“Ngài Rouhani, khi máu những người bạn của cha tôi đổ xuống, cha tôi sẽ trả thù cho họ. Bây giờ ai sẽ trả thù máu cho cha tôi”, con gái của tư lệnh lừng danh Iran chất vấn.
"Tất cả sẽ cùng trả thù", Tổng thống Rouhani trả lời, theo CNN.
Cũng theo ông Rouhani, Mỹ đã mắc "sai lầm chết người" khi quyết định giết chết tướng Soleimani, và người Mỹ "sẽ phải chịu hậu quả cho hành động tội ác này, không chỉ vào hôm nay mà còn trong những năm tới".
Tổng thống Iran cũng gọi tướng Soleimani là một chiến binh tử vì đạo.
"Máu của Soleimani sẽ được báo thù vào cái ngày chúng ta nhìn thấy bàn tay ác quỷ của Mỹ bị chặt đứt vì lợi ích của khu vực", ông Rouhani nói.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến thăm gia đình của tướng Qasem Soleimani sau khi ông này bị Mỹ ám sát. Ảnh: IRNA. |
Trước đó, thi thể của tướng Qasem Soleimani, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Iran, đã được đưa về nước vào sáng 5/1, sau khi đoàn xe của ông bị máy bay không người lái Mỹ bắn tên lửa phục kích hôm 3/1 ở thủ đô Baghdad, Iraq.
Hình ảnh được phát trực tiếp trên truyền hình nhà nước Iran cho thấy hàng nghìn người dân nước này đã đổ ra đường trong bộ đồ đen, mang theo những bức ảnh của tướng Soleimani để tưởng niệm ông. Nhiều người đấm ngực, khóc than và hô các khẩu hiệu chống Mỹ.
Với tư cách là chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds, ông Soleimani là bộ não cho chiến lược lan tỏa tầm ảnh hưởng của Tehran ở khu vực, bằng cách xây dựng một hệ thống các nhóm vũ trang Shia tham chiến ủy nhiệm cho Iran trong các cuộc xung đột hoặc đơn thuần là đại diện cho các lợi ích của Iran ở các nước xung quanh.
Ông Soleimani được tình báo Mỹ coi là một trong những chỉ huy có tầm ảnh hưởng nhất ở Trung Đông mặc dù ít được biết đến về mặt chính trị. Quyết định ám sát ông Soleimani bằng drone do chính Tổng thống Donald Trump chỉ đạo đã tạo nên sự lo lắng bao trùm về viễn cảnh căng thẳng leo thang giữa Tehran và Washington.
Chính quyền Iran đã thề sẽ có biện pháp trả đũa với Mỹ sau khi vị tướng hàng đầu của họ bị ám sát. Ông Soleimani tham chiến kể từ thời chiến tranh Iran-Iraq cách đây 40 năm và là nhân vật được kính nể không chỉ ở Iran mà còn ở khu vực.
Đối với một vị tổng thống từng nhắc đi nhắc lại quyết tâm rút chân nước Mỹ khỏi vũng lầy Trung Đông, cuộc không kích hôm 3/1 nhắm vào tư lệnh đầy quyền uy của Iran đồng nghĩa với việc sẽ chẳng thể có con đường rút lui nào cho nước Mỹ trong phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, dù ông Trump có tái đắc cử vào năm 2020 hay không.
Nói cách khác, trong bối cảnh Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố sẽ trả thù, Tổng thống Trump đã đưa nước Mỹ vào cuộc xung đột mà nhiều khía cạnh của cuộc chiến là chưa thể đoán định.