Hải quân Mỹ có kế hoạch ngừng hoạt động một tàu sân bay trước thời hạn hàng thập niên. Động thái gây tranh cãi này nhằm giải phóng tiền cho các vũ khí mới cần thiết để chống lại kẻ thù mạnh mẽ, Business Insider cho biết.
“Chúng tôi đã đưa ra quyết định khó khăn khi cho nghỉ hưu tàu sân bay USS Harry S. Truman (CVN-75), thay vì kế hoạch đại tu tiếp nhiên liệu hạt nhân được lên kế hoạch vào năm 2024”, trích tuyên bố của Hải quân Mỹ trong kế hoạch ngân sách năm 2020.
Mục đích của kế hoạch nhằm dành tiền cho việc phát triển các vũ khí mới có khả năng sống sót cao hơn trong một cuộc chiến nếu có với Trung Quốc, một quan chức quốc phòng cấp cao nói với Breaking Defense.
“Cuộc cạnh tranh quyền lực lớn đã trở lại, tạo ra thách thức lớn đối với an ninh, thịnh vượng của Mỹ, đòi hỏi ưu tiên và lựa chọn chiến lược cứng rắn”, hải quân giải thích. Quyết định nghỉ hưu trước thời hạn khoảng 25 năm đối với CVN-75 được cho là của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan.
Tàu sân bay CVN-75 trong một cuộc tập trận trên biển vào ngày 16/2/2018. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Hải quân Mỹ nói rằng điều này phù hợp với cam kết của Lầu Năm Góc trong việc chủ động theo đuổi các khoản đầu tư đa dạng vào lĩnh vực máy bay không người lái, vũ khí năng lượng định hướng.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi kế hoạch đóng thêm 2 siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford. Các siêu tàu sân bay từ lâu là biểu tượng cho sức mạnh toàn cầu của Mỹ, song chúng ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn trước mối đe dọa từ tên lửa tầm xa.
Các chuyên gia hải quân cho rằng tàu sân bay Mỹ cần phải hoạt động cách ít nhất 1.000 hải lý từ lục địa Trung Quốc, để nằm ngoài tầm bắn của tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc. Điều đó đặt các tiêm kích trên hạm ra khỏi phạm vi cho cuộc tấn công vào đất liền. Trong khi đó, ngân sách không cung cấp khoản đầu tư đáng kể cho việc mở rộng hoặc tăng cường khả năng của tiêm kích trên hạm.
Tàu sân bay Truman trên biển. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Hải quân Mỹ đang chuyển hướng từ các phương tiện truyền thống sang robot, chẳng hạn như tàu trinh sát không người lái để thực hiện nhiệm vụ giám sát và thu hút hỏa lực đối phương. Việc tổn thất một hoặc nhiều phương tiện không người lái sẽ thấp hơn nhiều so với thiệt hại của tàu sân bay Nimitz chứa đầy bom đạn, hơn 60 máy bay, 2 lò phản ứng hạt nhân và 5.000 thủy thủ.
Đề xuất ngân sách mới sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ Quốc hội. Các tàu sân bay như Truman, hay USS George Washington trước đó là một món hời đối với Bộ Quốc phòng để đảm bảo nguồn tài trợ bổ sung từ Quốc hội.
USS Harry S. Truman (CVN-75) là tàu sân bay thứ 8 thuộc lớp Nimitz. Tàu được đưa vào hoạt động từ năm 1998. CVN-75 cùng với USS Ronald Reagan (CVN-76) và USS George WH Bush (CVN-77) là 3 tàu sân bay mới nhất của lớp Nimitz.
Hiện tại, CVN-75 chỉ mới hoạt động chưa đến một nửa thời gian so với vòng đời sử dụng thông thường của một tàu sân bay hạt nhân là 50 năm. Theo kế hoạch, CVN-75 sẽ tiến hành đại tu thay thế lõi nhiên liệu hạt nhân vào năm 2024 để tiếp tục sử dụng thêm 25 năm nữa.