Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giữ gìn sự gắn kết giữa cha mẹ và con cái

Sự gắn bó giữa cha mẹ và con cái là điều cần thiết để phụ huynh có thể đồng hành cùng con trong hành trình trưởng thành. Để có được sự tin tưởng của con, cha mẹ cần tôn trọng mong muốn của trẻ.

Cha me ai ky anh 1

Bố mẹ dành thời gian chơi cùng con để tăng sự gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Ảnh: T.N.

Sự gắn bó mật thiết giữa cha mẹ và con cái rất qua trọng. Điều này bắt đầu với một kết nối an toàn, ổn định và lâu bền với con cái bạn, trong đó, bạn trung thành hơn với con, ưu tiên con hơn người bạn đời của mình. Chúng tôi biết rằng điều này rất khác với lời khuyên của hầu hết nhà tư vấn và với văn hóa của chúng ta nói chung, rằng chúng ta nên đặt mối quan hệ với bạn đời lên thứ tự ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, mối quan hệ của bạn với người bạn đời ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới kia sẽ không bao giờ là mối quan hệ đáng tin cậy, hữu tình hữu lý, lành mạnh bền lâu hoặc không bao giờ đem lại lợi ích tốt nhất cho bất cứ ai ngoại trừ chính bản thân họ. Nó không thể là nền tảng đáng tin cho việc nuôi dạy con cái được.

Do đó, bạn sẽ cần tạo ra một hình mẫu nuôi dạy con chỉ phụ thuộc vào bạn và những người thân, bạn bè khác, những người mà bạn có thể dựa vào khi cần thiết. Đồng thời, chúng tôi gợi ý bạn nên khuyến khích những tương tác tôn trọng và tích cực giữa bạn, các con và bạn đời của bạn bất cứ khi nào có thể.

Mục tiêu của bạn là cho con cảm giác ổn định, tin cậy, cởi mở, ấm áp và được chấp nhận. Điều này sẽ giúp tạo ra sự ổn định lớn hơn cho trẻ trưởng thành và học cách tự trắc ẩn, học những hành vi tích cực trong mối quan hệ với người khác.

Vì người ái kỷ không có khả năng ổn định trong việc yêu thương và nhìn nhận con trẻ là một người tách biệt khỏi nhân cách của họ nên mối quan hệ ràng buộc giữa họ và các con thường có xu hướng trở thành cái gọi là “chông chênh hoặc bất ổn”.

Chúng dao động từ yêu thương sang thù ghét, đến chối bỏ ra mặt, đến ngột ngạt và rồi lại quay ngược trở lại, như thế thì thật khó mà đặt lòng tin vào được. Kết quả là, con bạn sẽ có xu hướng chuyển từ việc cố làm vui lòng người cha/người mẹ ái kỷ hoặc rối loạn nhân cách ranh giới sang e sợ họ.

Đặt mối quan hệ cha mẹ - con cái lên hàng đầu có nghĩa là dành nhiều công sức và ưu tiên hơn cho những nhu cầu của con thay vì nhu cầu của người ái kỷ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là yêu chiều, cưng nựng thái quá hoặc đẩy ngược con vào vai trò người lớn. Bạn cần duy trì vai trò là cha mẹ đối với con cái bạn, không phải là đồng minh hay đồng sự. Để làm được điều đó, bạn phải gia tăng quyền lực cảm xúc của mình trong gia đình, rất có thể bạn đời của bạn sẽ phản đối điều này nếu nó quá lộ liễu hoặc quá thù địch. Tuy nhiên, có nhiều cách tinh tế khác để bạn thực hiện nó.

Một điều cơ bản có thể quyết định môi trường bình an hơn, bớt xáo động hơn là những nếp sống cố định. Những bữa ăn đúng giờ, giờ ngủ cố định và các công việc nhà cố định có ích cho mọi thành viên trong gia đình. Nếp sinh hoạt sẽ giúp nhịp điệu cuộc sống diễn ra đều đều.

Chúng cũng có thể tạo ra một khoảng thời gian cụ thể cho bạn và các con được ở bên nhau; ví dụ, cùng nhau nấu ăn, cùng nhau dọn dẹp, cùng nhau chia sẻ về ngày hôm đó, cùng nhau đọc truyện trước giờ đi ngủ, cùng nhau làm bài tập về nhà, tập thể dục hoặc chơi trò chơi.

Những nghi thức cố định cũng gắn kết gia đình với nhau. Những sự kiện tái lặp như sinh nhật, ngày lễ tết và những buổi ăn mừng thành tựu của ai đó sẽ cho trẻ cảm giác có gì đó đặc biệt để mà trông chờ.

Việc nướng bánh, treo đồ trang trí lên cây, làm thức ăn đặc biệt và dành thời gian bên nhau ngoài lịch làm việc bận rộn sẽ cung cấp nhiều cơ hội để ôn lại những câu chuyện gia đình và nhấn mạnh kết nối giữa bạn và các con.

Margalis Fjelstad & Jean McBride/ Thái Hà Books & NXB Công thương

Bình luận

SÁCH HAY