Theo CNN, các máy bay ném bom B-52H được phát hiện đã rời căn cứ không quân Barksdale, tại bang Louisiana, lên đường hướng về đảo Diego Garcia. Căn cứ cách cực nam của Iran gần 3.700 km.
Sẵn sàng tham gia những chiến dịch chống Iran
Trước đó, trả lời giấu tên cho CNN, một quan chức Mỹ cho biết Lầu Năm Góc lên kế hoạch triển khai máy bay B-52 đến Diego Garcia bắt đầu từ ngày 6/1. Người này tiết lộ nếu có lệnh tác chiến, các máy bay này hoàn toàn sẵn sàng tham gia những chiến dịch chống Iran.
Tuy nhiên, việc triển khai không đồng nghĩa rằng đã có một chiến dịch nào đó đã được thông qua. Lầu Năm Góc thường sử dụng việc triển khai máy bay ném bom tầm xa, cũng như các khí tài chiến lược khác, như một tín hiệu răn đe về hiện diện và năng lực quân sự Mỹ.
Cùng với lệnh triển khai B-52 đến Diego Garcia và chiến hạm đổ bộ Bataan đang trên đường đến Trung Đông, quân đội Mỹ chỉ trong nửa tuần qua đã tăng viện thêm gần 10.000 nhân sự tại khu vực, theo Wall Street Journal.
"Pháo đài bay", máy bay ném bom chiến thuật, B-52. Ảnh: UK Defence Journal. |
Năm 2019, 6 chiếc B-52 cũng được triển khai đến Qatar giữa căng thẳng với Iran. Lần này Lầu Năm Góc chọn đảo Diego Garcia để tránh tầm bắn của tên lửa đối thủ, vị quan chức Mỹ tiết lộ.
Mỗi chiếc B-52H có 8 động cơ, được thiết kế để mang theo một lượng lớn bom đạn, trong đó bao gồm cả tên lửa hành trình, bom laser dẫn đường, bom quy ước và bom hạt nhân. Vào tháng 5/2019, quân đội Mỹ từng triển khai máy bay ném bom chiến thuật này đến Qatar nhưng đơn vị rời đi chỉ vài tháng sau, theo một quan chức quốc phòng Mỹ.
Việc B-52 được triển khai đến Diego Garcia diễn ra vài ngày sau khi Mỹ cho không kích sát hại tướng Qasem Soleimani của Iran. Vụ việc khiến Tehran và người dân Iran phẫn nộ. Quds, nhánh hoạt động quân sự và tình báo nước ngoài của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), đã thề sẽ trả thù cho cựu chỉ huy của mình.
Lầu Năm Góc cũng triển khai thêm quân nhân đến Trung Đông. Hoạt động chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) được tạm hoãn để tập trung bảo vệ căn cứ và quân nhân Mỹ trước tình hình căng thẳng.
Lo ngại lực lượng Mỹ có rủi ro bị tấn công
Nhiều chuyên gia lo ngại lực lượng Mỹ có rủi ro bị tấn công bởi các lực lượng ủy nhiệm của Tehran hoặc kho tên lửa đồ sộ mà họ đã phát triển. Vấn đề này khiến việc triển khai máy bay ném bom đến sân bay Diego Garcia thêm cần thiết.
Máy bay ném bom chiến thuật B-1B cất cánh từ sân bay quân sự trên đảo Diego Garcia những năm đầu cuộc chiến chống khủng bố. Ảnh: Getty. |
Đánh giá Phòng thủ Tên lửa mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy Diego Garcia nằm ngoài tầm bắn của mọi tên lửa mà Iran sở hữu, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm bắn xa nhất của họ. Diego Garcia cũng là căn cứ duy nhất vừa đủ gần Iran, vừa đủ khả năng duy trì hoạt động ném bom liên tục, theo The Drive.
B-52H có năng lực mang tên lửa hành trình trang bị đầu đạn hạt nhân. Yếu tố này mang ý nghĩa chiến lược trong căng thẳng Mỹ - Iran. Washington có thể gửi thông điệp răn đe, cảnh báo Tehran rằng mình đủ khả năng gây ra tổn thất nặng nề chỉ với một tên lửa nếu muốn. Nhiều chuyên gia cho rằng căn cứ Diego Garcia có đủ năng lực kỹ thuật để xử lý vũ khí hạt nhân, không như những căn cứ khác của Mỹ tại Vùng Vịnh.
Chỉ có một vài căn cứ hải ngoại của Mỹ có đủ năng lực tiếp nhận và vận hành máy bay ném bom chiến thuật B-52. Bên cạnh Diego Garcia với hai đường băng cỡ lớn, Mỹ còn có căn cứ không quân Andersen tại đảo Guam và căn cứ Al Udeid của Qatar.
Diego Garcia cũng nằm trong số ít những căn cứ trên thế giới đủ khả năng cho máy bay ném bom tàng hình chiến thuật B-2B Spirit hoạt động. Dù chưa có thông tin nào cho thấy B-2B Spirit sẽ lên đường đến Trung Đông, Diego Garcia nhiều khả năng sẽ là điểm tiếp vận vũ khí, nhiên liệu và bảo dưỡng của siêu máy bay ném bom này trong trường hợp xung đột nổ ra.
Đường băng quân sự chỉ là một trong nhiều ưu thế chiến lược của đảo Diego Garcia. Đây là nơi neo đậu của hai đội tàu tiền tiêu thuộc Bộ tư lệnh Vận tải biển Quân sự Mỹ. Một đội tàu hàng nhỏ neo sẵn ở khu đầm phá với đầy đủ đạn dược và trang thiết bị hậu cần, sẵn sàng được triển khai ngay khi khủng hoảng nổ ra.
Không chỉ vậy, căn cứ giữa Ấn Độ Dương của Mỹ còn có cơ sở hỗ trợ sứ mệnh không gian và nhiều sứ mệnh điện tử nhạy cảm khác. Từng có những nghi ngờ Diego Garcia là một "điểm đen" của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong giai đoạn đầu cuộc chiến chống khủng bố.