Cha mẹ hãy khuyến khích bé bày tỏ các trạng thái cảm xúc mà con cảm nhận được. Ảnh: J.P. |
Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho trẻ dưới mái nhà của mình là tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ cảm nhận và thể hiện cảm xúc. Bằng những hành động dịu dàng, nhân ái, khi bạn lắng nghe và nói chuyện với con, bạn có thể giúp con khám phá những cảm xúc của mình và gọi tên những cảm xúc đó.
Không có cảm xúc nào tốt, cũng không có cảm xúc nào xấu. Chúng chỉ là sự phản ánh cảm nhận của một người nào đó trong một khoảnh khắc nào đó mà thôi. Cảm xúc cũng như dòng chảy, thỉnh thoảng có thể thay đổi từng phút từng giây.
Yêu thương vô điều kiện và sẵn lòng giúp đỡ con, bạn sẽ giúp con phát triển một vốn từ sinh động để miêu tả cảm xúc và nhận ra rằng mọi cảm xúc đều được chấp nhận.
Trong một hệ gia đình ái kỷ, người ái kỷ rất hay có những hành động đi ngược lại việc lắng nghe, ví dụ như lấp liếm, gạt bỏ các cảm xúc hoặc phán xét, chỉ trích chúng thay vì tạo ra một chốn dung dưỡng an toàn cho mọi cảm xúc. Do đó, trách nhiệm của bạn là bảo vệ tâm lý đang phát triển của trẻ.
Hãy cùng tìm hiểu một ví dụ cho thấy môi trường cảm xúc an toàn này có thể có ích đến thế nào. Bạn từ cửa hàng tạp hóa về đến nhà và bắt gặp một trận chiến la hét giữa chồng và đứa con trai 12 tuổi.
Chồng bạn đang cầm bảng điểm và quát mắng rằng anh ta rất thất vọng vì cậu con trai chỉ được điểm C môn lịch sử. “Sao mày dám bôi gio trát trấu vào mặt tao?” Chồng bạn, một giảng viên môn lịch sử, đã quát lên như thế. “Sao mày không làm được cái gì ra hồn thế hả? Mày có biết tao xấu hổ thế nào khi có một thằng con ngu dốt như mày không hả?”
Con trai bạn lắc đầu và nhún vai, rồi ngồi xuống trước bộ điều khiển trò chơi điện tử và bắt đầu nhắm bắn cuồng nộ vào màn hình. Mỗi một cú bắn con lại kêu lên thật to: “Tuyệt!” Hành động của con không khác gì robot ngoại trừ một điều là tiếng thét càng ngày càng to. Bạn ngồi xuống bên cạnh con, lúc đầu chẳng làm gì ngoài việc chỉ ngồi đó.
Bạn rất muốn nhìn đồng hồ để biết rằng mình cần nấu nướng ngay bây giờ nhưng bạn đã không làm thế. Bạn cũng rất muốn xen vào bắt con dừng chơi, và rồi yêu cầu con nói chuyện với bạn. Nhưng bạn biết thằng bé đang bị tổn thương vì những lời nói của cha. Bạn có thể để con tự kéo mình ra khỏi những cảm xúc ấy bằng trò chơi điện tử, nhưng chuyện đó chẳng ích lợi gì cho con về lâu về dài.
Bởi vậy, bạn hít một hơi thật sâu rồi bắt đầu: “Bố con vừa nói mấy lời khó nghe với con nhỉ.” Con bạn có thể đáp lại hoặc không. Hãy cứ tiếp tục: “Nếu mẹ là con, mẹ chắc sẽ chán lắm vì mẹ biết là mẹ đã phải học hành vất vả thế nào để đạt được điểm đó. Có khi mẹ còn bực bội nữa. Phải rồi, mẹ nghĩ chắc chắn mẹ sẽ rất giận.” Rồi bạn chờ đợi.
Bạn đang gieo một hạt giống và đặt tên cho cảm xúc có thể có của con bạn. Bạn không cố làm con quên đi cảm xúc này. Bạn cũng không cố nói lý lẽ về chuyện con đang trải qua. Bạn chờ đợi. Con có thể đáp lời hoặc có thể không. Phản hồi của con lúc này gần như là không quan trọng bằng sự hiện diện vỗ về của bạn.
Ngồi với con và thừa nhận nỗi đau của con, bạn sẽ thể hiện cho con thấy rằng bạn ở đó vì con, rằng con mới là người quan trọng và rằng bạn hiểu con, hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Những điều này quá quan trọng với cảm giác an toàn cảm xúc của con, với niềm tin của con vào bạn và với nhận thức chung của con về tầm quan trọng của những cảm xúc của chính mình. Bạn đã mở cánh cửa cho những cuộc chuyện trò sau này, cho những câu hỏi và những cơ hội để kết nối và hỗ trợ về mặt cảm xúc.
Bình luận