Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters. |
“Các vị không thể gọi đó là một quyết định nghiêm túc khi đặt ra giới hạn như vậy đối với giá dầu Nga”, ông Zelensky khẳng định, Reuters đưa tin. Tổng thống Ukraine cho rằng quyết định đó là động thái "yếu ớt".
“Dù sao thì việc sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn cũng chỉ là vấn đề thời gian. Thật đáng tiếc khi chúng ta lãng phí quãng thời gian này”, ông nói thêm.
Bên cạnh đó, Tổng thống Zelensky nhận định thế giới đã thể hiện sự yếu ớt khi đặt mức trần với dầu Nga ở mức 60 USD/thùng. Ông cho rằng điều này sẽ làm ngân sách Nga tăng thêm 100 tỷ USD mỗi năm.
"Nếu mức giá trần đối với dầu của Nga là 60 USD thay vì 30 USD như Ba Lan và các nước vùng Baltic đã đề xuất, ngân sách Nga sẽ nhận được khoảng 100 tỷ USD mỗi năm”, ông Zelensky nói.
"Số tiền này sẽ được sử dụng để gây bất ổn hơn nữa cho chính những quốc gia đang cố gắng tránh những quyết định nghiêm trọng", ông nói thêm.
Trước đó, Andriy Yermak, Chánh văn phòng tổng thống Ukraine, khẳng định mức giá trần nên được đặt ở mức 30 USD/thùng "để phá hủy nền kinh tế của đối phương nhanh hơn".
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moscow sẽ không chấp nhận mức giá trần 60 USD/thùng và đang chuẩn bị các biện pháp phản ứng.
“Chúng tôi không chấp nhận mức giá trần đó”, ông khẳng định. Ông nói thêm rằng Nga đã thực hiện phân tích nhanh và sẽ đưa ra phản ứng sau đó, RIA đưa tin.
Hôm 2/12, các nước thuộc Liên minh châu Âu đã đạt được đồng thuận về áp giới hạn giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Các thành viên của nhóm G7 và Australia sau đó cũng công bố các biện pháp tương tự.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.