Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tư lệnh Iran bị Mỹ ám sát - James Bond và tướng Rommel của khu vực

Tư lệnh Iran vừa thiệt mạng là một trong những nhân vật được lòng dân nhất ở Iran, đồng thời là kẻ thù hàng đầu của Mỹ và đồng minh trong khu vực.

Ảnh hưởng lớn của Tư lệnh Qassem Soleimani tại khu vực trở nên rõ ràng hơn kể từ 2018 khi việc ông tham gia trực tiếp vào đàm phán cấp cao để thành lập chính phủ Iraq được tiết lộ, theo AFP.

Điều này không ngạc nhiên khi tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ thuộc Vệ binh Cách Mạng Iran đã là tâm điểm của các tính toán quyền lực ở khu vực Trung Đông đầy bất ổn.

Ông Soleimani thường xuyên tới Baghdad, gần đây nhất là vào tháng trước, khi các đảng ở Iraq muốn lập chính phủ mới. Dù từng chủ yếu hoạt động trong bóng tối, ông Soleimani trong những năm gần đây trở thành “thần tượng” ở Iran, thậm chí có cả lượng người theo dõi lớn trên Instagram.

My giet chet tu lenh Iran anh 1

Trong thời gian dài ông Soleimani chủ yếu hoạt động bí mật. Ảnh: AP.

Chi phối chính sách khu vực của Iran

Ông trở nên “nổi như cồn” khi dần xuất hiện công khai trong chiến dịch Iran can thiệp vào xung đột Syria năm 2013. Ông xuất hiện trong các ảnh chiến trường, phim tài liệu, thậm chí đóng trong MV (clip nhạc) và phim hoạt hình.

Iran cử ông Soleimani tới Syria nhiều lần để chỉ huy các cuộc tấn công nhắm vào Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và lực lượng chống đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Các bức ảnh thắng lợi trên chiến trường thường có ông Soleimani ở giữa, không mặc áo chống đạn, theo AP.

Trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với truyền hình Iran tháng 10, ông tiết lộ đã ở Lebanon trong cuộc chiến 2006 giữa Israel và Hezbollah, đứng sau hậu trường chỉ huy chiến đấu.

Trong mắt người ủng hộ hay trong mắt kẻ địch, ông Soleimani là kiến trúc sư trưởng cho chính sách khu vực của Iran, dẫn dắt cuộc chiến chống các lực lượng thánh chiến cực đoan, cũng như các nỗ lực ngoại giao ở Iraq, Syria.

“Đối với người Shi’ite ở Trung Đông, ông là James Bond, Erwin Rommel và Lady Gaga trong một con người”, Kenneth Pollack, cựu chuyên gia Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) viết về ông trong tiểu sử 100 người ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí TIME năm 2017.

“Đối với phương Tây, ông... chịu trách nhiệm cho việc xuất khẩu tư tưởng cách mạng Hồi giáo Iran, hỗ trợ những kẻ khủng bố, chống phá các chính phủ phương Tây và chỉ huy các cuộc chiến ở nước ngoài”, ông Pollack cho biết.

Trong bài phát biểu năm 2010, tướng Mỹ David Petreaus kể lại lời của chính ông Soleimani nói về quyền lực trong tay mình.

“Ông ấy nói, ‘ngài Patreaus, ông nên biết rằng chính tôi đây, Qassem Soleimani, nắm trong tay chính sách của Iran ở Iraq, Lebanon, Gaza và Afghanistan’”, ông Petreaus nói.

Trong bối cảnh Iran khủng hoảng, về đối nội thì tình hình kinh tế, biểu tình, đối ngoại thì bị Mỹ gia tăng sức ép, một số người dân nước này thậm chí còn kêu gọi ông Soleimani bước vào chính trường.

Về phần mình, ông Soleimani bác bỏ các tin đồn tranh cử tổng thống, nhưng ông vẫn có “quyền sinh sát” trong chính trị của nước láng giềng Iraq, theo AFP.

Không chỉ tham gia đàm phán lập chính phủ, ông có sức nặng khi buộc lực lượng người Kurd ở Iraq dừng kế hoạch đòi độc lập, sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 9.

Được lòng dân Iran

Ảnh hưởng của ông Soleimani có nguồn gốc từ lâu. Ông gia nhập Vệ binh Cách mạng sau khi Iraq tấn công Iran, không lâu sau Cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979, dẫn đến cuộc chiến kinh hoàng kéo dài 8 năm, cướp đi 1 triệu sinh mạng.

Đơn vị của ông Soleimani từng bị vũ khí hóa học của Iraq tấn công, theo AP.

My giet chet tu lenh Iran anh 2

Ông Soleimani bác bỏ các tin đồn sẽ tranh cử tổng thống. Ảnh: AP.

Khi Mỹ xâm lược Afghanistan năm 2001, ông đã là chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran.

Ông Soleimani ngày càng có quan hệ thân cận hơn với Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, người đã cử hành hôn lễ của con gái ông.

Tới năm 2003 khi Mỹ xâm lược Iraq, tên của ông, cũng như bí ẩn xoay quanh ông, được biết đến nhiều khi một số quan chức Mỹ kêu gọi ám sát ông.

Sau này, các bức điện ngoại giao do WikiLeaks công bố cho thấy các quan chức Mỹ đã thông báo cho nhau về việc Iraq phải nhờ đến ông Soleimani can thiệp để dừng các vụ phóng tên lửa vào Vùng Xanh được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt ở Baghdad năm 2009.

Bức điện khác năm 2007 kể lại Tổng thống Iraq khi ấy Jalal Talabani đã chuyển lời từ ông Soleimani tới quan chức Mỹ. Ông Soleimani nói có “hàng trăm” điệp viên ở Iraq nhưng thề rằng “chưa bao giờ ra lệnh bắn viên đạn nào vào người Mỹ”.

Nhưng các quan chức Mỹ không tin ông Soleimani và coi Iran là kẻ vừa phóng hỏa vừa chữa cháy ở Iraq, kiềm chế một số nhóm dân quân Shi’ite nhưng đồng thời kích động một số vụ tấn công.

“Đối tác Iran của tôi... nói rõ rằng họ trao đổi để Bộ Ngoại giao (Iran) nắm tình hình, cuối cùng người quyết định là tướng Soleimani”, cựu Đại sứ Mỹ ở Iraq Ryan Crocker nói với đài BBC năm 2013.

Sự hiện diện “cương quyết nhưng âm thầm” của ông cũng tương tự như cách mà Iran ảnh hưởng lên khu vực, “nhẫn nhịn nhưng kiêu hãnh”, hãng tin AFP bình luận.

“Ông ngồi đó, bên kia căn phòng, riêng ông ấy, rất im lặng. Không nói, không ý kiến, chỉ ngồi và nghe. Nhưng tất nhiên trong đầu ai cũng chỉ nghĩ đến ông ấy”, một quan chức cao cấp Iraq mô tả khi tạp chí New Yorker viết một bài phân tích dài về ông Soleimani.

Một thăm dò năm 2018 của IranPoll và Đại học Maryland ở Mỹ - một trong số ít thăm dò được cho là đáng tin cậy - cho thấy ông Soleimani có tỷ lệ ủng hộ 83%, cao hơn tổng thống hay ngoại trưởng Iran.

Các nước phương Tây nhìn nhận ông là nhân vật trung tâm thúc đẩy việc Iran bắt tay với các nhóm dân quân, bao gồm Hamas của Palestine và Hezbollah của Lebanon.

Ông được lòng người dân Iran một phần vì những phát biểu mang tính đoàn kết, chẳng hạn như trong tranh cãi về khăn choàng đầu (hijab).

“Nếu chúng ta lúc nào cũng nói ‘hijab tốt’, ‘hijab xấu’, người cải cách, kẻ bảo thủ... thì còn ai nữa?”, ông nói trong diễn văn kỷ niệm Ngày Thánh đường Hồi giáo Thế giới năm 2017.

“Họ đều là người. Con cái chúng ta, đều theo Hồi giáo cả”.

7 ngày leo thang căng thẳng Mỹ - Iran

Ngày 27/12/2019, nhân viên của nhà thầu Mỹ thiệt mạng trong vụ bắn hơn 30 rocket vào căn cứ Iraq gần thành phố Kirkuk.

Ngày 29/12, Mỹ không kích nhóm thân Iran khiến 24 dân quân thiệt mạng ở Qaim, Iraq. Hai địa điểm khác ở Syria cũng bị tấn công.

Ngày 31/12, đại sứ quán Mỹ ở Baghdad bị người biểu tình bao vây, phóng hỏa.

Rạng sáng 3/1, Mỹ không kích sân bay Baghdad, giết chết Tư lệnh Qassem Soleimani, nhân vật quyền lực số 2 của Iran. Cùng ngày, Mỹ kêu gọi công dân ở Iraq “rời đi ngay lập tức” vì lo sợ hậu quả vụ tấn công.

Hiện trường nơi Mỹ ám sát tư lệnh Iran theo lệnh của TT Trump Lầu Năm Góc sáng 3/1 cho biết quân đội Mỹ đã tiêu diệt tướng Qassem Soleimani, người đứng đầu Lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran, theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump.

Nhóm vũ trang do Iran chống lưng ra lệnh sẵn sàng quét sạch quân Mỹ

Chỉ huy nhóm vũ trang tại Iraq do chính quyền Iran chống lưng đã yêu cầu các tay súng của mình nâng cao cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu, chấm dứt hiện diện quân sự Mỹ.

Mỹ kêu gọi công dân ‘lập tức rời đi’ sau khi ám sát tư lệnh Iran

Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi công dân nước này rời Iraq “ngay lập tức” vì lo ngại hậu quả sau vụ không kích tiêu diệt tướng Soleimani của Iran.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm