Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dạy con rằng yêu bản thân không phải ích kỷ

Một người biết chăm sóc và yêu thương bản thân mới có thể hiểu thế nào là hạnh phúc và từ đó biết yêu thương người khác.

Cha me ai ky anh 1

Cha mẹ nên dạy con rằng yêu thương chính mình một cách đúng mực không phải ích kỷ. Ảnh: I.P.

Trước khi chúng ta đi sâu tìm hiểu cách phát triển lòng tự trắc ẩn, hãy cùng xem lại định nghĩa đi kèm với những lợi ích của nó. Tự trắc ẩn là học cách chú ý tới những gì đang diễn ra tại thời điểm hiện tại, là chấp nhận những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác cơ thể của mình mà không phán xét.

Tự trắc ẩn xuất phát từ việc hiểu được bản chất giữa con người với nhau, đã là người thì ai cũng có những khó khăn, trắc trở và không phải lúc nào cũng biết cách vượt qua.

Cốt lõi của lòng tự trắc ẩn là công nhận mối dây liên kết giữa chúng ta với nhau, công nhận những dằn vặt, giằng xé và tổn thương của chúng ta khi chúng ta tập đối xử tử tế hơn với chính bản thân.

Nếu rút gọn định nghĩa này xuống còn chỉ một câu, thì sẽ là "Tự trắc ẩn là dập tắt tiếng nói của kẻ chỉ trích nội tâm và công nhận rằng dù có chuyện gì xảy ra trong cuộc đời mình, chúng ta vẫn có giá trị và đáng được yêu thương".

Nhiều năm về trước, tôi tham gia một buổi hội thảo về nuôi dạy con cái. Diễn giả đeo một tờ giấy có ký hiệu quanh cổ mình giống như một tờ tranh cổ động. Trên đó viết dòng chữ: “Tôi đáng được yêu và tôi có tài.” Anh mô tả cách mỗi chúng ta đều đeo tấm biển đó, dẫu là vô hình, lên người vào mỗi sáng thức dậy và rồi bước ra ngoài với cuộc đời.

Từng chút, từng chút một, thông qua khóa học ngày hôm đó, những mảnh giấy bị xé rụng, cho đến cuối ngày, chúng ta chẳng còn lại gì ngoài một sợi dây treo lủng lẳng trên cổ. Đó là một minh họa đáng nhớ.

Giờ đã nhiều năm trôi qua và đã được bồi bổ thông tin qua việc tìm hiểu vô vàn nghiên cứu về tự trắc ẩn, tôi nhận ra việc kiên trì thực hành tự trắc ẩn sẽ giúp chúng ta hàn gắn lại từng chút, từng chút một tấm biển trắc ẩn của chúng ta, tấm biển đã bị các sự kiện trong ngày xé bỏ. Ví dụ này là minh họa trực quan cho sức mạnh của việc tự trắc ẩn.

Thỉnh thoảng, tôi vẫn hình dung tự trắc ẩn như là một đội thi công đường phố làm việc rất hiệu quả, hết vá ổ voi, ổ gà này lại đến sửa biển báo bị sứt mẻ kia và sửa lại những vỉa hè nứt toác để tôi có thể dễ dàng dọn đường tiến vào cuộc đời hơn.

[...]

Đầu tiên, bạn phải thương chính bản thân mình. Câu nói này nghe thì có vẻ hiển nhiên tới mức có chút nực cười. Nhưng khi nhìn xa hơn cái điều hiển nhiên ấy, rất có thể bạn sẽ nhận thấy việc tập tự trắc ẩn không dễ như bạn nghĩ đâu.

Hàng thập kỷ qua, chúng ta đã tin và cổ xúy cho nhiều ảo tưởng được nhắc tới ở phần đầu chương này, rằng tự trắc ẩn là tự nuông chiều bản thân, là tự thương hại bản thân hoặc là đỉnh cao của sự hợm hĩnh, ích kỷ. Chúng ta đã tin rằng cách tốt nhất để thúc đẩy con người tiến bộ là chỉ trích họ.

Giờ thì chúng ta đã biết chuyện đó hoàn toàn không đúng. Khi bắt đầu tập tự trắc ẩn, bạn hãy nhớ rằng nó giống như học bất kỳ điều gì mới mà thôi. Sẽ có những ngày bạn chẳng thể nào thương xót gì bản thân. Nhưng hãy cứ kiên trì và nhẫn nại. Kiểu lúc được lúc không ấy chỉ khẳng định một điều là bạn cũng là một con người bình thường như tất cả những con người bình thường khác mà thôi.

Thương yêu bản thân, thay vì chỉ trích, là cách hiệu quả nhất để dạy con cái. Dù chúng ta có hy vọng con cái lắng nghe và làm theo chỉ bảo của ta bao nhiêu thì có một sự thật là trẻ thường học được nhiều nhất từ chính hành động của chúng ta. Bởi vậy, khi bạn đánh rơi một chiếc cốc lúc đưa nó vào máy rửa bát, đây chính là cơ hội làm gương tuyệt vời.

Bạn có thể nói thật to thế này: “Chà, mình hậu đậu quá! Mình thật ngu ngốc. Giờ thì lại mất tiền mua cốc mới rồi.” Hoặc bạn có thể tỏ ra thông cảm với mình hơn và nói: “Chao ôi, cái cốc ướt này trơn quá đi. Mình sẽ thu dọn để không ai giẫm phải những mảnh thủy tinh. Chúng ta sẽ phải thiếu cốc một thời gian cho tới khi nào mẹ đi mua cốc mới.” Bạn nhìn thấy sự khác biệt không?

Câu nói thứ hai nhân từ hơn nhiều. Nó cũng đưa ra một kế hoạch hành động và một giọng điệu kiểu như muốn nói rằng: “Mình sẽ xử lý vụ này.” Thay một chiếc cốc khác thì dễ hơn rất nhiều so với việc khắc phục một tư duy.

Khi bạn tập tự trắc ẩn, bạn sẽ nhận thấy bản thân ở vào thế mạnh mẽ hơn và kiên cường hơn để đối mặt với những mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè, gia đình và bạn đời, tất cả đều có tác dụng như là một tấm gương cho con bạn.

Margalis Fjelstad & Jean McBride/ Thái Hà Books & NXB Công thương

Bình luận

SÁCH HAY