Khác với các phương tiện giao thông thông thường như ôtô hay xe máy, những con tàu vận tải khổng lồ như Ever Given có trọng lượng vô cùng lớn, đồng thời không có hệ thống phanh thực sự để có thể đơn giản dừng lại đột ngột khi gặp chướng ngại vật.
Sau khi tàu Ever Given gặp sự cố hôm 23/3, việc vận hành những con tàu vận tải khổng lồ băng qua kênh đào Suez trở thành một trong những quan tâm của cộng đồng quốc tế, theo CNN.
Những chuyến đi không thể lường trước
Thuyền trưởng Yash Gupta đã có kinh nghiệm đi biển gần 20 năm, chỉ huy vô số tàu vận tải cỡ lớn ở khắp các vùng biển trên thế giới. Theo lời ông Gupta, cuộc sống trên biển "rất khó đoán định, nhưng cực kỳ thú vị".
"Việc đi biển trong điều kiện bình thường mang lại cảm giác khá dễ chịu", vị thuyền trưởng nói. Tuy nhiên, ông cảnh báo người đi biển không bao giờ biết điều gì có thể chờ đợi phía trước.
"Hôm nay chúng ta nhìn thấy nước biển tĩnh lặng và con tàu cứ thế lướt đi. Nhưng khi tỉnh giấc vào sáng hôm sau, có thể có một cơn bão ập đến, sóng biển cao tới 5-6 m, thậm chí 8 m. Chúng ta không bao giờ biết được", ông Gupta nói.
Một tàu chở hàng đi trên kênh đào Suez. Ảnh: AFP. |
Chìa khóa cho các chuyến đi biển là phải có kế hoạch. Thủy thủ đoàn của ông Gupta luôn có khoảng 20-25 người. Cùng các đồng đội, vị thuyền trưởng cẩn thận lên kế hoạch cho tuyến hải trình trước khi ra khơi, tính toán kỹ thủy triều và điều kiện thời tiết.
Giống như ông Gupta, David Bathgate là một thuyền trưởng có nhiều năm kinh nghiệm hàng hải. Thuyền trưởng Bathgate cho biết gió là một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với các con tàu đi biển.
"Tàu càng cao, đón gió càng mạnh, tàu càng dễ bị tác động bởi gió, vì vậy mọi yếu tố cần được tính toán", ông Bathgate nói.
Đối với tàu container, các thùng hàng xếp chồng lên nhau tạo ra một bức tường cao đón gió lớn. Thuyền trưởng Gupta cho biết gió biển có những tác động đôi khi vượt tầm kiểm soát. Khi tàu ở trên mặt nước, thuyền trưởng không thể đơn giản dừng tàu như cách ôtô dừng lại khi bóp phanh.
Các tàu container được chế tạo để tăng hoặc giảm tốc trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể. Nhưng bởi kích thước khổng lồ của tàu chở hàng, thời gian tăng - giảm đó vẫn quá lớn.
Khi di chuyển với tốc độ tối đa, tàu container cần 14-16 phút để dừng lại hoàn toàn. Trong quãng thời gian này, con tàu có thể di chuyển thêm gần 3 km.
Cơ chế lái của tàu chở hàng khác nhau tùy vào loại tàu, tuy nhiên bánh lái thì khá tương đồng.
"Bánh lái là một hệ thống với nhiều thiết bị điện. Khi bánh lái quay, nó sẽ truyền đi tín hiệu điện để chân vịt vận hành theo điều khiển", thuyền trưởng Gupta giải thích.
Hành trình qua kênh đào Suez
Khi đi qua kênh đào Suez, các con tàu phải di chuyển theo hàng ở tốc độ gần như bằng nhau. Thời gian để đi qua kênh đào là 12-16 tiếng.
"Không thể tăng tốc hoặc giảm tốc. Nếu không, khoảng cách giữa các tàu sẽ giảm dần đến mức cuối cùng xảy ra va chạm", ông Gupta nói.
Bất kể con tàu tiếp cận kênh đào Suez từ hướng nào, nó không được đi tiếp cho tới khi một hoa tiêu đại diện cho Ban quản lý kênh đào Suez có mặt trên boong tàu.
"Họ là chuyên gia trong di chuyển qua kênh đào Suez. Phải có hoa tiêu trên boong và điều hướng con tàu. Người này về cơ bản sẽ hỗ trợ thuyền trưởng", ông Gupta nói.
Một khi đã bắt đầu đi vào kênh đào, các tàu nhìn chung không được phép vượt nhau. Tuy nhiên, tại một số điểm, khi bề ngang kênh đào đủ rộng, việc vượt qua tàu khác có thể được cho phép. Các hoa tiêu sẽ là người quyết định vấn đề này.
Đồng thời, cơ quan kiểm soát không lưu thuộc Ban quản lý kênh đào Suez cũng tham gia quá trình vận hành giao thông tại kênh đào.
Tàu Ever Given đang mắc cạn chắn ngang kênh đào Suez. Ảnh: Getty. |
"Họ có radar và thiết bị định vị lớn hơn, giám sát di chuyển tổng thể của mọi con tàu, họ điều phối các hoạt động tại đây", ông Gupta cho biết.
Hiện tại, nhiều tàu kéo được huy động để giải cứu tàu Ever Given. Thuyền trưởng Gupta cho biết những tàu kéo như vậy có nhiệm vụ chính là hỗ trợ tàu chở hàng vượt qua kênh đào Suez an toàn.
"Có một số khu vực trong kênh đào hẹp hơn phần còn lại. Tàu kéo thường được sử dụng để 'hộ tống' những tàu hàng lớn ở những khu vực như thế", thuyền trưởng Gupta nói.
Tàu kéo sẽ đi song song với các tàu chở hàng, sẵn sàng trợ giúp khi bất cứ sự cố nào phát sinh.
Theo thuyền trưởng Bathgate, trước khi đi qua những vùng nước hẹp như kênh đào Suez, thủy thủ đoàn có nhiệm vụ nắm chắc mọi dữ liệu về độ sâu của nước, chiều rộng của tuyến đường cũng như mọi trở ngại trên hành trình, gồm những vùng nước nông và các khúc cua.
Trong khi các điều kiện địa hình thường ít thay đổi, thời tiết lại là một yếu tố có thể gây ra những tác động không thể lường trước. Đặc biệt ở những vùng nước hẹp, các yếu tố như tốc độ của gió và tầm nhìn có vai trò quan trọng nhất.
"Tại Suez, một trong những trở ngại lớn nhất là bão cát, chúng đến rất nhanh và không thể cảnh báo trước, những cơn gió lớn có thể mang theo lượng cát khổng lồ làm giảm tầm nhìn", thuyền trưởng Bathgate nói.
Trước khi đi vào kênh đào Suez, tàu thuyền sẽ được đánh số. Các con tàu khi đã nhận được số của mình sẽ thả neo, đợi xác nhận tới lượt mới có thể đi qua.
"Tàu du lịch thường được trao cho những số đầu tiên trong nhóm tàu đi qua kênh đào, theo sau là các tàu container", thuyền trưởng Bathgate nói.
Thuyền trưởng Gupta giải thích tàu du lịch được ưu tiên đi trước bởi chúng thường chở theo lượng lớn du khách cùng lịch trình nghiêm ngặt. Đây là thực tiễn tại mọi vùng biển trên thế giới, không riêng tại kênh đào Suez.