Liên minh do Mỹ dẫn đầu chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gửi bức thư cho Bộ Quốc phòng Iraq ngày 6/1 và nói sẽ chuẩn bị ngay lập tức để “bảo đảm việc đưa quân ra khỏi Iraq được tiến hành an toàn và hiệu quả”.
Nhưng ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc: “Bức thư đó không phản ánh quan điểm hiện tại” và khẳng định chưa có quyết định nào về việc rút khỏi Iraq.
Đoàn xe đi qua biển người mặc đồ đen ngày 4/1 ở thủ đô Baghdad của Iraq. Ảnh: Reuters. |
Bức thư bị gửi nhầm?
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, nói bức thư đã bị gửi nhầm, theo Guardian.
“Bức thư mới là bản nháp, bị gửi nhầm, chưa được ký, lẽ ra chưa được công bố”, ông Milley nói, và phê phán bức thư là “lời lẽ sai lệch, ngụ ý rút quân, không phải điều đang diễn ra”.
Việc rút quân liên minh khỏi Iraq sẽ làm suy yếu nỗ lực chống IS tập hợp lực lượng và là chiến thắng về mặt chiến lược cho Iran, tạo ấn tượng rằng Mỹ không có kế hoạch bài bản khi quyết định ám sát Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách mạng Iran.
Các đồng minh tiếp tục giữ khoảng cách với Mỹ sau vụ ám sát, giữa lúc hàng triệu người Iran đổ ra đường tưởng nhớ và đòi trả thù cho vị tư lệnh bị ám sát - được xem là nhân vật quyền lực số 2 ở Iran sau lãnh đạo tối cao.
Cả Israel và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhấn mạnh rằng họ không liên quan tới vụ không kích rạng sáng ngày 3/1. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ sự thất vọng trước phản ứng e ngại của các đồng minh châu Âu.
Tư lệnh Qassem Soleimani bị ám sát khi tới sân bay Baghdad rạng sáng ngày 3/1. Ảnh: Khamenei.ir. |
Các đồng minh Mỹ: ‘Chúng tôi không liên quan’
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một trong những đồng minh quốc tế thân cận nhất của Tổng thống Trump, nói trong buổi họp với các thành viên nội các phụ trách an ninh ngày 6/1: “Vụ ám sát Soleimani không phải vụ việc của Israel mà là vụ việc của Mỹ. Chúng tôi không dính dáng và không nên bị kéo vào”.
Thứ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Khalid bin Salman kêu gọi kiềm chế, trong khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo có rủi ro thực sự về một cuộc chiến mới ở Trung Đông, nhưng vẫn còn thời gian cho ngoại giao.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết các nước đang có những quyết định khó lường với hậu quả khó lường và rủi ro tính toán nhầm.
Chính quyền Trump đã từ chối cấp visa cho Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đến New York phát biểu trước Hội đồng Bảo an, theo trang web Foreign Policy. Nếu đúng vậy, đó sẽ là sự vi phạm hiệp định về trụ sở Liên Hợp Quốc. Phái đoàn Iran lại cho biết chưa biết thông tin về quyết định visa nói trên, theo Guardian.
Bộ Ngoại giao Anh không xác nhận hoặc phủ nhận việc Anh giảm số nhân viên ở Đại sứ quán Iran hoặc Iraq và chỉ nói “vẫn thường xuyên xem xét” tình hình an ninh tại các cơ sở này.
Iran đã đưa ra nhiều đe dọa nhắm vào Mỹ. Chuẩn tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy lực lượng không gian của Iran, ngày 6/1 cho biết sự đáp trả hợp lý duy nhất chỉ có thể là “phá hủy hoàn toàn sự hiện diện của Mỹ trong khu vực”
Trong khi số phận của lực lượng chống IS tại Iraq còn chưa rõ ràng, Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục cử lính tới khu vực phòng trường hợp xung đột trực tiếp với Iran, bao gồm 2.500 lính thủy đánh bộ cùng trực thăng Cobra và chiến đấu cơ Harrier, sẽ được đưa tới Trung Đông từ vị trí hiện tại ở Địa Trung Hải.
3.000 lính dù đang trên đường tới Kuwait, và CNN đưa tin máy bay ném bom B52 đang được điều tới căn cứ ở Ấn Độ Dương để trực chiến khi cần ở Trung Đông.
Quan tài tướng Soleimani và các quan chức Iran bị sát hại ở Iraq được chở trên xe, đám đông người tưởng niệm vây quanh, ở Mashhad, Iran ngày 5/1. Ảnh: Tasnim/AP. |
Thiếu minh bạch với quyết định ám sát
Tổng thống Trump ngày 6/1 bị chỉ trích vì đã đe dọa tấn công các di tích văn hóa của Iran, trong số 52 điểm mà Mỹ sẽ ném bom nếu Iran trả đũa Mỹ. Ông nói 52 điểm tượng trưng cho 52 con tin Mỹ bị giữ lại trong Đại sứ quán Mỹ ở Tehran trong cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Ông Trump cũng bị đảng Dân chủ chỉ trích vì thiếu minh bạch khi quyết định ám sát Soleimani. Cả ông và Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc ông Soleimani đang lên kế hoạch tấn công các mục tiêu Mỹ.
Ông Trump không tham vấn Quốc hội hay các đồng minh Mỹ khi ra lệnh vụ không kích sân bay Baghdad sáng 3/1, giết chết 10 người bao gồm tư lệnh Soleimani.
Sáng 4/1, Nhà Trắng chính thức thông báo cho Quốc hội theo đúng luật, nhưng nội dung thông báo lại là nội dung mật. Việc thông báo như vậy trong quá khứ thường không phải bí mật, để đảm bảo minh bạch cho người Mỹ trong tình huống căng thẳng.
Đảng Dân chủ kêu gọi Nhà Trắng giải mật và công bố nội dung thông báo, trong khi Nhà Trắng cho biết sẽ sớm có buổi thông báo cho Quốc hội.
Nhìn chung, các nước châu Âu không chỉ trích ông Trump về quyết định ám sát tư lệnh Iran, và chia sẻ góc nhìn của Mỹ rằng Iran là bên tài trợ khủng bố, gây bất ổn cho khu vực Trung Đông.
Nhưng không nước châu Âu nào hoan nghênh việc sát hại tướng Soleimani, và bày tỏ lo ngại về an nguy của công dân và binh lính nước họ.
“Đó là quyết định của Mỹ, không phải quyết định của liên minh hay của NATO”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết. Ông xác nhận hoạt động huấn luyện của NATO ở Iraq đã tạm dừng để đảm bảo an toàn cho binh lính.
Trước các diễn biến trên, ngày càng có nhiều lo ngại về nguy cơ IS sẽ tập hợp lực lượng.
“Cuối cùng, sẽ không còn nhiều hoạt động chống khủng bố ở Iraq và Syria trong tương lai gần”, Luke Hartig, cựu giám đốc chống khủng bố trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết.
“Di sản chống khủng bố của ông Trump ở Iraq và Syria có thể là làm chết một số người, nhưng không giải quyết được gì đối với vấn đề lõi và không có đối tác nào sẵn sàng giúp chúng ta chống khủng bố nữa”.