Tàu sân bay USS Nimitz tuần tra vùng biển vịnh Ba Tư từ cuối tháng 11/2020. Trong tuyên bố vào ngày 31/12/2020, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher C Miller ra lệnh cho tàu này "về nước để hoàn thành đợt triển khai kéo dài gần 10 tháng".
New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết động thái rút tàu USS Nimitz về nước phần nào thể hiện tín hiệu "giảm leo thang" căng thẳng với Tehran, tránh xung đột trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump.
Nhưng đến ngày 3/1, ông Miller đưa ra tuyên bố mới.
"Do mối đe dọa gần đây từ các nhà lãnh đạo Iran chống lại Tổng thống Trump và các quan chức chính phủ Mỹ, nên tôi ra lệnh cho tàu USS Nimitz tạm dừng việc trở về nước. Tàu USS Nimitz hiện vẫn đóng quân trong khu vực chỉ huy trung tâm của Mỹ. Không ai nên nghi ngờ quyết tâm của chúng tôi", quyền bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Tàu sân bay USS Nimitz và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Philippine Sea đi qua eo biển Hormuz trong vịnh Ba Tư. Ảnh: AFP. |
Khu vực chỉ huy trung tâm (CENTCOM) mà ông Miller đề cập là khu vực bao gồm các nước Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Oman, Yemen, Iran, Turkmenistan, Lebanon, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan và Pakistan.
Trong tuyên bố, ông Miller không nêu rõ những mối đe dọa từ Iran là gì, theo Guardian.
Tuyên bố của lãnh đạo Lầu Năm Góc được đưa ra đúng một năm sau khi Mỹ sử dụng máy bay không người lái để sát hại tướng Iran Qassem Soleimani, cùng trung úy người Iraq Abu Mahdi al-Muhandis ở Baghdad ngày 3/1/2020.
Hôm 3/1, để đánh dấu một năm kể từ ngày diễn ra vụ ám sát, hàng nghìn người Iraq đã đổ xuống đường biểu tình thể hiện sự phản đối với Mỹ và hô khẩu hiệu "trả thù".
Trong khi đó, người dân trên khắp Iran và những người ủng hộ từ Syria, Lebanon và Yemen cũng đồng loạt kỷ niệm ngày này.