Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Taliban thất hứa triền miên

Một năm sau khi lên nắm quyền, Taliban gần như không thực hiện mọi cam kết đưa ra trước đó, đặc biệt khi lực lượng này ngày càng áp đặt nhiều sắc lệnh hạn chế quyền của phụ nữ.

Một năm trước, Taliban kiểm soát thành công Kabul. Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi nắm quyền ở Afghanistan, Taliban khiến cả thế giới ngạc nhiên khi công bố chính sách ôn hòa, trong đó cam kết chính là đảm bảo quyền phụ nữ.

DW đã tìm hiểu và đánh giá xem liệu Taliban đã giữ được những lời hứa nào sau một năm.

Quyền phụ nữ được tôn trọng "theo chuẩn mực Hồi giáo"

Trong cuộc họp báo đầu tiên vào tháng 8/2021, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid cho biết: “Phụ nữ sẽ đóng vai trò tích cực trong xã hội, nhưng theo khuôn khổ đạo Hồi”. Trong khuôn khổ đó, họ được phép làm việc và học tập.

Lời hứa này hoàn toàn chưa được thực hiện. Một năm trôi qua, Taliban đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đối với phụ nữ.

Phụ nữ phải che kín từ đầu đến chân ở nơi công cộng. Nếu phụ nữ không che kín khi ra ngoài, cha hoặc người thân nam giới gần nhất có thể bị bỏ tù hoặc sa thải khỏi bộ máy chính quyền. Phụ nữ không được ra ngoài nếu không có người giám hộ nam. Người này phải là chồng hoặc người đã qua tuổi dậy thì.

Ra vào công viên ở Afghanistan cũng bị giới hạn theo giới tính, với 3 ngày cho nữ và 4 ngày cho nam. Theo một sắc lệnh, phụ nữ được khuyến cáo chỉ nên rời khỏi nhà khi cần thiết.

taliban that hua anh 1

Taliban kiểm soát hoạt động của phụ nữ và trẻ em gái ngày càng gắt gao. Ảnh: AP.

Taliban nói đã đưa ra quyết định trên vì lo cho an toàn của phụ nữ. Tuy nhiên, các học giả nói luật Hồi giáo không gồm những hạn chế này. Sayed Abdul Hadi Hedayat - học giả tôn giáo ở Afghanistan - phản đối cách Taliban áp đặt quy định che kín toàn thân với phụ nữ Afghanistan.

"Các giáo sĩ Hồi giáo và các quốc gia có sự đồng thuận về khăn trùm đầu (hijab), nhưng chưa thống nhất về loại hijab”, ông nói, đề cập thêm theo đạo Hồi, tay và chân không phải là phần cần che lại.

Theo báo cáo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Taliban cũng hạn chế quyền tiếp cận việc làm trong một số lĩnh vực nhất định. Báo cáo ghi hầu hết nữ nhân viên chính phủ phải ở nhà, ngoại trừ người làm việc trong lĩnh vực như y tế và giáo dục. Nhiều phụ nữ ở vị trí cấp cao, thậm chí trong khu vực tư nhân, đã bị bãi nhiệm.

Chính sách này cũng trái ngược với Hồi giáo. Farid Younos, giáo sư nghiên cứu Trung Đông và triết học Hồi giáo tại Đại học bang California, Vịnh Đông cho biết: “Hồi giáo đối xử bình đẳng với phụ nữ, đặc biệt là giáo dục”. Ông Younos nói trong quá khứ, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, thể hiện qua vợ và con gái Nhà tiên tri Muhammad.

Cả ông Hedayat và ông Younos đều nói theo giáo lý Hồi giáo, giáo dục là bắt buộc đối với cả nam và nữ. “Hồi giáo Sharia không cấm phụ nữ học hành và làm việc, bởi xã hội không thể vận hành và thịnh vượng nếu thiếu vai trò phụ nữ”, ông Hedayat cho biết.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết phụ nữ phản đối các chính sách và hạn chế của Taliban đã bị quấy rối, đe dọa, bắt giữ và thậm chí tra tấn.

taliban that hua anh 2

Thành viên Taliban đứng gác khi người dân chờ nhận viện trợ tiền mặt ở Kabul hôm 28/7. Ảnh: Reuters.

Trẻ em gái được đi học

Vào ngày 21/9/2021, người phát ngôn Taliban Mujahid cho biết "cơ quan giáo dục đang làm việc chăm chỉ để tạo cơ sở giáo dục nữ sinh trung học càng sớm càng tốt". Nhóm này không đề cập khung thời gian cụ thể.

Trên thực tế, lời hứa này không hề được thực hiện. Hồi tháng 3, cơ quan giáo dục Taliban thông báo sẽ mở lại mọi lớp học. Tuy nhiên, một ngày sau, cơ quan này bất ngờ đảo ngược lệnh và nói các nữ sinh phải nghỉ học.

Cơ quan này đổ lỗi cho việc thiếu giáo viên và vấn đề về trang phục, đồng thời hứa mở trường nữ sinh phù hợp với “luật Hồi giáo và văn hóa Afghanistan". Kể từ đó đến nay, mọi thứ vẫn chưa có gì thay đổi.

Tổng ân xá cho cựu thù

Vào ngày 17/8/2021, ông Mujahid đưa ra lời cam kết, “đảm bảo mọi đồng hương, dù là phiên dịch, hoạt động quân sự hay thường dân, đều quan trọng. Sẽ không ai bị trả thù. Hàng nghìn người chống lại chúng tôi trong 20 năm sẽ đều được ân xá”.

Đây lại là lời hứa suông. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, Afghanistan ban đầu chứng kiến “làn sóng giết người trả đũa” và “truy lùng tới từng nhà” khi Taliban mới tiếp quản Kabul. Sau đó, có vẻ như nhóm này không phát động chiến dịch trả thù nào.

Tuy nhiên, Phái bộ Hỗ trợ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan (UNAMA) ghi nhận ít nhất 160 vụ giết người không theo trình tự tố tụng, 178 vụ bắt giữ tùy tiện, 23 vụ bắt giữ phi pháp và 56 vụ tra tấn quan chức chính phủ và an ninh cũ do chính quyền Taliban thực hiện trong các ngày 15/8/2021-15/6/2022.

taliban that hua anh 3

Ahmad Massoud (trung tâm) cùng lực lượng dân quân kháng chiến chống Taliban tại thung lũng Panjshir, tháng 10/2020. Ảnh: WSJ.

Báo cáo của UNAMA về nhân quyền ở Afghanistan kết luận lệnh ân xá đã bị vi phạm nhiều lần.

Những con số này chưa bao gồm hàng chục vụ giết người phi pháp, đối xử tệ bạc và bắt giữ tùy tiện những người bị nghi là thành viên của ISIS-K và Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF).

NRF từng bảo vệ Thung lũng Panjshir khỏi lực lượng Taliban cho đến tháng 9/2021 và vẫn đang nỗ lực giành lại quyền kiểm soát khu vực.

Không đe dọa hoặc trả đũa nhà báo

Người phát ngôn Taliban hứa với Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), cam kết truyền thông công bằng và tự do báo chí, miễn là nhà báo không can thiệp vào "khuôn khổ văn hóa" của Taliban.

Thực tế chứng minh ngược lại. Chỉ vài ngày sau khi nắm quyền ở Kabul, thành viên Taliban đã giết người thân của một nhà báo DW mà họ đang tìm kiếm. Vào tháng 9/2021, Liên đoàn Nhà báo Quốc tế báo cáo Fahim Dashti - người đứng đầu Liên đoàn Nhà báo Quốc gia Afghanistan - đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa Taliban và NRF.

Các tổ chức nhân quyền nói họ không có bằng chứng cụ thể chứng minh các nhà báo bị Taliban giết hại. Tuy nhiên, tự do báo chí ở đây đã suy yếu kể từ đó tới nay.

Trong số hơn 10.000 người làm việc tại các tòa soạn ở Afghanistan vào tháng 7/2021, chỉ 4.360 người còn làm vào tháng 12/2021, theo RSF. Một cuộc khảo sát cho thấy 318 cơ sở truyền thông quốc gia đã đóng cửa từ khi Taliban nắm quyền.

Vào tháng một, phát ngôn viên Taliban nói lực lượng này chưa đóng cửa bất cứ đài truyền thông nào. Tuy nhiên, một số đã ngừng hoạt động sau khi hết tài trợ, ông nói.

Vào tháng 4, ít nhất một chục nhà báo đã bị bắt ở Afghanistan, khiến Liên Hợp Quốc phải kêu gọi Taliban ngừng bắt giữ tùy tiện các nhà báo.

taliban that hua anh 4

Taliban xóa sổ cánh đồng anh túc ở Washir hôm 29/5. Ảnh: AP.

Không còn ma túy bất hợp pháp từ Afghanistan

Sau khi tiếp quản Afghanistan, phát ngôn viên Mujahid nói Taliban đảm bảo sẽ không sản xuất bất cứ chất ma túy nào. Ông nhắc lại Taliban đã đưa hoạt động sản xuất ma túy dựa trên cây thuốc phiện về con số 0 vào năm 2000, và kêu gọi quốc tế giúp đỡ cung cấp các loại cây trồng thay thế.

Lời hứa này vẫn chưa được chứng minh. Afghanistan vẫn là nhà sản xuất và xuất khẩu heroin - thuốc phiện lớn nhất thế giới trong nhiều thập niên.

Theo nghiên cứu của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm, vào năm 2020, Afghanistan cung cấp khoảng 85% tổng số opioid phi dược phẩm trên toàn thế giới.

Đầu năm nay, Taliban cấm trồng và thu hoạch cây thuốc phiện, đe dọa đưa nông dân vào tù và đốt ruộng của họ. Quan chức Taliban nói lực lượng này đang tìm kiếm các loại cây trồng thay thế nhằm mang lại thu nhập cho nông dân.

Cho tới nay, Taliban có vẻ đã giữ lời hứa về chống ma túy. Theo nghiên cứu năm 2004 của Ngân hàng Thế giới, sản lượng cây thuốc phiện ở Afghanistan giảm mạnh xuống gần bằng 0 sau lệnh cấm trồng trọt của Taliban vào năm 2000. Con số này tăng trở lại khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan cuối năm 2001.

Tuy nhiên, các chuyên gia đặt câu hỏi nỗ lực lần này sẽ hiệu quả và kéo dài bao lâu. Xét cho cùng, buôn bán ma túy là phần quan trọng trong nền kinh tế Afghanistan, tạo doanh thu khoảng 1,8-2,7 tỷ USD vào năm 2021. Tổng giá trị của lĩnh vực thuốc phiện chiếm 9-14% GDP của Afghanistan.

Nhà phân tích Shehryar Fazli cho biết trước những thách thức toàn cầu và vấn đề nhân quyền, viện trợ nước ngoài có thể không đáp ứng được kỳ vọng của Taliban và nhu cầu kinh tế của Afghanistan sau khi chấm dứt sản xuất ma túy.

Bài liên quan

Thi truong Newark phan no hinh anh

Thị trưởng Newark phẫn nộ

0

Thị trưởng Ras Baraka và các nhà lập pháp bày tỏ sự phẫn nộ với các cuộc đột kích nhập cư trong khi các thành phố trú ẩn trên toàn quốc chuẩn bị cho các hành động tương tự của ICE.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm