Các nguồn tin ngoại giao nói với AFP rằng việc miễn trừ lệnh cấm đi lại cho 13 quan chức Taliban đã kết thúc vào đêm ngày 19/8. Trong số 13 người có Phó thủ tướng Abdul Ghani Baradar và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Sher Mohammad Abbas Stanekzai.
Theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2011, 135 quan chức Taliban phải chịu các biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và cấm đi lại.
Tuy nhiên, 13 người trong số họ đã được miễn trừ lệnh cấm đi lại để gặp gỡ các quan chức từ quốc gia khác ở nước ngoài.
Các chiến binh Taliban cầm súng trường hô vang các khẩu hiệu chiến thắng tại Quảng trường Ahmad Shah Massoud ở Kabul vào ngày 15/8. Ảnh: AFP. |
Vào tháng 6, Ủy ban Trừng phạt Afghanistan gồm 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã loại hai bộ trưởng Giáo dục Taliban khỏi danh sách miễn trừ, do hạn chế quyền giáo dục của phụ nữ.
Đồng thời, họ gia hạn miễn trừ cho những người khác đến ngày 19/8, và sẽ kéo dài thêm một tháng nếu không có thành viên nào phản đối. Tuy nhiên, Ireland đã phản đối trong tuần này, theo các nguồn tin ngoại giao.
Trung Quốc và Nga đã kêu gọi gia hạn, trong khi Mỹ muốn rút ngắn danh sách quan chức được miễn trừ và giới hạn các điểm đến.
Trong khi đó, các nguồn tin ngoại giao nói với AFP rằng đề xuất mới nhất trên bàn đàm phán sẽ chỉ cho phép 6 quan chức Taliban công tác nước ngoài với lý do ngoại giao. Nếu không có thành viên nào của Hội đồng Bảo an phản đối vào chiều 22/8, quyết định này sẽ có hiệu lực trong 3 tháng.
Bất chấp những lời hứa thay đổi sau khi lên nắm quyền vào tháng 8/2021, Taliban gần như đã quay lại chế độ cai trị hà khắc của chủ nghĩa Hồi giáo, đặc trưng cho thời kỳ cầm quyền đầu tiên của họ từ năm 1996 đến năm 2001.