"Tôi rất tiếc khi hội nghị lần này đã không thể đạt được sự đồng thuận", Nikkei Asia dẫn lời Đại sứ Argentina Gustavo Zlauvinen - Chủ tịch hội nghị - phát biểu.
Phái đoàn các nước đã tập trung tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York từ hôm 1/8 tham gia Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân.
Ông Zlauvinen cho biết bản dự thảo cuối cùng thể hiện nỗ lực nhằm giải quyết những quan điểm bất đồng và kỳ vọng của các bên “về một kết quả tiến bộ” trong thời khắc lịch sử, khi “thế giới bao trùm bởi xung đột, và đáng báo động nhất là viễn cảnh ngày càng tăng về chiến tranh hạt nhân”.
Nga công khai phản đối tuyên bố cuối cùng của hội nghị. Đại diện phái đoàn Nga Igor Vishnevetsky nói “rất tiếc khi không có sự đồng thuận về văn kiện này”. Ông nhấn mạnh nhiều quốc gia, không chỉ có Nga, không đồng tình với “một loạt vấn đề” trong 36 trang cuối cùng của bản thảo, AP đưa tin.
“Phái đoàn chúng tôi phản đối một số đoạn văn mang tính chính trị rõ rệt", ông nói thêm.
Hội nghị kéo dài một tháng của Liên Hợp Quốc đã không thể đưa ra tuyên bố chung hôm 26/8. Ảnh: Nikkei Asia. |
Theo các nguồn tin, Nga đặc biệt phản đối các đoạn liên quan tới nhà máy điện hạt nhân Ukraine ở Zaporizhzhia, nơi lực lượng Nga đang kiểm soát.
Bản dự thảo mới nhất bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các hoạt động quân sự xung quanh các nhà máy điện Ukraine, bao gồm cả Zaporizhzhia, cũng như việc Ukraine mất quyền kiểm soát các địa điểm này và tác động tiêu cực đến tính an toàn.
Các bên ký kết cũng thảo luận về một số chủ đề nóng khác, bao gồm chương trình hạt nhân của Iran và các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, theo AFP.
Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân có hiệu lực từ năm 1970, chỉ cho phép 5 quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ. Về nguyên tắc, hiệp ước được đánh giá 5 năm một lần nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy giải trừ hoàn toàn và hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Hiện tại có 191 bên tham gia hiệp ước này. Trong lần họp gần nhất là năm 2015, các bên cũng không thể đưa ra tuyên bố chung. Cuộc họp năm 2020 hoãn tới tận năm nay do đại dịch Covid-19.