Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi đang đánh giá tình hình”, ông Peskov nói, đồng thời cho biết Nga đã có một số biện pháp chuẩn bị nhất định đối với thông báo về mức giá trần với dầu của nước này, theo hãng tin TASS.
“Chúng tôi không chấp nhận mức giá trần đó”, ông khẳng định. Ông nói thêm rằng Nga đã thực hiện phân tích nhanh và sẽ đưa ra phản ứng sau đó, RIA đưa tin.
Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp giới hạn đối với giá dầu của nước này. Điều đó đã được Đại sứ Nga tại các cơ quan quốc tế ở Vienna Mikhail Ulyanov tái khẳng định hôm 3/12.
“Bắt đầu từ năm nay, châu Âu sẽ sống mà không có dầu của Nga”, ông nhấn mạnh.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ hôm 3/11 cũng cáo buộc biện pháp áp đặt giá trần lên dầu thô của Nga làm biến đổi các quy tắc của thị trường tự do.
Hôm 2/12, các nước thuộc Liên minh châu Âu đã đạt được đồng thuận về áp giới hạn giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Các thành viên của nhóm G7 và Australia sau đó cũng công bố các biện pháp tương tự.
Theo tuyên bố của G7 và Australia, mức giá trần này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12 hoặc “ngay sau đó”, Reuters đưa tin. Các quốc gia này cũng tuyên bố sẽ tính đến các động thái “bảo đảm tính hiệu quả của mức giá trần”, nhưng chưa công bố thêm thông tin.
Giá trần với dầu của Nga là ý tưởng được nhóm G7 đưa ra nhằm giảm thu nhập mà Moscow nhận được qua việc bán dầu, trong khi ngăn giá dầu thế giới tăng vọt sau khi lệnh cấm vận dầu thô Nga của EU chính thức có hiệu lực ngày 5/12 tới.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.