Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao TT Trump tiêu diệt tư lệnh khét tiếng Iran vào lúc này?

Tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds tinh nhuệ Iran đã thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ. Vụ việc này làm dấy nên nguy cơ xung đột mới giữa Iran và Mỹ.

Trong suốt sự nghiệp quân sự của mình, tướng Qassem Soleimani đã khiến khu vực Trung Đông ngập tràn tang tóc. Giờ đây, vị tư lệnh lừng danh của đặc nhiệm Quds đã có đám tang của chính mình. Cái chết của ông đã khép lại một chương sôi sục trong chuỗi xung đột khu vực dường như vô tận và mở ra một chương khác thậm chí có thể còn tồi tệ hơn.

Không ai có thể dự đoán chuyện này sẽ diễn biến như thế nào, ngoại trừ hai nhà lãnh đạo hàng đầu. Không có hành động nào của Tổng thống Donald Trump cho thấy vụ ám sát ông Soleimani tại sân bay Baghdad đã được lên kế hoạch trước, theo Guardian.

Về phần mình, giới lãnh đạo ở Tehran rõ ràng đã bị sốc khi ông Trump quyết định khiến căng thẳng leo thang.

Qassem Suleimani,  Iran,  My,  khong kich,  Donald Trump anh 1

Một người biểu tình ở Iran cầm chân dung của ông Qassem Soleimani trong một cuộc biểu tình phản đối ông Trump ở Tehran năm 2017. Ảnh: AFP.

Trong chuỗi hành động mới nhất mang tính ăn miếng trả miếng của cuộc chiến ở Iraq, một nhà thầu Mỹ đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào 27/12. Mỹ đã trả đũa bằng cách không kích các trại dân quân được Iran hỗ trợ, khiến hàng chục dân quân Shiite Iraq và những người ủng hộ của họ đã đột nhập khu đại sứ quán Mỹ.

Vụ ám sát ông Soleimani đã loại bỏ một nhà lãnh đạo ra khỏi cuộc chiến và nhắm thẳng vào trung tâm sức mạnh của Iran.

Iran sẽ trả đũa "tàn khốc"

Tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds tinh nhuệ Iran, được coi là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran, chỉ sau Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Việc ám sát ông Soleimani là hành động tuyên chiến thẳng thừng với một quốc gia có sức mạnh đáng kể ở khu vực Trung Đông. Quân đội nước này là lực lượng quân sự mạnh nhất mà Mỹ phải đối mặt kể từ khi đối đầu với Quân Chí nguyện Trung Quốc hơn 60 năm trước tại Hàn Quốc.

Cuộc xung đột này đáng lẽ ra có thể được ngăn chặn. Sáu năm trước, sự ghét bỏ do cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran mang lại bắt đầu phai nhạt dần. Đã có một thỏa thuận đa phương nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân Iran năm 2015 và Mỹ cũng có một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với ông Soleimani trong chiến dịch chung chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq.

“Khi chúng tôi đang chống IS, về cơ bản chúng tôi đã có một thỏa thuận sòng phẳng với Soleimani rằng lực lượng của ông ta sẽ không nhắm vào chúng tôi và chúng tôi sẽ không nhắm vào ông ta”, bà Kirsten Fontenrose, cựu giám đốc cấp cao về vùng Vịnh trong hội đồng an ninh quốc gia của ông Trump nói với Guardian.

Qassem Suleimani,  Iran,  My,  khong kich,  Donald Trump anh 2

Đám đông tức giận xông vào đại sứ quán Mỹ sau vụ không kích của Mỹ vào Iraq hôm 29/12. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, khi ông Trump hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015 và IS sụp đổ, hai bên đã mất đi một kẻ thù chung. Ông Soleimani trở thành kẻ thù truyền kiếp của Mỹ.

“Ông ấy là mục tiêu tấn công khi có cơ hội”, bà Fontenrose nói. “Bạn biết là một kẻ ác sẽ ở một nơi mà bạn có thể tấn công và bạn biết bạn sẽ không có cơ hội như vậy vào năm sau”.

Bà Fontenrose dự đoán rằng các dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq có thể phản ứng ngay lập tức để trả thù một trong những chỉ huy hàng đầu của họ, Tư lệnh dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis, bị giết cùng với Soleimani. Trong khi đó, Tehran sẽ chờ đợi, chọn thời điểm, địa điểm và cách thức trả thù - hết lần này tới lần khác và có thể trong nhiều năm tới.

“Tôi nghĩ họ có thể cố gắng tấn công chúng tôi ở những nơi khác trên thế giới, có thể Tây Phi hoặc Mỹ Latinh để gửi thông điệp rằng họ có thể tấn công chúng tôi ở bất cứ nơi nào - chúng tôi phải luôn cảnh giác. Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ cố gắng truyền bá thông điệp cuộc tấn công của chúng tôi theo cách tương tự”, bà Fontenrose nói.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang phân tích một cuộc chiến. Tôi nghĩ rằng chúng ta đang phân tích một loạt các cuộc tấn công bất ngờ và bất đối xứng vào lợi ích của hai bên”, bà Fontenrose cho biết thêm.

Có một vài lý do chính đáng để cho rằng mức độ xung đột mới được tăng lên này sẽ còn tiếp tục. Cả hai bên thường xuyên hiểu sai hành động của nhau và phản ứng thái quá.

Ám sát tư lệnh Iran vì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới?

Trong khi hậu quả của việc ám sát ông Soleimani vẫn chưa rõ ràng, gần như chắc chắn là ông Trump chưa từng nghĩ tới chúng. Tổng thống Trump đã đưa ra quyết định trong khi đang đi nghỉ tại khu nghỉ mát ở Florida của mình. Ông đã ra lệnh mà không thực hiện một bài diễn văn tổng thống để giải thích hành động của mình với nước Mỹ như thông lệ. Ông Trump chỉ đăng một lá cờ Mỹ trên tài khoản Twitter của mình và để Lầu Năm Góc đưa ra thông báo.

Trong ba năm qua, quá trình ra quyết định có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, qua đó những ưu và nhược điểm của hành động sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng, đã bị bỏ qua. Các cuộc họp về chính sách cấp cao ít dần. Những người có tư tưởng khác với ông Trump đã rời khỏi sân khấu, để lại một vị tổng thống tin tưởng vào cảm giác của mình hơn bất kỳ chuyên gia nào.

Qassem Suleimani,  Iran,  My,  khong kich,  Donald Trump anh 3

Đống đổ nát sau vụ ám sát tướng Soleimani. Ảnh: AP.

Chính những cảm giác đó, hơn bất kỳ yếu tố nào khác, đã đưa Mỹ và Iran đến bước đường này, đặc biệt là sự căm ghét người tiền nhiệm Barack Obama và di sản ngoại giao của ông. Một trong những di sản này là thỏa thuận hạt nhân Iran 2015. Do đó, việc phá hủy thỏa thuận và bóp nghẹt kinh tế Iran trở thành một mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của ông Trump.

Những trợ thủ còn lại của ông Trump đã tồn tại được vì họ biết cách phản ánh những thôi thúc và mong muốn của ông Trump trong việc xóa sạch mọi dấu vết của ông Obama. Hiện tại, họ tập trung giúp tổng thống trong chiến dịch tái tranh cử.

Quyết định ám sát ông Soleimani rất có thể đã được đưa ra để phục vụ cho cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11, đóng vai trò như một huých của chiến dịch tranh cử và làm lu mờ cuộc truy lùng Osama bin Laden của ông Obama.

Tuy nhiên, đây sẽ là một câu chuyện sẽ được kể trong bối cảnh có nhiều cuộc tấn công hơn và nhiều nỗi sợ hãi hơn.

“Nếu điều này gây ra một cuộc chiến, nó sẽ hoàn toàn không có lợi cho chúng ta”, Trung tá Daniel Davis, một cựu chiến binh tại Afghanistan và Iraq cảnh báo. “Đây sẽ là thảm họa đối với mọi người”.

Nhóm vũ trang do Iran chống lưng ra lệnh sẵn sàng quét sạch quân Mỹ

Chỉ huy nhóm vũ trang tại Iraq do chính quyền Iran chống lưng đã yêu cầu các tay súng của mình nâng cao cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, chấm dứt hiện diện quân sự Mỹ.

Máy bay chở quân Mỹ cất cánh ở Bờ Đông sau lệnh tiêu diệt tư lệnh Iran

Máy bay vận tải quân sự của Mỹ chở theo binh sĩ đã cất cánh từ các căn cứ Bờ Đông sau vụ không kích tiêu diệt chỉ huy hàng đầu của Iran, nhưng không rõ nơi mà máy bay sẽ đến.

Như Trần

Bạn có thể quan tâm