Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng drone ở Trung Đông, nhưng vụ ám sát tướng Qassem Soleimani hôm 2/1 rất có thể sẽ hoàn toàn biến đổi khu vực, theo chiều hướng đáng lo ngại.
Đối với tướng Qassem Soleimani, một trong những người đàn ông quyền lực nhất ở Trung Đông, chuyến bay ngắn từ Damascus đến Baghdad tối muộn ngày 2/1 là chuyến đi rất bình thường. Di chuyển bằng máy bay riêng, tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Quds của Vệ binh Cách mạng Iran không cần thực hiện các bước nhập cảnh như những người bình thường ở sân bay quốc tế Baghdad.
Khi máy bay chở vị tướng 62 tuổi hạ cánh xuống đường băng sau lúc nửa đêm, có hai chiếc xe SUV chờ sẵn ở bậc thang. Người chờ ông cũng là khuôn mặt quen thuộc - Abu Mahdi al-Muhandis, người quen từ lâu của tướng Soleimaini - hiện đứng đầu nhóm vũ trang Shia Kataeb Hezbollah do Iran hậu thuẫn.
Chính nhóm này trước đó vài ngày đứng sau cuộc biểu tình bạo lực bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, để phản đối việc Mỹ không kích vào trụ sở của nhóm khiến 25 chiến binh thiệt mạng hôm 29/12.
Theo Guardian, cả Soleimani và Muhandis đều đang có những vấn đề cấp bách cần thảo luận, bên cạnh mong muốn chung về gây áp lực với người Mỹ ở Iraq. Các quan chức Mỹ cho biết vị tư lệnh Iran bày tỏ quan ngại về những cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây ở Iraq mà một số bắt nguồn từ quan điểm chống Iran.
Nhiều người Iraq thấy bất mãn trước nền kinh tế kiệt quệ và tình trạng thất nghiệp tăng, thể hiện sự giận dữ với tầm ảnh hưởng quá lớn của Iran tại đất nước của họ. Ông Soleimani muốn Muhandis hỗ trợ nhiều hơn để chống lại tâm lý này của người dân Iraq.
Soleimani và Muhandis leo lên chiếc xe đầu tiên, trong khi những vệ sĩ của họ lên chiếc xe thứ hai đi theo sau. Đoàn xe tăng tốc để đi vào con đường phía cuối sân bay.
Nhưng những người trên xe không hề biết rằng nhất cử nhất động của họ đang bị theo dõi bởi chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper, truyền những hình ảnh này về thẳng Lầu Năm Góc và CIA.
Ngay khi hai chiếc xe đi tới đoạn đường cách xa dân thường và các quan chức Iraq, chiếc drone phóng đi hai quả tên lửa nhắm vào chiếc xe đầu tiên chở Soleimani và Muhandis. Tên lửa thứ 3 bay tới chiếc xe đi sau chở các vệ sĩ.
Hậu quả thảm khốc được nhìn thấy ngay tức khắc. Chiếc xe đầu chở hai người đàn ông quyền lực chỉ còn lại một mẩu, Muhandis có vẻ như đã hoàn toàn bốc hơi, trong khi đó thứ còn lại duy nhất của tướng Soleimaini là bàn tay trái lủng lẳng treo ở cửa sổ phía sau. Trên bàn tay này có chiếc nhẫn hồng ngọc lớn mà ông luôn đeo - thứ giúp người ta xác nhận rằng người bị giết chính là ông.
Quyết định ám sát tướng Soleimani, ra lệnh bởi chính Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu nghỉ mát Mar-a-Largo của ông ở Florida, chỉ mất một khoảnh khắc để có kết quả. Nhưng đây chính là khoảnh khắc có thể thay đổi hoàn toàn nền chính trị đầy biến động ở Trung Đông, và thách thức tới tận nền tảng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này.
Như thường lệ, đây lại là quyết định hoàn toàn trái ngược so với những gì ông Trump hay nói, về việc "đưa những chàng trai của chúng ta về nhà", về "những cuộc chiến ngu ngốc vô tận ở Trung Đông".
Rõ ràng mệnh lệnh của ông Trump không giúp Mỹ nhanh chóng rút khỏi "những cuộc chiến ngu ngốc", mà thay vào đó, việc Tư lệnh Soleimani bị ám sát, như nhiều chuyên gia nhận định, chỉ khiến Mỹ lún sâu thêm vào vòng xoáy bạo lực.
Hàng loạt những câu hỏi "tại sao" và "sao lại lúc này" xuất hiện, và đến cả các nhà quan sát có kinh nghiệm cũng gặp khó khăn trong việc định lượng sự nghiêm trọng của sự kiện cùng những lo ngại về sự phản kháng không thể tránh khỏi.
"Thật khó để nói quá về tầm quan trọng của sự kiện. Sẽ có sự đáp trả ở Iraq và nhiều khả năng là Syria và toàn bộ khu vực", ông David Petraeus, cựu giám đốc CIA và cũng từng là chỉ huy quân đội Mỹ ở Iraq, nhận định.
Cựu giám đốc CIA khác trong thời Obama là ông Michael Morell thậm chí còn thẳng thừng hơn: "Sẽ có những cái chết của lính Mỹ, của công dân Mỹ, do hậu quả của việc này. Tôi cho rằng chúng ta cũng hết hy vọng giữ Iraq nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Iran".
Điều mà hầu hết đều đồng tình là vụ ám sát tướng Soleimani, hành động mà cả chính quyền ông George W. Bush và ông Obama đều không dám thực hiện, làm leo thang nghiêm trọng xung đột giữa Tehran và Washington, vốn đã gia tăng kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận thời Obama - được thiết kế để kiềm tỏa tham vọng hạt nhân của Iran - và thay vào đó áp dụng chính sách "áp lực tối đa" gồm các lệnh trừng phạt và cấm vận nhằm bóp nghẹt nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của nước cộng hòa Hồi giáo.
Có người cho rằng vụ ám sát tướng Soleimani bằng drone là kết quả tích tụ của vòng xoáy chết chóc bắt đầu vào ngày 27/12, với sự kiện ít được chú ý xảy ra cách thủ đô Baghdad 250 km về phía bắc, tại căn cứ không quân K1 nằm ở thành phố Kirkuk đầy các mỏ dầu, nơi cuộc chiến chống lại các tàn quân IS vẫn tiếp diễn.
Lúc 7h30 sáng, 31 quả tên lửa Katyusha 107 ly, được bắn đi từ chiếc xe tải, lao tới khu nhà ở của cảnh sát liên bang và cơ quan chống khủng bố Iraq. Nhưng những người Iraq không phải là mục tiêu của vụ tấn công, các quả tên lửa được nhắm vào khu nhà ở dành cho 100 người Mỹ và các nước khác đang làm nhiệm vụ huấn luyện. Kết quả là một công dân Mỹ thiệt mạng, và vài người khác bị thương.
Ngay khi vụ tấn công xảy ra, nghi ngờ hướng về phía những tàn quân của IS ở khu vực. Nhưng chỉ vào giờ sau, các quan chức Mỹ, bao gồm cả Ngoại trưởng Mike Pompeo, tuyên bố thủ phạm là bên khác - Kataeb Hezbollah - nhóm vũ trang Shia được thành lập bởi Muhandis.
Các quan chức Mỹ chỉ ra một chuỗi các vụ tấn công bằng rocket xảy ra gần đây, và cho rằng chúng đều do các nhóm vũ trang Iraq được Iran hậu thuẫn thực hiện. Ông Pompeo cảnh báo rằng bất cứ vụ tấn công nào xảy ra thêm "sẽ được đáp trả bằng phản ứng dứt khoát của Mỹ".
Nhưng khi đó, việc đáp trả cho vụ tấn công căn cứ K1 đã được lên nòng. Lầu Năm Góc ra lệnh không kích một số cơ sở của nhóm Kataeb Hezbollah, tiêu diệt 25 chiến binh của nhóm.
Đến đêm 31/12, đến lượt nhóm vũ trang này phản ứng bằng cách triệu tập những người ủng hộ tới đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, xông vào khu vực tiếp tân, đập phá rồi phóng hỏa
Ba ngày sau, Soleimani bay tới Baghdad, với cáo buộc của Washington rằng vị tư lệnh này đang có kế hoạch dàn dựng các cuộc tấn công mới vào người Mỹ với cánh tay phải của ông ta ở Iraq là Muhandis.
Cái cách mà vị tướng quyền lực của Iran bị ám sát - dưới tay người Mỹ - kẻ thù mà ông chiến đấu chống lại trong hàng thập kỷ - tạo nên một phần kết phức tạp cho di sản của nhân vật với cuộc đời đầy những mâu thuẫn đẫm máu.
Là nhân vật quan trọng trong cuộc chiến máu lửa ở chiến trường Syria, nơi ông và lực lượng Quds của mình sát cánh cùng chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, ông Soleimani cũng là người có đóng góp rất lớn vào cuộc chiến chống IS ở Iraq, điều giúp ông có được sự nể trọng của những người Hồi giáo dòng Shia ở đây.
Trong khi nhiều người coi ông là người giật dây bậc thầy ở Trung Đông, ông luôn chỉ coi mình là người đầy tớ trung thành của Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei. Dù bằng cách nào, Soleimani cũng đã trở thành một huyền thoại sống ở khu vực, khác xa với xuất phát điểm khiêm tốn của ông.
Sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó và ít học, ngôi trường lớn nhất của ông chính là lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, nơi ông gia nhập rồi bước vào cuộc chiến đẫm máu với Iraq của Saddam Hussein và trở thành chỉ huy của lực lượng Quds vào năm 1998.
Ở vị trí này, Soleimani có nhiệm vụ mở rộng tầm ảnh hưởng của Iran ở khu vực, thông qua việc thiết lập một mạng lưới pha trộn giữa tình báo và các nhóm vũ trang Shia, trải dài từ Lebanon tới Yemen.
Những kỹ năng thành thục về mặt chiến thuật của ông thậm chí còn khiến vị tướng này nhận được sự tôn trọng miễn cưỡng từ các lãnh đạo quân sự Mỹ.
Tướng Stanley McChrystal, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở Iraq và là người từng có ý định giết Soleimani, đã viết trên tạp chí Foreign Policy vào năm ngoái, mô tả vị tướng Iran là "nhà lãnh đạo tự tin, đã được chứng minh", "chiến lược gia có tính toán và thực tế", và "người theo chủ nghĩa thực dụng sắc sảo".
Tuy nhiên, theo ông Vali Nasr, nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Iran, từng đứng đầu Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp John Hopkins, danh tiếng của Soleimani không chỉ là sản phẩm của Iran mà còn đến từ ngộ nhận của Mỹ.
"Mỹ xây dựng ông ta từ năm 2008 như chỉ huy quân sự duy nhất của Iran được biết đến trong chính sách đối ngoại của Mỹ", ông Nasr nhận định, và nói thêm rằng có những nhân vật khác hoạt động trong việc triển khai chiến lược của Iran ở khu vực, nhưng Soleimani giữ vai trò như Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ.
"Mặc dù ông ấy là người có khả năng ở nhiều lĩnh vực, việc ông ấy đã được coi như một đoàn quân 1 người - chịu trách nhiệm cho tất cả những gì diễn ra ở Iraq và Syria, là điều không hề chính xác. Giờ đây khi ông ấy đã chết, chính quyền Trump có vẻ như hoàn toàn ngây thơ trong việc kỳ vọng điều gì sẽ xảy ra, nhất là khi bạn nghe phát biểu của ông Pompeo rằng người dân Iraq cảm thấy hạnh phúc vì đã được giải phóng khỏi Soleimani".
"Mọi người phức tạp hơn thế nhiều. Người dân Iraq có thể không vui vì sự can thiệp của Iran, nhưng họ vẫn có cái nhìn thiện cảm với Qassem Soleimani, người mà họ cho là có công bảo vệ miền Nam Iraq khỏi IS, và là người xuất hiện ở Erbil với lượng lớn vũ khí để giúp người Kurd phòng vệ", ông Nars nói.
Thêm vào đó, thay vì giúp tăng cường tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Iraq, vụ ám sát tướng Soleimani, theo ông Nasr, có thể hủy hoại hoàn toàn mối quan hệ của Washington với Baghdad.
Ông Ali Vaez, chuyên gia Iran của Crisis Group, cũng hoài nghi về các giả định của chính quyền Trump về kết quả mong đợi từ vụ ám sát Soleimani.
"Vấn đề lớn nhất ở đây là người Mỹ đã tin vào sự hoa mỹ của chính họ. Việc Mỹ coi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran như tổ chức khủng bố không có nghĩa là trên thực tế nó hoạt động như tổ chức khủng bố", ông Vaez nhận xét.
"Điều đó không có nghĩa là nếu bạn chặt đầu của tổ chức thì nó sẽ bị tê liệt. Nên nhớ đây là cơ quan nhà nước của lực lượng vũ trang Iran. Tôi nghĩ sẽ khó để thay thế Soleimani, nhưng không phải là không thể. Lực lượng Quds có rất nhiều người với hồ sơ và kinh nghiệm tương tự, những thứ có thể giúp họ tiếp tục thúc đẩy các chính sách khu vực của Iran", ông Vaez cho biết.
Ông Vaez cũng lưu ý rằng: "Thậm chí điều thường gặp là người thế chỗ (của Soleimani) có thể sẽ thiếu đi nhãn quan và kỹ năng chiến thuật, và có thể là một người có quan điểm diều hâu hơn, điều có thể làm nghiêm trọng hơn tình hình".
Những sự kiện vừa diễn ra, thoạt tiên có thể gây bất ngờ, nhưng thực tế điều chúng thể hiện là sự tranh giành ảnh hưởng ở Iraq giữa Washington và Tehran, quá trình đã bắt đầu từ ngày liên quân do Mỹ dẫn đầu lật đổ chính quyền Saddam Hussein vào năm 2003. Đây là cuộc xung đột mà Soleimani từ lâu đã là nhân vật quan trọng.
Trong khi chính quyền Bush khi đó vội vàng cho rằng chiến lợi phẩm của Mỹ sẽ là cơ hội để định hình lại Trung Đông, Tehran cũng nhìn thấy cơ hội của riêng họ để tạo dựng sự ảnh hưởng lên người hàng xóm - kẻ thù cũ, nhất là khi đảng Baath của Saddam - gồm hầu hết người Hồi giáo dòng Sunni - bị giải thể và quyền lực rơi vào tay những người Hồi giáo dòng Shia có cùng đức tin với Iran.
Muhandis, người có bố là người Iraq và mẹ là người Iran, đã trốn sang phe Iran trong thời kỳ hai nước láng giềng vướng vào cuộc chiến kéo dài gần thập kỷ, và sau đó trở thành một chỉ huy cấp cao. Ông quay lại Iraq sau khi Saddam bị lật đổ và trở thành thân tín của Soleimani.
Trong giai đoạn tiếp theo, khi quân đội Mỹ tập trung chống lại sự nổi dậy của những người Sunni từng thuộc hàng ngũ đảng Baath và sự xuất hiện của các tổ chức khủng bố trong đó có cả Al-Qaeda, các nhóm vũ trang Shia - nhiều trong số này nhận lệnh từ Iran và Soleimani - cũng có mục tiêu của riêng họ để phá hoại tầm nhìn mà Mỹ vạch ra cho Iraq. Khoảng 700 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng tại Iraq do hoạt động của các nhóm này.
Mọi chuyện tạm thời được gác lại khi Soleimani và người Mỹ, trớ trêu thay, phải cùng chiến đấu chống lại một kẻ thù chung ở chiến trường Iraq là lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS.
Nhưng những ngày bình yên đó chẳng kéo dài lâu khi ông Trump đột ngột tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, và đưa Washington gần gũi hơn với Riyadh, tạo thành liên minh với Saudi Arabia để chống lại Tehran.
Đó là lúc mà lực lượng Quds của tướng Soleimani bắt đầu gia tăng tối đa hoạt động ở khu vực, với các nhóm vũ trang Shia do Iran hậu thuẫn tham gia vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, tiêu biểu như những gì diễn ra ở chiến trường Yemen và Syria. Diễn biến mới nhất của quá trình này chính là vụ tấn công của nhóm Kataeb Hezbollah vào lợi ích của Mỹ ở Iraq.
Theo Reuters, hồi tháng 10 năm ngoái, tại một biệt thự ở thủ đô Baghdad, tướng Soleimani đã nói với các chỉ huy vũ trang dưới quyền Muhandis rằng hãy lập nhóm dân quân mới mà người Mỹ chưa biết tới - nhưng có khả năng thực hiện các vụ tấn công bằng rocket vào nhà ở của công dân Mỹ tại các căn cứ quân sự Iraq.
Mặc dù ông Trump và các đồng minh đang ăn mừng, nhiều chuyên gia cho rằng việc ám sát tướng Soleimani không cho thấy sức mạnh, mà thay vào đó thể hiện sự yếu đuối của Washington.
"Quyết định leo thang chiến sự của Tổng thống Trump bằng cách giết chết Qassem Soleimani là điển hình cho sự thất bại trong chiến lược đối phó với Iran của ông ấy", David Schanzer, chuyên gia về khủng bố tại Đại học Duke, nhận định.
"Ông Trump từ bỏ chính sách ngoại giao như một biện pháp để kìm hãm Iran bằng cách rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2018, thay vào đó sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây sức ép với Iran chấm dứt các hành động gây hấn. Kết quả là? Iran đang đẩy nhanh chương trình hạt nhân của họ, gây hấn nhiều hơn ở khu vực, và khuấy động bạo lực nhiều hơn ở nước láng giềng Iraq", ông Schanzer lập luận.
Tất cả điều này đặt ra câu hỏi liệu có phải ông Trump đã đánh canh bạc lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của mình?
Sau những bức tường màu hồng của khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, nơi ông Trump tận hưởng kỳ nghỉ của mình, đã không có dấu hiệu nào cho thấy quyết định của ông Trump được đưa ra sau khi suy xét kỹ càng.
Thậm chí vào tối ngày 31/12, sau khi đại sứ quán Mỹ ở Baghdad bị tấn công bạo lực, thông điệp của ông Trump gửi tới Iran và các nhóm vũ trang Shia ở Iraq vẫn khá lộn xộn khi nói về khả năng một cuộc chiến xảy ra.
"Tôi không nghĩ rằng đó sẽ là ý tưởng tốt với Iran. Nó (chiến tranh) sẽ không kéo dài lâu", ông Trump cảnh báo về hậu quả cho Iran nếu các cuộc tấn công vào lợi ích của Mỹ ở Iraq tiếp tục diễn ra.
"Liệu tôi có muốn (chiến tranh) không? Không. Tôi muốn có hòa bình. Tôi thích hòa bình", tổng thống Mỹ cho biết.
Truyền thông Mỹ đưa tin rằng ở sau hậu trường, ông Trump và các cố vấn đã thảo luận tích cực về việc đưa ra phản ứng với cuộc tấn công vào căn cứ K1 khiến một công dân Mỹ thiệt mạng. Trong số những lựa chọn có cả việc không kích trả đũa, khi tổng thống được báo cáo rằng các cơ quan tình báo Mỹ đã biết được Soleimani sẽ bay đến Baghdad từ Damacus.
Thậm chí là từ trước khi các cuộc biểu tình bạo lực nhắm vào đại sứ quán Mỹ xảy ra, việc ám sát tư lệnh Soleimani được cho là đã được đặt lên bàn từ đầu mùa hè.
Washington Post đưa tin một số quan chức nhắc nhở tổng thống rằng ông đã không đáp trả gì với các cuộc tấn công trước đó mà Iran bị cáo buộc đứng đằng sau, bao gồm vụ các tàu chở dầu bị tấn công ở eo Hormuz, vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi và đặc biệt là vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ - sự kiện mà Mỹ đã có kế hoạch đáp trả nhưng sau đó ông Trump rút lại lệnh khai hỏa.
"Luận điểm ở đây là, nếu bạn không đáp trả họ, họ nghĩ rằng sẽ có thể làm được bất cứ điều gì mà không bị làm sao", một quan chức chia sẻ với Washington Post.
Và khi đến khoảnh khắc quan trọng nhất, thời điểm ông Trump ra quyết định cũng được cho là khá kỳ lạ. Vào ngày 2/1, vài giờ trước khi vụ ám sát diễn ra, ông Trump vẫn chơi vài lượt golf, sau đó nhóm họp với đội ngũ chiến dịch để bàn về kế hoạch cho cuộc bầu cử năm nay, rời cuộc họp vài phút vào lúc 17h - thời điểm mà một số người cho rằng chính là lúc ông Trump "ra lệnh giết" Soleimani.
Sau khi vụ tấn công diễn ra, đã có một loạt động thái từ các quan chức chính quyền nhằm hợp lý hóa quyết định của ông Trump.
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert C. O'Brien mô tả cuộc tấn công là nhằm mục đích "phá vỡ các cuộc tấn công hiện tại đang được Soleimani lên kế hoạch, và ngăn chặn các cuộc tấn công của Iran trong tương lai" thông qua các lực lượng ủy nhiệm của họ hoặc thông qua các hoạt động của lực lượng Quds trực tiếp chống lại người Mỹ.
Ông Trump trong khi đó nói rằng vụ tấn công là để ngăn chặn một cuộc chiến, chứ không phải là để kích động một cuộc chiến.
Đây có thể là điều sẽ cần phải bàn luận thêm.
Sáng 4/1, hàng nghìn người Iraq đã tuần hành ở thủ đô Baghdad để bày tỏ sự thương tiếc với tướng Soleimani, và họ cũng hô những khẩu hiệu chống Mỹ. Trong khi đó mặc dù Washington cũng điều thêm 3.000 quân đến khu vực Trung Đông, nhưng động thái tiếp theo sẽ được quyết định ở Tehran.
Tất cả những tờ báo ở Iran và truyền hình nhà nước đều tập trung đưa tin về cái chết của Qassem Soleimani. Thậm chí tờ Aftab-e Yazd có thiên hướng cải cách cũng cảnh báo về sự trả thù, và các biển hiệu cũng được dựng lên với thông điệp tương tự.
"Cái chết của ông ấy sẽ không ngăn được nhiệm vụ mà ông ấy đang làm, những tên tội phạm đã nhuốm máu tướng Soleimani và những người đã tử vì đạo bằng bàn tay bẩn thỉu của chúng trong cuộc tấn công đêm thứ năm sẽ đón nhận cuộc trả thù tàn khốc", Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố.
Câu hỏi duy nhất vào lúc này là sự đáp trả của Iran sẽ diễn ra vào lúc nào, với các chuyên gia dự đoán rằng sẽ có sự tính toán cẩn thận của các lãnh đạo Iran trước khi một hành động cụ thể được thực hiện.
"Đây là một chế độ thực dụng chứ không phải một chế độ tự sát, và sự thực dụng đến từ những lãnh đạo cao nhất. Chủ nghĩa thực dụng đó sẽ không thay đổi, nhưng Iran sẽ phải đáp trả hành động này, vì nếu không thì nó sẽ được nhìn nhận như là sự yếu ớt và chào mời thêm sự gây hấn của Mỹ. Nhưng việc đáp trả là không thể tránh khỏi, dù nguy cơ tính toán sai lầm là rất cao", ông Vaez nhận định.
Tính toán quan trọng nhất của Iran vào lúc này, theo ông Vaez, là dự đoán những phản ứng của Washington, và đưa ra lựa chọn an toàn giữa "trả đũa mạnh mẽ" - như vụ đánh bom vào doanh trại lính thủy đánh bộ Mỹ ở Beirut năm 1983 khiến 241 binh sĩ thiệt mạng - có thể khiến Mỹ phải rút quân, hay là đưa ra phản ứng thích hợp hơn, như ám sát quan chức cấp cao của Mỹ.
Trở lại Mỹ, không phải ai cũng tin vào cách giải thích của chính quyền cho vụ ám sát tướng Soleimani.
Ông Jon Soltz, Chủ tịch tổ chức VoteVets.org và là cựu chiến binh Iraq, chia sẻ với tờ New York Times rằng: "Soleimani đã giết người Mỹ ở Iraq từ năm 2003. Tôi đã trải qua một trong những vụ tấn công của ông ta ở Taji vào năm 2011. Họ bắn những quả rocket 240 ly về phía chúng tôi. Vì vậy không bất ngờ khi nói rằng ông ấy liên quan đến việc giết hại người Mỹ".
"Nhưng câu hỏi vào lúc này là có điều gì khác biệt vào đêm qua? Trách nhiệm thuộc về ông Trump để chứng minh rằng có lý do gì khác biệt, nếu không thì nó chả khác gì một vở kịch khác về vũ khí hủy diệt hàng loạt", ông Soltz nói.