Tang lễ dành cho tướng Qasem Soleimani diễn ra trong nước mắt tại thủ đô Tehran vào sáng 6/1 với hàng trăm nghìn người tham dự. Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã khóc thương và cầu nguyện cho người được nhân dân Iran xem là anh hùng dân tộc, theo AFP.
Lãnh đạo lực lượng Quds tinh nhuệ, thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), thiệt mạng 3 ngày trước tại Baghdad, Iraq. Vụ không kích do Mỹ thực hiện ngày 3/1 ở sân bay quốc tế Baghdad khiến Iran và cả thế giới rúng động, đẩy Trung Đông đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến mới.
Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cùng các lãnh đạo quốc gia dự tang lễ tướng Qassem Soleimani cùng những quan chức quân sự cấp cao thiệt mạng trong vụ không kích ngày 3/1. Ảnh: Reuters. |
Người dân mang theo ảnh của tướng Soleimani đến Đại học Tehran. Phụ nữ trong áo quần áo trùm kín màu đen mang theo các băng rôn chống Mỹ. Nam giới mang cờ viết tên các giáo sĩ Hồi giáo dòng Shia. Họ tuần hành từ đường Enghelab (Giải phóng) hướng về ngôi trường bất chấp cái lạnh sáng sớm.
Buổi tang lễ tại Đại học Tehran được phát trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia. Hình ảnh ghi lại cho thấy Lãnh đạo Tối cao Khamenei dường như vừa khóc vừa cầu nguyện cho tướng Solemani. Quan tài ông và 5 quan chức Iran "tử vì đạo" được phủ quốc kỳ.
Đi cùng giáo chủ Khamenei có con trai của tướng Soleimani, người kế nhiệm Esmail Qaani, Tổng thống Hassan Rouhani, Chủ tịch Quốc hội Ali Larijani và Tư lệnh IRGC Hossein Salami.
Di hài tướng Soleimani được đưa về Iran vào ngày 5/1. Linh cữu được đưa qua những tuyến đường thành phố Ahvaz, phía tây nam Iran, trước khi được di chuyển đến Mashhad ở phía đông bắc đất nước.
Lượng người xuống đường đưa tiễn tướng Soleimani đông vượt dự kiến của IRGC, khiến tang lễ vào đêm 5/1 tại Tehran phải hoãn đến sáng hôm sau.
Những lời chia buồn từ khắp Trung Đông đã được gửi đến Tehran. Ông Soleimani được xem là nhân vật quyền lực thứ hai đất nước, chỉ sau đại giáo chủ. Lãnh đạo Hồi giáo Shia và nguyên thủ nhiều nước trong khu vực đều gửi lời chia buồn cho dân tộc Iran về sự ra đi của vị tư lệnh.
Tân lãnh đạo lực lượng Quds đã thề sẽ trả thù cho người tiền nhiệm. Chính quyền Tehran cũng hủy mọi giới hạn hạt nhân trong thỏa thuận năm 2015. Trong khi đó, giới lãnh đạo Iraq lên án vụ không kích trái phép của Mỹ. Quốc hội nước này đồng thời kêu gọi toàn bộ quân đội nước ngoài rút khỏi lãnh thổ, bao gồm cả quân đội Mỹ đang hỗ trợ chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Những diễn biến vừa qua có thể đẩy Iran đến gần hơn viễn cảnh chế tạo bom hạt nhân, mở đợt tấn công quân sự hay lực lượng đại diện nhắm vào Mỹ và các đồng minh, đồng thời mở đường cho IS hồi sinh tại chiến trường Iraq.
Trung Đông đứng trước viễn cảnh trở nên nguy hiểm và bất ổn hơn bao giờ hết, theo New York Times.