Ainudeen - từng là tay súng bắn tỉa của Taliban - được bổ nhiệm làm Giám đốc Phát triển Đất đai và Đô thị ở tỉnh Balkh. Ảnh: BBC. |
Khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan vào tháng 8/2021, cuộc sống của nhiều người dân đã thay đổi. Trong năm qua, hàng chục nghìn người Afghanistan đã sơ tán khỏi đất nước, hầu hết trường trung học dành cho nữ sinh được lệnh đóng cửa, giữa lúc tình trạng nghèo đói leo thang.
Tuy nhiên, lần đầu tiên sau hơn 4 thập kỷ, nước này không còn chìm trong bạo lực, trong khi nạn tham nhũng tràn lan trước đây đã được giảm thiểu đáng kể, theo BBC.
Vào mùa hè năm ngoái, phóng viên của BBC đã gặp Ainudeen, một tay súng bắn tỉa của Taliban, ở quận phía bắc tỉnh Balkh.
“Chúng tôi đang cố gắng không làm hại dân thường, nhưng đó là cuộc chiến và mọi người sẽ chết”, chiến binh này cho biết vào thời điểm đó, khi Taliban tiến quân khắp Afghanistan.
Vài tháng sau, Taliban đã thành lập chính phủ. Ainudeen ước tính đã giết hàng chục thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan, cũng như bị thương khoảng 10 lần. Tuy nhiên, sau khi Taliban tiếp quản, anh được bổ nhiệm làm giám đốc Phát triển Đất đai và Đô thị ở tỉnh Balkh.
Tay súng bắn tỉa phải làm quen với cuộc sống mới
Giờ đây, một năm sau, anh dường như vẫn đang thích nghi với cuộc sống mới của mình. Tuy nhiên, anh cho biết bản thân nhận ra tầm quan trọng trong nhiệm vụ của mình.
“Chúng tôi đã chiến đấu chống lại kẻ thù bằng súng của mình, nhờ có Thượng đế mà chúng tôi đã đánh bại họ. Giờ đây, chúng tôi đang cố gắng phục vụ nhân dân bằng cây bút”, Ainudeen nói.
Tuy nhiên, đối với một số thành viên từng tham gia chiến đấu khác, họ thừa nhận cảm thấy khá nhàm chán với vai trò mới tại văn phòng.
Hầu hết nhân viên dưới quyền Ainudeen đều từng làm việc trong chính phủ cũ. Ở những nơi khác trong thành phố, phóng viên BBC nhận thấy nhiều người dân phàn nàn về việc bị các cựu chiến binh Taliban lấy đi việc làm.
Ainudeen đang phải chật vật làm quen với công việc bàn giấy. Ảnh: BBC. |
“Chúng tôi nhận được cả nền giáo dục quân sự và giáo dục hiện đại”, Ainudeen nói khi được hỏi liệu có đủ khả năng đảm nhận vị trí này.
“Mặc dù chúng tôi xuất thân từ quân đội và đang làm việc trong lĩnh vực này, các vị có thể so sánh kết quả với chính phủ trước và xem ai làm tốt hơn”, Ainudeen nói. Tuy nhiên, anh cho biết việc quản lý khó hơn chiến đấu, vì chiến đấu có ít trách nhiệm hơn.
Đó là một thách thức của Taliban, khi nhóm này chuyển từ quân nổi dậy thành lực lượng lãnh đạo.
Trong khi các vụ đánh bom tàn khốc ở các thành phố lớn thường là điều thu hút giới truyền thông, phần lớn các cuộc xung đột gay gắt đã diễn ra dọc theo chiến tuyến ở vùng nông thôn.
Nhiều dân thường bị kẹt giữa Taliban và quân đội Afghanistan. Một số không phân biệt được rõ ràng giữa hai bên, điều họ muốn chỉ là một cuộc sống bình yên hơn.
Cuộc sống chật vật
Phóng viên BBC đến thăm làng Padkhwab ở tỉnh Logar, phía đông nam Kabul, ngay sau khi Taliban tiếp quản. "Tình hình từng rất tồi tệ. Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì, ngay cả khi đi đến các cửa hàng hoặc chợ. Giờ thì tạ ơn Thượng đế, chúng tôi có thể đi khắp mọi nơi", Samiullah, một người sản xuất gạch, cho biết.
Ở những ngôi làng như Padkhwab, những giá trị của Taliban phù hợp với người dân địa phương hơn là ở các khu vực thành thị. Ngay cả trong chính quyền trước đây, phụ nữ thường che mặt khi ở nơi công cộng, và hiếm khi đến chợ địa phương.
Khi phóng viên quay trở lại vào tuần trước, nhiều cư dân bày tỏ lòng biết ơn về những tiến bộ về mặt an ninh.
Một người đàn ông bán giày từ xe đẩy trong một khu chợ vắng vẻ. Ảnh: Wall Street Journal. |
Tuy nhiên, nền kinh tế của Afghanistan đã sụp đổ kể từ khi Mỹ rút quân, do các khoản viện trợ nước ngoài, vốn chiếm khoảng 75% chi tiêu công, bị cắt giảm. Các ngân hàng quốc tế phần lớn ngừng xử lý giao dịch chuyển tiền do lo ngại vi phạm quy tắc trừng phạt. Taliban đổ lỗi cho Mỹ vì đã đóng băng dự trữ ngân hàng trung ương của Afghanistan.
Hệ quả là, các gia đình trung lưu ở khu vực thành thị trước đây đã bị giảm thu nhập đáng kể, do nhân viên khu vực công không được trả lương trong nhiều tháng và sau đó bị cắt lương. Những người từng sống chật vật thì phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong việc nuôi sống gia đình.
Ở Padkhwab, lời phàn nàn phổ biến thường liên quan đến việc giá cả tăng, cũng như tình trạng thiếu việc làm. Samiullah cho biết nền kinh tế đã bị tàn phá, và nhiều người đã phải dựa vào người thân ở nước ngoài.
“Mọi người không đủ tiền mua bột mì, chứ đừng nói đến thịt hoặc trái cây”, Gul Mohammad, một thợ may, nói thêm.
Những lời chỉ trích công khai nhằm vào Taliban đang ngày càng trở nên hiếm hoi ở nước này. Đối với một số người, chiến thắng của Taliban đã giúp cải thiện cuộc sống của họ. Tuy nhiên, nhiều người khác cảm thấy đất nước mà họ đã giúp xây dựng đang biến mất trước mắt.
Khi các chiến binh Taliban bắt đầu tiến vào Kabul vào năm ngoái, nhiều cư dân đã sợ hãi tột độ. Nhóm này đã nhiều năm thực hiện các vụ đánh bom liều chết và các vụ ám sát trong thành phố.
Tuy nhiên, Roeena - một phụ nữ trẻ thường đăng tải video trên YouTube - đã quyết định ra ngoài và nói chuyện với họ.
“Quyền của nam giới và phụ nữ là bình đẳng”, cô nói với BBC vào tháng 8/2021. Tuy nhiên, cô không rõ liệu mình có thể tiếp tục làm việc hay không. Một năm trôi qua, tình trạng lấp lửng đó vẫn tiếp diễn, không chỉ đối với Roeena, mà trên toàn quốc.
Taliban đã gây thất vọng khi quyết định đóng cửa các trường trung học dành cho nữ sinh ở hầu khắp đất nước.
Tương tự, phụ nữ làm việc trong hầu hết lĩnh vực công - ngoài ngành giáo dục hoặc y tế - được yêu cầu không quay trở lại văn phòng. Tuy nhiên, số ít phụ nữ trong các doanh nghiệp tư nhân vẫn có thể tiếp tục làm việc.
Khi di chuyển quanh Kabul, Roeena ăn mặc kín đáo hơn trước. Taliban đã ra sắc lệnh rằng phụ nữ phải che mặt ở nơi công cộng. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực thi có vẻ còn lỏng lẻo.
Cô khẳng định phụ nữ và trẻ em gái nên được trao tất cả quyền tự do được đảm bảo bởi Hồi giáo.
“Quyền của họ không nên bị tước đoạt, họ nên được làm việc và học tập”, cô cho hay.