Cha mẹ cần hiểu rõ thế mạnh và nhược điểm của con để có phương pháp giáo dục hiệu quả. Ảnh: P.R. |
Một nền tảng quan trọng cho việc nuôi dạy trẻ là phải hiểu thật rõ chuẩn mực giá trị của mình là gì. Điều gì quan trọng với bạn khi nuôi con? Bạn có phải tính đến những vấn đề về văn hóa gia đình theo truyền thống họ hàng nội ngoại? Hoặc bạn có thể nghĩ thế này, khi nhắc đến chuyện con cái, điều căn cốt nhất bạn phải đảm bảo là gì?
Với khả năng tối đa của mình, bạn muốn chúng trở thành người như thế nào? Nuôi dạy con không bao giờ là một con đường thẳng tắp. Khả năng lớn, đó sẽ là một con đường gập ghềnh, quanh co uốn lượn, đầy ổ gà ổ vịt và có nhiều khúc vòng ngược, nhưng việc biết chuẩn mực giá trị của mình giống như việc bạn có một bản đồ cực tốt để dẫn đường.
Khi bạn đã nắm rõ những chuẩn mực giá trị quan trọng của mình thì bạn có thể lập ra những quy tắc và giới hạn trong gia đình, chúng sẽ hỗ trợ cho những chuẩn mực giá trị này.
Ví dụ, nếu đối xử tử tế với mọi người là một chuẩn mực giá trị thì khi anh chị em cãi nhau, bạn có thể can thiệp và nói vài câu như kiểu: “Trong gia đình, chúng ta phải tôn trọng và thương yêu nhau. Tức là không được nói chuyện với nhau kiểu vô lễ như thế. Hãy tìm cách giải quyết vấn đề của các con với nhau mà không được làm tổn thương nhau. Nếu các con muốn, mẹ sẵn lòng giúp đỡ các con.”
Nghe có vẻ giả tạo nhỉ, bởi lẽ cha mẹ ái kỷ có thể thường xuyên có những hành vi không tử tế. Nó cho bạn nhiều cơ hội giúp trẻ nói về cảm nhận của con khi ai đó không tử tế, và cách thức để con có thể đối phó một cách bản lĩnh trong tình huống đó. Việc biết chuẩn mực giá trị của mình là gì sẽ giúp bạn tiếp tục đi đúng hướng mà bạn muốn.
Cảm xúc phát triển lành mạnh bắt đầu từ một đứa trẻ được gắn bó bền chặt với người chăm sóc mình. Mặc dù sự gắn bó với cả cha lẫn mẹ nghe có vẻ là chuyện lý tưởng với một đứa trẻ nhưng nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng sự gắn bó bền chặt vớimột phụ huynh thôi cũng đủ để tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển lành mạnh.
Sợi dây gắn bó bền chặt bắt đầu từ khi trẻ còn là trẻ sơ sinh, khi trẻ nhận ra một người lớn yêu thương và đáng tin cậy luôn luôn ở đó đáp lời trẻ, đáp ứng những nhu cầu thể chất và cảm xúc của trẻ. Khi trẻ lên hai tuổi, tương tác hàng ngày của trẻ với những người chăm sóc sẽ quyết định phong cách gắn bó của trẻ.
Một nghiên cứu thần kinh học gần đây đã nói với chúng ta rằng sợi dây ràng buộc bền chặt giữa cha mẹ và con cái chính là chỉ dấu an toàn quan trọng cho hệ thần kinh đang phát triển của trẻ, là tín hiệu cho thấy môi trường của bé đủ an toàn để bé có thể tìm tòi, khám phá và trưởng thành. Những điều này là cột mốc thiết yếu cho sự phát triển lành mạnh.
Bác sĩ Sue Johnson đã đưa ra cụm từ ARE, là viết tắt cho những thành tố của một sự gắn bó bền vững: Accessible (Khả năng tiếp cận), Responsive (Hồi đáp) và Engaged (Tận tâm). Nói cách khác: “Cha/mẹ có ở đó vì con không?” Sự gắn bó bền chặt không dừng lại ở tuổi sơ sinh mà tiếp tục suốt cả cuộc đời khi con bạn lớn lên qua các giai đoạn phát triển. Nó cũng theo trẻ tới tận tuổi trưởng thành và đóng một vai trò quan trọng trong những mối quan hệ của con sau này.
Trẻ sinh ra đã có một nhu cầu được kết nối với những người xung quanh và được cảm thấy mọi người thực sự quan tâm, để ý đến mình. Khi cha mẹ, thầy cô và những người trông trẻ đạt được nhu cầu kết nối và xác lập giá trị ấy, trẻ sẽ phát triển một mối ràng buộc bền vững và có cảm giác an toàn về cảm xúc.
Trẻ sẽ biết thế giới thân thiết của mình là một chốn an toàn, những nhu cầu của mình là quan trọng và sẽ được đáp ứng. Chu trình có một nhu cầu cảm xúc về sự kết nối, công nhận hoặc đánh giá cao và rồi thực sự trải nghiệm tình yêu thương của những người lớn, những người đáp ứng được nhu cầu đó, là một chu trình liên tục. Nó đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển xã hội và phát triển cảm xúc lành mạnh.
Bình luận