Chuyển động của tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tehran xác nhận chuyên gia hạt nhân Mohsen Kakhrizadeh bị ám sát ở ngoại ô thủ đô vào ngày 27/11, theo AP.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc khẳng định động thái này không liên quan đến vụ ám sát.
Bộ Quốc phòng Mỹ lý giải sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu Nimitz nhằm đảm bảo "năng lực phòng thủ bổ sung trong khu vực để sẵn sàng đối phó với mọi biến cố". Trước đó, Tổng thống Donald Trump khởi động kế hoạch rút gần 3.000 quân Mỹ khỏi Iraq và Afghanistan.
Nhóm tàu chiến Mỹ sẽ "hỗ trợ tác chiến và không lực trong lúc quân đội Mỹ rút khỏi Iraq và Afghanistan" trước giữa tháng 1/2021.
Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz trở lại vịnh Ba Tư ngay sau khi hoàn tất cuộc tập trận chung cùng các đồng minh của Mỹ ngoài khơi Ấn Độ. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Giới quan sát nhận định việc USS Nimitz được triển khai trở lại vịnh Ba Tư là động thái bất thường, vì tàu này mới rời khu vực vào đầu tháng 11 để đến Ấn Độ tham gia tập trận chung.
Trả lời CNN, một quan chức quốc phòng Mỹ khẳng định quyết định triển khai có từ trước vụ ám sát nhà khoa học Iran. Tuy nhiên, sự hiện diện của USS Nimitz vẫn giúp gửi thông điệp răn đe tới Iran trong tình hình căng thẳng hiện nay.
Trong khi đó, phái bộ ngoại giao của Iran tại Liên Hợp Quốc cảnh báo Tehran sẵn sàng đáp trả mọi "động thái phiêu lưu" từ Washington và Tel Aviv. Đại sứ Majid Takht Ravanchi nói Iran sẵn sàng thực hiện "mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ nhân dân và đảm bảo lợi ích quốc gia".