Người Iran xuống đường mang theo chân dung tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, được xem là người quyền lực số 2 ở Iran và nắm trong tay các phiến quân thân Iran trên khắp Trung Đông. Ảnh: AP. |
Ông Soleimani là người đầu tiên ở Iran được đưa tang trên nhiều thành phố. Ngay cả Ayatollah Ruhollah Khomenei, cựu lãnh đạo tối cao, người lập ra Cộng hòa Hồi giáo Iran, cũng không được để tang như vậy khi qua đời năm 1989. Ảnh: AP. |
Người Iran nâng quan tài tướng Soleimani trong lễ tang ngày 6/1 ở Tehran. Linh cữu ông Soleimani được người dân Tehran tới viếng ngày 6/1. Ảnh: Reuters. |
Cảnh sát ước tính nhiều triệu người xuống đường ở thủ đô Iran, đứng chật kín các giao lộ và đường phố, trải dài hết tầm mắt, theo AP. Dù không có ước tính độc lập, ảnh vệ tinh và ước tính của AP cho thấy có ít nhất 1 triệu người. Ảnh: Reuters. |
Ông Soleimani được Iran coi là người hùng. Mỹ cáo buộc ông chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm người Mỹ, và đang lên kế hoạch tiếp tục giết hại người Mỹ ngay trước khi bị tiêu diệt. Ảnh: AP. |
Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei cầu nguyện trước quan tài của ông Soleimani và những người khác thiệt mạng, ở Đại học Tehran, sau lễ tưởng niệm ngắn ở thánh đường Musalla nổi tiếng, nơi cũng đã cầu nguyện cho cựu lãnh đạo tối cao Ayatollah Ruhollah Khomenei. Ảnh: Reuters. |
Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, có quan hệ thân cận với ông Soleimani, gọi ông Soleimani là “người tử vì đạo”, và bật khóc bốn lần khi đang nói lời cầu nguyện của Hồi giáo dành cho người vừa qua đời. Ảnh: AP. |
Người kế nhiệm ông Soleimani, Esmail Ghaani, khóc bên quan tài. Ông Ghaani đã đe dọa trả thù Mỹ trên truyền hình quốc gia. “Sẽ có những hành động trả đũa”, ông nói. “Chúa sẽ là người trả thù chủ yếu”. Ảnh: Reuters. |
Đám đông kéo dài hết tầm mắt tại tháp Azadi (tự do) ở Tehran ngày 6/1. Vụ ám sát ông Soleimani dẫn tới việc Iran từ bỏ mọi giới hạn của thỏa thuận hạt nhân 2015. Ở Baghdad, Quốc hội Iraq thông qua việc yêu cầu Mỹ rút khỏi Iraq. Ảnh: AP. |
Ảnh vệ tinh cho thấy đường Azadi (chéo từ góc trên bên trái) kín màu đen do trang phục của người đi đưa tang. Dù có những cuộc biểu tình trên cả nước gần đây, người Iran từ mọi quan điểm chính trị đã tạm gác lại khác biệt và đoàn kết sau cái chết của vị tư lệnh. Ảnh: Reuters. |
Người đưa tang đốt cờ Mỹ và Israel ở quảng trường Enqelab-e-Eslami (Cách mạng Hồi giáo) ở Tehran ngày 6/1. Truyền hình nhà nước Iran đăng video chế lại tweet của Tổng thống Trump, trong đó cờ Mỹ bị biến thành quan tài, còn số lượt 143.000 “like” biến thành 143.000 “người bị tiêu diệt”. Ảnh: AP. |
Người Iran giơ biểu ngữ đòi trả thù Mỹ. Biểu ngữ viết “Trump, kẻ đánh bạc, hãy chờ đợi trả thù kinh khủng”. Người đưa tang Mohammad Milad Rashidi, 26 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, dự đoán tình hình sẽ còn căng thẳng. “Trump đã phá hỏng mọi cơ hội thỏa thuận giữa Tehran và Washington... chắc chắn sẽ có thêm xung đột”. Ảnh: AP. |
“Iran sẽ trả thù cho mọi giọt máu của ông ấy (Soleimani)”, Azita Mardani, một người đi đưa tang, nói với AP. “Chúng tôi còn cảm ơn ông Trump vì đã làm chúng tôi phẫn nộ, và sẽ khiến họ phải đổ máu ở vùng Vịnh... Đây sẽ là nghĩa địa của họ”. Ảnh: Reuters. |
Một bé gái giương biểu ngữ khi xuống đường đưa tang cho tướng Soleimani ở Ahvaz, Iran ngày 5/1. Ảnh: Fars/Reuters. |
Một người đưa tang mang chân dung của tướng Soleimani và chỉ huy dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis trong lễ tang ở Ahvaz, Iran ngày 5/1. Ảnh: Fars/Reuters. |
Người Iran giơ tay và khóc khi thi thể của Tướng Soleimani được đưa tới sân bay quốc tế Ahvaz, ở Ahvaz, Iran ngày 5/1. Ảnh: Fars/Reuters. |
Sau khi ở Tehran, linh cữu của ông Soleimani và những người thiệt mạng khác được đưa tới thành phố thiêng Qom, phía nam thủ đô Tehran, tiếp tục được đám đông khác tới đưa tiễn. Ông Soleimani sẽ được mai táng ngày 7/1 ở quê nhà Kerman, đông nam Iran. Ảnh: AP. |