Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tính toán của Iran với người kế nhiệm tướng 'huyền thoại' Soleimani

Chỉ vài tiếng sau khi máy bay không người lái của Mỹ ném bom sát hại tướng Soleimani ngày 3/1, Iran đã chỉ định phó tư lệnh Ismail Qaani làm lãnh đạo mới cho lực lượng Quds.

Chuẩn tướng Ismail Qaani, 62 tuổi, cấp phó ít được biết đến của tướng Qassem Soleimani, được đích thân Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei chỉ định làm chỉ huy mới của lực lượng Quds, thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC).

Ông mô tả Qaani là một chỉ huy quan trọng trong cơ quan an ninh quyền lực nhất đất nước. Quds là một nhánh then chốt của IRGC, thực hiện các sứ mệnh quân sự đặc biệt ở nước ngoài.

Người tiền nhiệm của tướng Qaani là nhân vật có sức ảnh hưởng to lớn, kiến trúc sư trưởng trong chiến lược xây dựng các lực lượng thân Iran trung thành trên khắp Trung Đông. Chính quyền Tehran tận dụng mạng lưới này để góp phần đánh bại khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), mở rộng sức mạnh quân sự và chính trị của mình từ Lebanon, Iraq, Syria đến Yemen.

nguoi ke nhiem tuong huyen thoai Soleimani anh 1

Chuẩn tướng Ismail Qaani (trái) và Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: Profimedia.

Tìm sự ổn định giữa giông bão

Chính vì tầm vóc to lớn của tướng Soleimani với vị thế hiện nay của Tehran, việc ông bị sát hại trong cuộc không kích do Mỹ tiến hành ngày 3/1 ở sân bay quốc tế Baghdad đã gây nên cơn địa chấn trên toàn khu vực.

Tướng Qaani lại không có nhiều chiến công hiển hách như của người tiền nhiệm. Trong thời gian giữ vị trí lãnh đạo số hai của Quds, ông chỉ huy chiến dịch đặc biệt ở Afghanistan, Pakistan và những nước Trung Á. Những thành công trong khía cạnh quân sự của Qaani được đánh giá là không quá nổi bật. Nhiều chuyên gia cho rằng ông tập trung nhiều hơn vào việc tổ chức hành chính hàng ngày.

"Bản thành tích thời chiến của Qaani không chói sáng được như tướng Soleimani", Ali Alfoneh, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các nước Vịnh Arab ở Washington và là chuyên gia về IRGC, cho biết.

Arash Azizi, nhà bình luận về các chiến dịch quân sự hải ngoại của Iran, cho biết chuẩn tướng Qaani từ lâu đã được dự đoán sẽ trở thành người kế thừa vị trí lãnh đạo lực lượng Quds. Tuy nhiên, ông lại đậm chất hành chính, không có được phong thái như Soleimani.

"Với cương vị một người làm việc trong bộ máy an ninh quốc gia của Iran, ông không có dấu ấn thật sự nổi bật", Azizi bình luận.

Theo một số nhà phân tích, điều mà vị tân chỉ huy kín tiếng sẽ mang đến cho lực lượng Quds chính là tính liên tục trong hoạt động, giữa lúc bộ máy lãnh đạo của lực lượng tinh nhuệ này vừa bị giáng một đòn đánh nặng ký. Ông đã đảm nhiệm vị trí quyền lực số hai của Quds từ cuối thập niên 1990 hoặc đầu thập niên 2000, có hiểu biết sâu sắc về nội bộ vận hành cũng như các hoạt động bí mật của lực lượng.

nguoi ke nhiem tuong huyen thoai Soleimani anh 2

Tướng Soleimani đứng sau gần như mọi chiến dịch quân sự và tình báo của Iran tại nước ngoài trong gần 2 thập kỷ qua. Ảnh: AP.

"Dưới sự lãnh đạo của tướng Qaani, khả năng cao lực lượng Quds sẽ giữ lại cách hoạt động cũ chứ không thay đổi", Alfoneh dự báo.

"Tôi cho rằng ông ấy cũng không gặp nhiều khó khăn khi tiếp bước tướng Soleimani về phương diện điều hành và chiến lược", Afshon Ostovar, chuyên gia về tôn giáo, chính trị và IRGC tại Iran, chia sẻ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận xét người kế nhiệm ông Soleimani am hiểu chưa đủ tường tận về thế giới Arab, khu vực mà Iran đang gia tăng những nỗ lực đối trọng sức mạnh quân sự của Mỹ và Israel. Chuyên gia Azizi nghi ngờ ông Qaani không nói được tiếng Arab và cũng cũng không hiểu các nước Arab và Israel nhiều bằng người tiền nhiệm. Trong khi đó, Ostovar đánh giá mối quan hệ của tân lãnh đạo Quds với thủ lĩnh các nhóm vũ trang đồng minh có thể không mật thiết và tốt đẹp đươc như thời của Soleimani

"Hệ quả là ông ấy nhiều khả năng sẽ điều hành các chiến dịch từ xa. Những tấm hình chiến tướng xung phong nơi tiền tuyết như Soleimani, dù ông ấy muốn, cũng là một điều khó khăn", Ostovar nhận định.

nguoi ke nhiem tuong huyen thoai Soleimani anh 3

Cái chết của tướng Soleimani gây nên cơn địa chấn chính trị tại Iran và cả khu vực. Ảnh: Bloomberg.

Nhân vật sau ánh hào quang

Qaani tham gia Vệ binh Cách mạng vào năm 1980. Thời điểm đó, lực lượng non trẻ được giao nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ nền Cộng hòa Hồi giáo. Ông nhanh chóng thăng tiến lên cấp lãnh đạo sư đoàn, chỉ huy các trận đánh trong cuộc chiến tranh biên giới Iran - Iraq vào thập niên 1980. Ông cũng giám sát nhiều chiến dịch ở khu vực đông bắc Iran, vốn là quê nhà của mình.

Theo nghiên cứu của Alfoneh, tướng Qaani nhiều khả năng là đầu mối huy động sự hỗ trợ từ Iran cho Liên minh Phương Bắc ở Afghanistan. Nhóm vũ trang đặt sứ mệnh là lật đổ chính quyền Taliban, một phong trào phiến quân Hồi giáo Sunni cực đoan lên nắm quyền ở quốc gia Trung Á vào năm 1996. Năm 1998, khi lực lượng Taliban tấn công lãnh sự quán Iran ở thành phố Mazar-e Sharif, sát hại 9 nhà ngoại giao, ông Qaani đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực thuyết phục giới lãnh đạo Tehran không đưa quân trả đũa.

"Nhiều người vào giai đoạn đó mong muốn Iran hành động mạnh mẽ. Qaani đã sáng suốt khi quyết định không làm điều gì quá hấp tấp", Azizi nhận định.

Theo nhiều chuyên gia, cặp bài trùng Qaani và Soleimani dường như phân chia công việc rất cụ thể. Lãnh đạo Quds chịu trách nhiệm cho những hoạt động ở mặt trận phía tây, còn cấp phó của ông tập trung chủ yếu cho biên giới phía đông Iran.

Năm 2012, Bộ Tài chính Mỹ ra lệnh trừng phạt nhắm vào Qaani, cho rằng ông là nhân vật giám sát phân bổ nguồn quỹ của Quds đến các đồng minh trong khu vực. Mỹ quy trách nhiệm cho vị chuẩn tướng về số vũ khí được bán sang Gambia nhưng bị chặn ở Nigeria vào năm 2010. Tướng Qaani cũng từng tháp tùng cựu tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đến một số quốc gia châu Phi và Nam Mỹ.

nguoi ke nhiem tuong huyen thoai Soleimani anh 4

Lực lượng Quds có thể sẽ không thay đổi hoạt động quá nhiều so với thời của tướng Soleimani. Ảnh: AFP.

Nhân vật quyền lực thứ hai của Quds đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Liwa al-Fatemiyoun, một trung đoàn dân quân với phần lớn thành viên là người Hazara theo dòng Shia đến từ Afghanistan. Lực lượng này được triển khai đến Syria để hỗ trợ quân chính phủ.

Tướng Qaani cũng là chỉ huy đầu tiên của IRGC thừa nhận Iran có hiện diện quân sự tại Syria. Trả lời truyền thông quốc gia vào năm 2012, ông khẳng định can thiệp quân sự của Tehran trong cuộc nội chiến đã giúp "ngăn chặn nhiều vụ thảm sát".

"Qaani dường như có tính cách kín đáo hơn người tiền nhiệm của mình. Tuy nhiên, tương tự tướng Soleimani, ông ấy có mối quan hệ rất mật thiết với lãnh đạo tối cao Iran", Ostovar cho biết.

Tướng Qaani đã có nhiều thập kỷ làm việc ở cấp độ cao nhất của IRGC, cơ quan an ninh quyền lực nhất Iran. Điều này đủ để nói lên mức độ tin tưởng từ cả giáo chủ Khamenei và tướng Soleimani dành cho ông, theo Ostovar.

Vụ ám sát tướng Soleimani và 40 năm đối đầu căng thẳng Mỹ - Iran Mỹ và Iran luôn trong tình trạng thù địch nhiều thập niên qua nhưng hiếm khi quan hệ hai nước lại căng thẳng nghiêm trọng như sau vụ ám sát tướng Soleimani tuần trước.

Con gái tướng Soleimani đe dọa 'ngày đen tối' cho nước Mỹ

Hàng chục nghìn người Iran đã đổ ra đường phố Tehran hôm 6/1 để dự lễ tang của chỉ huy Lực lượng Quds Qassem Soleimani, người thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ tuần trước.

Lãnh đạo tối cao Iran khóc thương bên quan tài tướng Soleimani

Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đứng bên quan tài tướng Qasem Soleimani cầu nguyện giữa hàng trăm nghìn người dân đang khóc thương cho vị tư lệnh quá cố.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm