"Cộng hòa Hồi giáo Iran không còn phải đối mặt với bất kỳ giới hạn hoạt động nào", đài truyền hình nhà nước của Iran tuyên bố ngày 5/1.
Dẫn lời Tổng thống Hassan Rouhani, truyền thông Iran xác nhận nước này không tiếp tục tuân thủ những giới hạn về làm giàu nhiên liệu hạt nhân, quy mô kho dự trữ uranium đã làm giàu và các hoạt động nghiên cứu, phát triển hạt nhân, theo AP.
Quốc hội Iraq cùng ngày bỏ phiếu tán thành nghị quyết kêu gọi chấm dứt hiện diện quân sự nước ngoài trên lãnh thổ, bao gồm cả 5.200 quân nhân Mỹ đang đồn trú hỗ trợ chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Quyết định này vẫn phải chờ chính phủ Iraq thông qua, nhưng đã nhận được sự ủng hộ từ trước của thủ tướng.
Người dân Iran xuống đường bày tỏ đau buồn trước cái chết của tướng Soleimani và phản đối sự can thiệp của Mỹ trong khu vực. Ảnh: AP. |
Hàng trăm nghìn người Iran đã xuống đường tại Ahvaz và Mashhad để chia buồn và đưa tiễn quan tài của tướng Qassem Soleimani, bị sát hại trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái do Mỹ tiến hành ngày 3/1.
Giới lãnh đạo Iran đã đe dọa trả đũa. Liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Iraq thông báo tạm hoãn nỗ lực chống khủng bố IS để tập trung bảo vệ quân lính và doanh trại trước nhiều mối đe dọa.
Phản ứng trước diễn biến tại quốc hội Iraq, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortangus nói họ vẫn đang chờ phía Iraq làm rõ về hàm ý pháp lý sau cuộc bỏ phiếu. Washington đồng thời bày tỏ thất vọng trước diễn biến và mạnh mẽ kêu gọi Baghdad cân nhắc lại quyết định. Bộ Ngoại giao Mỹ chưa bình luận về động thái của Iran.
Chính quyền Tehran vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với các đối tác châu Âu về chương trình hạt nhân của mình. Iran không đề cập khả năng hủy bỏ cam kết không theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, thông báo ngày 5/1 vẫn được xem là đe dọa hạt nhân rõ nhất mà Tehran từng đưa ra kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái lập các lệnh trừng phạt lên Iran.