Muốn con tự giác làm việc nhà, cha mẹ hãy dọn dẹp cùng bé. Ảnh: M&C. |
Chúng tôi gợi ý bạn nên nắm lấy càng nhiều trách nhiệm dạy con cái càng tốt, như là chuẩn bị cho trẻ đến trường, trông trẻ làm bài tập về nhà, giám sát trẻ làm việc nhà, chuẩn bị đi ngủ, đưa trẻ đến trường và sắp xếp chăm sóc trẻ sau khi đi học về.
Chúng tôi không ủng hộ giáo dục tại nhà (homeschooling). Biện pháp này thường được những phụ huynh ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới áp dụng để cô lập gia đình mình với những kết nối bình thường và tự nhiên với cộng đồng để dễ dàng kiểm soát các thành viên trong gia đình hơn.
Từ chối tham gia các cuộc tranh cãi với người ái kỷ. Hóa giải, chuyển hướng và nếu cần thì đưa lũ trẻ rời khỏi một tình huống tranh cãi gay gắt. Việc tiếp tục “thảo luận” các vấn đề với một người đang có thái độ đối đầu chỉ có hại chứ không có lợi và thường sẽ làm cho căng thẳng leo thang.
Đừng để bản thân sa vào những hành vi như gọi chính tên, bị la hét, bị đóng sầm cửa hoặc những cử chỉ giận dỗi, cuồng nộ khác. Hãy làm mọi thứ có thể để bình tĩnh và nhớ đến lợi ích lớn nhất của trẻ. Hãy tôn trọng nhưng đồng thời kiên định trong hành vi và quyết định. Bạn muốn sáng suốt lựa chọn hành động chứ không hấp tấp phản hồi một cách mù quáng vì giận dữ và bực bội, đúng không?
Có hai nguyên tắc cơ bản dùng được cho rất nhiều tình huống: đừng làm bất cứ việc gì gây tổn hại đến bản thân và đừng cố tình gây tổn hại đến ai khác. Mọi hướng dẫn khác đều tuân thủ hai nguyên tắc này. Thậm chí, kể cả trẻ còn nhỏ cũng có thể nhận ra khi nào một hành động gây tổn thương cho bản thân hoặc gây tổn thương cho người khác.
Hãy nói với trẻ về những hành vi giúp các thành viên trong gia đình sống hòa hợp với nhau. Hãy yêu cầu các con nhận diện cảm xúc của mình và đọc những cảm xúc của những người xung quanh để chúng có thể học cách tự ý thức về bản thân và thấu hiểu người khác.
Đây là những bài học mà người ái kỷ hiếm khi hiểu rõ và làm theo. Khi trẻ chú ý đến cảm xúc và nhu cầu của riêng mình cũng như bắt sóng cảm xúc và nhu cầu của người khác, chúng sẽ biết hợp tác, cảm thông với người khác. Trọng tâm lúc đó sẽ chuyển sang hướng làm việc cùng nhau thay vì tuân thủ hay phản đối các quy tắc.
Cách tốt nhất để dạy trẻ ngoan ngoãn là làm gương cho những hành vi bạn muốn trẻ thực hiện. Trẻ còn nhỏ sẽ tinh ý hiểu được hầu hết ngôn ngữ cơ thể trong khi trẻ lớn hơn có thể thích được dạy thông qua lời nói.
Hãy để ý tới những thông điệp bạn tự nói thầm với bản thân và nói bằng lời. Con bạn sẽ bắt chước lời nói và hành động của bạn. Cách bạn tương tác với chúng và tương tác với người cha, người mẹ kia sẽ rất quan trọng trong việc giúp chúng học hỏi về các mối quan hệ.
Nếu bạn muốn con mình nói làm ơn và cảm ơn, chính bạn hãy nói những từ đó thật nhiều. Hãy cảm ơn con vì những việc con làm như dọn đồ chơi, ăn nói lễ phép, chia sẻ và thậm chí là cho bạn một cái ôm. Hãy lịch sự yêu cầu con giúp bạn làm những việc phù hợp với khả năng của con.
Hãy rủ con tham gia mọi việc bạn làm quanh nhà, như đi mua đồ, thăm thú họ hàng, làng xóm, nói chuyện với mọi người ở trường… Hãy chỉ cho chúng thấy cách bạn ứng xử.
Bạn thậm chí còn có thể cảm thấy hữu ích nếu nói chuyện với chúng về những việc cùng làm chung với nhau và hỏi xem chúng thích gì nhất, chúng nhận ra điều gì và cảm thấy thế nào về cách sự việc diễn ra. Thể hiện sự thích thú và quan tâm đến người khác là một kỹ năng tuyệt vời mà bạn có thể truyền cho con.
Bình luận