu cầu tích trữ USD của người dân Iran tăng cao khi giá trị đồng rial của nước này giảm mạnh. Ảnh: Reuters. |
Theo số liệu từ trang web Bonbast, trên thị trường tự do không chính thức vào hôm 25/2, đồng tiền nội tệ của Iran được giao dịch ở mức 575.000 rial đổi một USD, so với mức 540.000 rial đổi một USD chỉ một ngày trước đó, Reuters đưa tin. Một trang web quy đổi tiền tệ khác là bazar360 cũng cho biết tỉ lệ quy đổi đồng nội tệ của iran là 575.000 rial đổi một USD.
Với chỉ số lạm phát trong năm nay đang ở mức 50%, nhiều người dân tại Iran đang cố gắng bảo vệ khoản tiền mình đã tích lũy được bằng cách quy đổi ra ngoại tệ hoặc vàng.
Nhằm ổn định tâm lý thị trường và giảm nhu cầu tích trữ USD của người dân, ngân hàng trung ương Iran vào hôm 25/2 đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với các cửa hàng mua bán ngoại tệ tư nhân.
Vào tuần trước, chính quyền Iran cũng khai trương một trung tâm trao đổi, cho phép người dân Iran mua bán ngoại tệ. Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho biết những biện pháp của giới chức Iran vẫn chưa thể "hạ nhiệt" nhu cầu tích trữ USD trong nước.
"Mặc dù một số nhà phân tích dự đoán rằng việc mở trung tâm trao đổi sẽ làm dịu tâm lý mua ngoại tệ trên thị trường tự do của người dân, giá trị của đồng USD vẫn tiếp tục tăng", trang web về kinh tế Ecoiran cho biết.
Đồng rial đã mất đi 45% giá trị kể từ khi các cuộc biểu tình tại Iran bùng phát vào tháng 9/2022. Các cuộc biểu tình trên toàn quốc xảy ra sau khi một người phụ nữ Iran thuộc dân tộc Kurd qua đời sau khi bị cảnh sát bắt giữ.
Ngoài các cuộc biểu tình, nền kinh tế của Iran cũng phải chịu áp lực lớn từ lệnh trừng phạt của các quốc gia phương Tây.
Trước đó, vào năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã giáng một đòn mạnh vào quốc gia Trung Đông khi hạn chế khả năng xuất khẩu dầu và tiếp cận ngoại tệ của Iran.
Bên cạnh đó, kể từ tháng 9/2022, các cuộc đàm phán với nhóm P5+1 - bao gồm các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức - nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đã bị đình trệ.
Điều này đã gây tác động lớn đến nền kinh tế Iran khi nhiều lệnh trừng phạt chỉ được gỡ bỏ khi nước này đạt được thỏa thuận với nhóm P5+1.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.