Sự cố khiến kênh đào Suez tắc nghẽn có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu thêm phần khó khăn, gây ra tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh, cà phê và đồ nội thất ở châu Mỹ và châu Âu, USA Today ngày 27/3 đưa tin.
Khoảng 10% hàng hóa mua bán toàn cầu đi qua kênh đào Suez, tương đương trị giá 10 tỷ USD. Với việc tàu Ever Given đang chắn ngang kênh đào, hàng hóa nhập khẩu qua lại giữa châu Á và Đông Phi với châu Âu và châu Mỹ sẽ bị tắc nghẽn. Đồng thời, container trống cũng không thể trở về cảng xuất phát để lấy hàng.
Suzano, một công ty cung cấp hơn 30% sản lượng bột gỗ trên thế giới được dùng để sản xuất giấy vệ sinh, cảnh báo sự cố ở kênh đào Suez có nguy cơ dẫn đến tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh.
Tàu Ever Given đang chắn ngang kênh đào Suez. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, đa phần các nhà sản xuất cà phê rang xay ở châu Âu nhập khẩu nguyên liệu thô từ châu Á và Đông Phi thông qua kênh đào Suez. Với việc kênh đào Suez tắc nghẽn, thị trường cà phê Âu - Mỹ đang đứng trước nguy cơ sớm khan hiếm hàng.
Khoảng 1,9 triệu thùng dầu được vận chuyển qua kênh đào Suez mỗi ngày, tương đương 7% lượng tàu biển vận chuyển bằng đường biển toàn cầu. Sự cố tại kênh đào Suez ảnh hưởng tới nguồn cung dầu mỏ và khí đốt từ Trung Đông sang châu Âu, khiến giá hai mặt hàng này có nguy cơ sớm tăng mạnh.
Tàu Ever Given mắc cạn và chắn ngang kênh đào Suez từ hôm 23/3, gây ra vụ “tắc đường” tốn kém nhất lịch sử.
Đến ngày 27/3, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) nói bánh lái và đuôi tàu Ever Given đã di chuyển được một chút, nhưng họ vẫn chưa rõ khi nào giải cứu xong con tàu này.