Nga muốn áp giá sàn với dầu thô để đối phó với phương Tây. Ảnh: TASS. |
Giới chức Moscow được cho là cũng đang tính áp đặt giá cố định đối với dầu Nga, hoặc quy định mức chiết khấu tối đa khi bán dầu. Dù vậy, các nguồn tin của Bloomberg không tiết lộ mức giá sẽ được quyết định ở con số nào.
Phó thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 6/12 tuyên bố mọi biện pháp đối phó với giá trần của Nga sẽ được đưa ra vào cuối năm nay - cho thấy Moscow không quá vội vã phản ứng.
Đây được coi là động thái đáp trả việc các nước trong nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga được xuất khẩu bằng đường biển.
Giá trần với dầu của Nga là ý tưởng được nhóm G7 đưa ra trước đó nhằm giảm thu nhập mà Moscow nhận được qua việc bán dầu. Theo thỏa thuận, các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm không được cung cấp dịch vụ cho các lô hàng dầu thô của Nga ở quy mô toàn cầu, trừ khi chúng có mức giá thấp hơn giá trần.
Do hầu hết công ty vận tải và bảo hiểm hàng đầu thế giới được đặt tại các nước G7, thỏa thuận sẽ khiến Nga khó có thể bán dầu với mức giá cao hơn.
Phó thủ tướng Nga Novak ngày 6/12 cũng tuyên bố dầu của Nga sẽ tìm được người mua, bất chấp các lệnh cấm vận và mức giá trần.
“Đương nhiên các biện pháp can thiệp vào thị trường sẽ ảnh hưởng đến các công ty của chúng tôi, tới hoạt động buôn bán tới các thị trường xuất khẩu”, ông Novak nói, theo TASS. “Dù vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng dầu của Nga vẫn có nhu cầu và sẽ tìm được người mua”.
Những cuốn sách giúp hiểu về cạnh tranh Nga - Mỹ
Zing giới thiệu tới độc giả một số cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về quan hệ giữa Nga và Mỹ - hai trong số các cường quốc hàng đầu trong trật tự thế giới hiện nay.