Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ám sát tư lệnh Iran - TT Trump có đủ bản lĩnh vượt qua khủng hoảng?

Vụ ám sát Qassem Soleimani đẩy nước Mỹ vào cuộc khủng hoảng tầm quốc tế mà những người chỉ trích chính quyền Trump cho rằng ông chủ Nhà Trắng không đủ năng lực để giải quyết.

Trong 3 năm cầm quyền của Tổng thống Trump, những người chỉ trích đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về cách ông chủ Nhà Trắng sẽ xử lý một cuộc khủng hoảng ở tầm quốc tế thực sự, cảnh báo vị tỷ phú hiện nắm quyền tổng tư lệnh quân đội với những phản ứng thái quá sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm khôn lường, theo New York Times.

Nội bộ Mỹ chia rẽ về vụ sát hại Soleimani

Trong cơn giận sục sôi sau khi máy bay không người lái Mỹ khai hỏa sát hại tư lệnh đầy quyền lực và uy tín của lực lượng Quds, khi các lãnh đạo Iran đã lập tức đe dọa đòn đáp trả "khốc liệt", Tổng thống Trump và nước Mỹ đối mặt thời khắc quyết định liệu những người chỉ trích đã chính xác, hay ông Trump đã bị đánh giá thấp trong suốt những năm qua.

"Thời khắc mà tất cả chúng ta sợ hãi dường như đã tới. Một tổng thống thất thường hành xử thiếu suy nghĩ, hoảng loạn, khi tất cả những cố vấn lão luyện đã rời đi, vây quanh chỉ còn lại những kẻ nghiệp dư. Ám sát lãnh đạo nước ngoài, tuyên bố đánh bom dân thường. Đây thực sự là cơn ác mộng", Thượng nghị sĩ Dân chủ Christopher Murphy viết trên Twitter hôm 5/1.

My am sat tu lenh Iran anh 1

Thượng nghị sĩ Dân chủ Christopher Murphy (trái) gọi quyết định ám sát tướng Soleimani là "cơn ác mộng". Ảnh: New York Times.

Các cố vấn và đồng minh của ông Trump bác bỏ những chỉ trích, gọi đây là những phản ứng tiêu cực đã được đoán trước từ các đối thủ chính trị quá yếu đuối để có thể hành động quyết đoán chống lại những kẻ thù nước ngoài đã nhiều năm tấn công người Mỹ mà không bị trừng phạt.

Một số chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ tự tin tuyên bố phản ứng của Iran sẽ ít nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mà Tehran tuyên bố.

"Có vẻ sẽ có chút ồn ào tạm thời về việc người Iran lựa chọn đáp trả. Tôi hy vọng họ không làm thế. Tổng thống Trump đã làm rõ là chúng tôi sẽ trả đũa nếu họ làm vậy, và đòn trả đũa của chúng tôi sẽ mạnh mẽ và quyết đoán", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với NBC hôm 5/1.

Tác động từ vụ không kích vào sân bay ở Baghdad sát hại tướng Soleimani đã nhanh chóng xuất hiện trong các diễn biến ngày 5/1. Quốc hội Iraq bỏ phiếu trục xuất lực lượng Mỹ vì xâm phạm chủ quyền nước này.

Trong khi đó, Iran tuyên bố chấm dứt cam kết các giới hạn trong chương trình hạt nhân. Trên chiến trường, quân đội Mỹ ngừng các chiến dịch tấn công IS để tập trung phòng vệ trước nguy cơ trả đũa từ Iran.

Vụ không kích sát hại tướng Soleimani để lại hậu quả là tình trạng bất ổn đầy thách thức đối với một vị tổng chỉ huy bản năng, hiếu chiến và tương đối thiếu kinh nghiệm như ông Trump để có thể tìm cách thoát ra khỏi giai đoạn hiểm nguy phía trước mà không phạm phải sai lầm mà ông Trump đã chỉ trích những người tiền nhiệm của mình phạm phải.

Ông Trump cũng chịu sức ép từ những chỉ trích nội bộ cho rằng ông quá thất thường khi đối mặt những thời khắc khủng hoảng.

Những cuộc biểu tình quy mô lớn và lời kêu gọi trả đũa tại khu vực Trung Đông cuối cùng có thể chẳng là gì hơn so với "một chút ồn ào" như Ngoại trưởng Pompeo ví von.

Quyết định trục xuất quân đội Mỹ của Quốc hội Iraq không có tính ràng buộc thực thi nếu như chính phủ đương nhiệm tại Baghdad không thông qua. Trong khi đó, Iran dù đe dọa sẽ thúc đẩy chương trình hạt nhân, Tehran dường như vẫn để ngỏ lựa chọn khác khi không trục xuất các thanh sát viên quốc tế.

Sự cứng rắn của TT Trump

Một số chuyên gia khu vực cho rằng sự khó đoán của ông Trump bản thân nó đã là một sự răn đe. Việc sát hại Tư lệnh Soleimani là hành động ngang ngược không che giấu và gây sốc cho các lãnh đạo Iran, đến mức Tehran sẽ cực kỳ thận trọng để không kích động một tổng thống Mỹ đã cho thấy thái độ sẵn sàng leo thang căng thẳng theo cách không người tiền nhiệm nào từng thể hiện.

"Trump thực sự rất mạnh tay đối với chế độ Iran. Ông ấy toan tính thế nào thì tôi không rõ. Ông ấy không phải là một chiến lược gia. Nhưng các chiến thuật của ông ấy không hề tệ. Cuộc tấn công Soleimani là bước đi thiên tài, khiến đối thủ hoàn toàn bối rối không biết phải làm gì", Reuel Marc Gerecht, cựu chuyên gia về Iran của CIA, nhận định.

Thời điểm hiện tại, Mỹ đối mặt chia rẽ trầm trọng với Iraq, quốc gia mà Washington đã đầu tư nhiều tiền của, công sức và cả máu trong suốt 17 năm qua. Phe diều hâu tại Tehran đã củng cố lực lượng trong nội bộ, chĩa mũi dùi tức giận vào Mỹ.

Thủ lĩnh Tối cao Ayatollah Ali Khamenei có thể sẽ không lập tức ra quyết định trả đũa. Đòn tấn công của Iran sẽ được tiến hành vào thời điểm nào đó, bằng bạo lực hoặc tấn công mạng.

"Khi điều đó xảy ra, và còn phụ thuộc vào đòn trả đũa là gì, quả bóng sẽ một lần nữa quay lại về chân ông Trump, và khiến ông ấy đứng trước một lựa chọn định mệnh tương tự. Liệu ông ấy sẽ leo thang hơn nữa, như đã cảnh báo, và có nguy cơ sa vào một cuộc xung đột quân sự lâu dài, đẫm máu và đắt đỏ hơn? Hay ông ấy sẽ tìm một đường lùi?", Robert Malley, cựu cố vấn dưới thời Tổng thống Obama, nhận xét.

My am sat tu lenh Iran anh 2

Quốc hội Iraq thông qua quyết định chấm dứt hợp tác với liên minh quốc tế chống IS do Mỹ hậu thuẫn. Ảnh: Getty.

Tổng thống Trump tuyên bố loại bỏ Tư lệnh Soleimani, người Washington cáo buộc chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm lính Mỹ ở Trung Đông, là nhằm ngăn chặn chiến tranh.

Các cố vấn của ông Trump khẳng định chỉ huy Iran đang âm mưu một cuộc tấn công vào các lợi ích của Mỹ, dù không đưa ra bằng chứng nào. Trong khi đó, Tổng thống Trump leo thang mức độ khẩu chiến, đe dọa đáp trả bất cứ sự khiêu khích nào của Iran bằng vũ lực áp đảo, gồm cả tấn công vào các công trình văn hóa, điều có thể cấu thành một tội ác chiến tranh theo luật pháp quốc tế.

Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa sẽ leo thang căng thẳng với Iraq, quốc gia Washington đã dành gần 20 năm để biến thành một đồng minh then chốt ở khu vực, đe dọa sẽ áp đặt "lệnh trừng phạt nặng nề" nếu Baghdad trục xuất quân đội Mỹ.

"Chúng ta sẽ không rời đi trừ khi họ trả lại tiền cho chúng tôi. Nếu họ yêu cầu chúng ta rời đi, và nếu hai bên không giải quyết trên cơ sở hữu nghị, chúng ta sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mà họ chưa từng thấy. Lệnh trừng phạt ấy sẽ khủng khiếp hơn nhiều so với trừng phạt Iran", ông Trump đe dọa.

Canh bạc may rủi

Một cuộc xung đột quân sự kéo dài, đẫm máu và tốn kém hơn nữa tại Trung Đông không phải là điều ông Trump dự tính khi đắc cử năm 2016, hay những gì ông hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử.

Trong suốt chiến dịch vận động, ông cam kết sẽ rút Mỹ khỏi bãi lầy địa chính trị đã tiêu tốn quá nhiều tiền bạc và sinh mạng người Mỹ. Và mới chỉ 1 tuần trước, ông vẫn lặp lại kết luận "can dự vào Trung Đông là quyết định tồi tệ nhất trong lịch sử của đất nước".

Tuy nhiên, nhiều tuyên bố chính sách trong chiến dịch tranh cử khá mơ hồ và có những thời điểm trái ngược, được dùng để thuyết phục các nhóm cử tri khác nhau.

Khi còn là ứng viên tổng thống, ông Trump nhiều lần kêu gọi chấm dứt can dự tại Trung Đông, trong khi có thời điểm tuyên bố cần tới 30.000 quân tại khu vực để đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Ông Trump chỉ trích chính quyền George W. Bush vì cuộc chiến tranh xâm lược Iraq năm 2003, nhưng đồng thời lại ủng hộ biện pháp thẩm vấn tăng cường sử dụng trong thời kỳ này, hay thậm chí có lúc công khai tuyên bố "tra tấn có hiệu quả".

My am sat tu lenh Iran anh 3

Hiện trường vụ không kích khiến tư lệnh Qassem Soleimani thiệt mạng. Ảnh: AP.

Michael Doran, cựu quan chức từng kinh qua các công việc ở Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho rằng quyết định giết tướng Soleimani là sự "chuyển hóa một phần" của một tổng thống từng lên án "những cuộc chiến tranh bất tận" của Mỹ.

Dù Tổng thống Trump từng coi xung đột với Iran là một cơ hội để đàm phán một thỏa thuận hạt nhân có lợi hơn so với những gì Tổng thống Obama từng làm được, nay ông Trump coi đây là đòn đáp trả những hành động ác ý của Iran trong khu vực như thúc đẩy chiến tranh ủy nhiệm và tài trợ cho các tổ chức bị Mỹ coi là khủng bố.

"Nhưng ông ấy cũng nhận thức sâu sắc hơn về sự khác biệt sức mạnh giữa Mỹ và Iran. Khi ông ấy nhận ra Khamenei coi Soleimani là người mang lại ưu thế cho Iran, ông Trump đã loại Soleimani ra khỏi vòng chiến, với một máy bay không người lái, thay vì cả một đội quân xâm lược", ông Doran nhận xét.

Ông Doran cho rằng Tổng thống Trump hành động rất khác những gì những người tiền nhiệm là Bush và Obama đã thực hiện, đó là giành lấy sự chủ động, khiến các đối thủ và cả các đồng minh mất cân bằng, phô bày sự cứng rắn và sẵn sàng đặt cược vào khả năng xử lý mọi vấn đề có thể xảy đến.

Lãnh tụ Iran khóc thương, đưa tiễn tướng Soleimani Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei là người chủ trì lễ cầu nguyện cho ông Soleimani, vị tướng vừa thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ vào hôm 3/1.

Iraq không cho lính Mỹ ra khỏi căn cứ cho tới khi rời đi

Đại diện quân đội Iraq cho biết binh sĩ Mỹ hiện diện tại nước này sẽ bị giới hạn hoạt động và không được rời khỏi căn cứ trong thời gian xây dựng kế hoạch rút quân.

Ám sát tướng Soleimani - Trung Đông thêm một thập kỷ đẫm máu?

Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng drone ở Trung Đông, nhưng vụ ám sát tướng Qassem Soleimani hôm 2/1 rất có thể sẽ hoàn toàn biến đổi khu vực, theo chiều hướng đáng lo ngại.

Duy Anh

Theo New York Times.

Bạn có thể quan tâm