Phó thủ tướng Nga Alexander Novak. Ảnh: TASS. |
"Chúng tôi sẽ bán dầu và các sản phẩm từ dầu cho những quốc gia cùng làm việc với chúng tôi về điều kiện thị trường, kể cả khi chúng tôi phải cắt giảm sản lượng", TASS dẫn lời ông Novak nói ngày 4/12.
Nhóm 7 nền kinh tế lớn (G7) cùng Liên minh châu Âu (EU) và Australia hôm 2/12 đã thống nhất về mức giá trần 60 USD/thùng với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Động thái của phương Tây nhằm ngăn các công ty vận chuyển và công ty bảo hiểm tiếp nhận các đơn hàng xuất khẩu dầu thô của Nga vượt mức giá trần, theo Reuters.
Phó thủ tướng Nga Novak, quan chức phụ trách vấn đề năng lượng của đất nước, chỉ trích nước đi của phương Tây mâu thuẫn với các quy tắc thương mại tự do, và gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu khi thiếu nguồn cung.
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng thị trường đang ở trạng thái tốt hơn so với hai tháng trước, mặc dù có nhiều điều không chắc chắn", ông Novak nói thêm.
Lệnh cấm vận chuyển dầu của Nga đến các nước thuộc Liên minh Châu Âu bằng đường biển có hiệu lực vào ngày 5/12.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 3/12 nhận định mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu Nga là không đủ cứng rắn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo có thể cắt nguồn cung năng lượng nếu phương Tây áp giá trần với dầu Nga, nói rằng châu Âu có thể bị "đóng băng".
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.