Sau World Cup, nhu cầu mua sắm TV không còn nhiều. Ảnh: H.T. |
Tình hình kinh tế vĩ mô không tích cực đang khiến nhu cầu mua sắm thiết bị điện tử của người Việt Nam trong năm 2022 giảm sút.
Điểm sáng với ngành hàng TV là giải đấu World Cup vào cuối năm. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đạt được doanh số TV tốt trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, mùa mua sắm cuối năm, Tết Nguyên đán sát với giải đấu, khiến tình hình kinh doanh gần đây của mặt hàng này bị ảnh hưởng.
Sức mua TV giảm
Trao đổi với Zing, đại diện Sony Việt Nam cho biết thị trường TV tại Việt Nam khá sôi động trong mùa World Cup. “Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng một phần đến sức mua vào dịp Tết Nguyên đán. Còn lại cả năm ngành phải chịu tác động từ tình hình kinh tế chung”, vị này cho biết.
Xu hướng tương tự cũng được xác nhận bởi các thương hiệu gia dụng, đơn vị bán lẻ trong nước. Ông V.H., quản lý cấp cao của một công ty điện tử cho biết nhờ mùa World Cup, doanh nghiệp đã có tăng trưởng tốt ở ngành hàng TV. “Chúng tôi gia nhập thị trường hồi giữa năm, tổng kết 2022 công ty đạt 4% thị phần cả nước”, ông H. chia sẻ.
Doanh nghiệp có dự báo không tích cực cho ngành hàng TV trong năm 2023. Ảnh: Thế Anh. |
Tuy nhiên, vị này cũng xác nhận rằng sau World Cup, doanh số dần hạ nhiệt. “Tình hình chung là người dùng không đến showroom để mua hàng nhiều như trước do ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Vì vậy, doanh số mùa Tết này không khả quan”, ông H. nói.
Theo các chuyên gia, khi thu nhập của khách hàng bị ảnh hưởng, lạm phát tăng cao, tâm lý chung là thắt chặt chi tiêu, mua sắm hợp lý. Sản phẩm điện tử như TV, máy tính là những mặt hàng thuộc nhóm người dùng không ưu tiên giai đoạn này.
Trả lời Zing, đại diện hệ thống Điện máy Xanh cho biết mùa World Cup giúp doanh số TV của họ tăng thêm 5% so với 2021. Tuy nhiên, công ty dự báo năm 2023 sẽ khó khăn cho nhóm hàng này. “Mức tăng doanh số cho năm tới được dự báo ở mức 3-5%”, đại diện chuỗi này nhận định.
Nhu cầu phân hóa
Cẩn trọng hơn ở các quyết định chi tiêu, người dùng trong nước có sự phân hóa khi lựa chọn TV. Trong đó, nhóm TV phân khúc bình dân được đón nhận khá tốt.
Xiaomi, TCL, Casper là những thương hiệu TV giá rẻ có doanh số ổn định ở Việt Nam. Tại phân khúc 8-15 triệu đồng, các model từ những công ty này có thông số tốt hơn TV của các thương hiệu tên tuổi. Đồng thời, những hãng này tung ra nhiều sản phẩm ở tầm giá thấp, trung bình để người dùng lựa chọn.
Phân khúc TV cao cấp là cuộc chiến của Samsung, Sony và LG. Ảnh: Xuân Sang. |
Phía đại lý Điện máy Xanh cho biết phân khúc 12-15 triệu đồng là khoảng giá được nhiều khách hàng lựa chọn nhất. Tại đại lý CellphoneS, những mẫu dưới 10 triệu đồng có thị phần áp đảo. Theo các đơn vị bán lẻ, người dùng quan tâm nhiều đến độ phân giải, kích thước màn hình và hệ điều hành thông minh khi lựa chọn TV giá dưới 20 triệu đồng.
Mặt khác, phân khúc cao vẫn là cuộc chơi của 3 ông lớn Samsung, Sony và LG. Bên cạnh thương hiệu, những yếu tố như độ bền được kiểm chứng, chất lượng tấm nền là những yếu tố các hãng lớn chiếm ưu thế.
Đại diện Sony Việt Nam cho biết khách hàng của công ty quan tâm nhiều đến các model có giá quanh mức 20 triệu đồng. “Khách hàng của Sony có xu hướng tìm đến các mẫu TV có kích thước trên 65 inch, độ phân giải 4K. Loại tấm nền OLED và LCD vẫn phát triển song song và có tập khách hàng riêng”, phía Sony chia sẻ.
Năm 2022, Samsung, Casper cũng trình làng thêm mẫu TV OLED đầu tiên của họ tại Việt Nam. Vì vậy, phân khúc TV OLED cao cấp sẽ có sự cạnh tranh lớn trong năm 2023.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.