Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sách lược ông Trump để lại cho Tổng thống Biden

Tổng thống Joe Biden tiếp tục củng cố hoạt động của "Bộ Tứ", vốn được khôi phục dưới thời chính quyền Trump, nhằm thắt chặt liên minh đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Biden doi pho Trung Quoc anh 1

Hơn 60 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden chứng kiến sự đảo ngược hàng loạt chính sách quan trọng của người tiền nhiệm Donald Trump. Nhưng riêng một chính sách then chốt thời ông Trump được Tổng thống Biden phát huy, đó là sách lược đối phó với Trung Quốc.

Không chỉ đi theo con đường người tiền nhiệm vạch sẵn, ông Biden thậm chí đang đi nhanh hơn, xa hơn, quyết liệt hơn, nhờ sự đồng thuận hiếm thấy từ lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa, theo The Hill.

Biden doi pho Trung Quoc anh 2

Hội nghị lãnh đạo các nước Bộ Tứ hôm 12/3. Ảnh: Time.

Tiếp bước ông Trump

Khắc họa rõ nét nhất thực tế ông Biden đang tiếp nối cách tiếp cận của người tiền nhiệm chính là những diễn biến mới của sáng kiến "Bộ Tứ", liên minh 4 nước chia sẻ những giá trị chung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Năm 2017, chính quyền Trump hồi sinh "Bộ Tứ" sau 9 năm sáng kiến này tưởng như đã "chết". "Bộ Tứ" sau đó được đưa vào trung tâm của chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở".

Và khi ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng, Mỹ vận động thành công ba nước còn lại của "Bộ Tứ" tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa nhà lãnh đạo 4 quốc gia.

Trước đó, sau khi ông Biden chiến thắng cuộc bầu cử tháng 11/2020, tương lai của "Bộ Tứ" trở thành câu hỏi cho các nhà quan sát, bởi không rõ tân tổng thống có tiếp tục với chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở" hay không.

Ngay cả thuật ngữ "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" cũng bị hoài nghi, bởi trong suốt chiến dịch tranh cử của ông Biden cũng như chương trình nghị sự của đảng Dân chủ năm 2020, khu vực tiếp tục được nhắc đến với cái tên cũ là "châu Á - Thái Bình Dương".

Chỉ sau khi đã tuyên thệ nhậm chức, ông Biden mới bắt đầu nói về "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", theo The Hill.

Biden doi pho Trung Quoc anh 3

Sáng kiến "Bộ Tứ" được cựu Tổng thống Trump hồi sinh. Trong ảnh, cựu Tổng thống Trump cùng cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Ảnh: Japan Times.

Tổng thống Biden sau đó đề xuất tổ chức hội nghị cấp cao nhóm "Bộ Tứ". Trong cuộc họp với lãnh đạo Nhật - Ấn - Australia tổ chức hôm 12/3, Tổng thống Biden gọi đây là "diễn đàn hợp tác sống còn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Hội nghị là minh chứng cho một thực tế rằng chính quyền Tổng thống Biden quyết định tiếp nối một chiến lược thực tế và chặt chẽ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với "Bộ Tứ" là trung tâm.

Những năm gần đây, để đối phó với sự bành trướng và cách hành xử hung hăng của Trung Quốc, "Bộ Tứ" dần củng cố năng lực và hợp tác trên nhiều khía cạnh.

Sự thay đổi của "Bộ Tứ" phần nào tương đồng với quan điểm của ông Biden đối với Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2019, ông Biden khiến nhiều người kinh ngạc với phát biểu được miêu tả là ngây thơ, rằng "Trung Quốc không phải những người bạn tồi và không cạnh tranh với Mỹ".

Nhưng đến tháng trước, phát ngôn của Tổng thống Biden tại Phòng Bầu Dục đã đảo chiều 180 độ, nói rằng "nếu không hành động mau lẹ, Trung Quốc sẽ đánh bại nước Mỹ".

Liên minh chống Trung Quốc ở châu Á

Mới cách đây 6 tháng, Trung Quốc bác bỏ ý tưởng về một liên minh quốc tế chống Bắc Kinh sẽ hình thành.

"Ngày đó sẽ không bao giờ, không bao giờ đến", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân tuyên bố hôm 29/9/2020.

Nhưng sau những bước đi quyết liệt cả về kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc, mà nạn nhân chính là các quốc gia láng giềng, "ngày đó" đã thực sự đến. Nói một cách khác, Trung Quốc chính là động lực cho sự phát triển của "Bộ Tứ".

Điển hình nhất là xung đột biên giới tại khu vực Ladakh giữa Trung Quốc và Ấn Độ những năm gần đây đã đẩy New Delhi gần hơn về phía Washington và các đồng minh.

Cũng chính xung đột biên giới này tạo ra động lực để các thành viên "Bộ Tứ" thúc đẩy một thỏa thuận an ninh chính thức và cụ thể, trong đó Ấn Độ nắm giữ chìa khóa về định hướng và tương lai của "Bộ Tứ", bởi Mỹ - Nhật - Australia vốn đã có ràng buộc an ninh lẫn nhau.

Nhưng nếu thiếu đi hành động thực chất và quyết tâm lâu dài, tất cả những cuộc đối thoại hay tuyên bố chung sẽ không thể tạo ra khác biệt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Sau tất cả những thành quả gặt hái được nhờ chiến lược hung hăng, Trung Quốc có thể sớm một lần nữa khuấy động khu vực.

Đài Loan dễ trở thành mục tiêu kế tiếp của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, biên giới Trung - Ấn và biển Hoa Đông cũng là những khu vực đáng chú ý.

Biden doi pho Trung Quoc anh 4

Cuộc tập trận Malabar giữa các nước "Bộ Tứ". Ảnh: India Times.

Bất chấp cái bóng ngày càng lớn của Trung Quốc ở khu vực, hội nghị 12/3 giữa 4 nhà lãnh đạo "Bộ Tứ" không đưa ra được một phản ứng chiến lược cụ thể nào.

Thành công lớn nhất của hội nghị có lẽ là sáng kiến hỗ trợ tập đoàn Biological E của Ấn Độ sản xuất 1 tỷ liều vaccine Covid-19 đến cuối năm 2022. Nhưng ngay cả sáng kiến này cũng mang tính "đánh bóng", bởi năng lực sản xuất hàng năm của Biological E vốn đã vượt mức 1 tỷ liều vaccine.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang hành xử ngày càng quyết liệt và độc đoán, Nhà Trắng sẽ tìm cách nắm lấy cơ hội xây dựng cách tiếp cận tập thể do Mỹ lãnh đạo, dài hạn và có khả năng hành động khi cần thiết.

Xét cho cùng, chống lại chủ nghĩa xét lại hung hăng từ phía Bắc Kinh chính là chủ đề giúp đoàn kết các nước "Bộ Tứ".

Những chính sách quyết liệt, chèn ép láng giềng, nhằm theo đuổi 'Giấc mộng Trung Hoa' của Bắc Kinh sẽ bảo đảm Bộ Tứ tiếp tục đoàn kết, và tích cực hành động nhằm thiết lập một cấu trúc an ninh đa phương mới ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, theo The Hill.

Ngay cả các cường quốc như Pháp, Đức, Anh và Canada giờ cũng coi một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên luật lệ là vấn đề then chốt với an ninh quốc tế. Các nước này đang củng cố hợp tác hàng hải với 4 thành viên "Bộ Tứ".

Tháng 11/2020, "Bộ Tứ" lần đầu tổ chức tập trận hải quân chung, sự kiện có tên "Malabar" diễn ra ở Ấn Độ Dương. Tới tháng 1 vừa qua, "Bộ Tứ" và Canada tiến hành tập trận chống tàu ngầm có tên "Sea Dragon".

Cuộc tập trận tiếp theo của "Bộ Tứ" dự kiến diễn ra vào 4/4, cùng sự tham dự của Pháp, có tên "La Perouse".

Chuyến đi chuẩn bị của ngoại trưởng Mỹ cho cuộc gặp với Trung Quốc?

Hội đàm Bộ Tứ và chuyến thăm cấp bộ trưởng tới Nhật - Hàn là màn dạo đầu đầy ẩn ý trước khi Ngoại trưởng Antony Blinken gặp mặt các quan chức đối ngoại cấp cao của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ: Không bắt đồng minh chọn Mỹ hoặc Trung Quốc

Dù vẫn khẳng định Trung Quốc là mối đe dọa với phương Tây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói sẽ không buộc các nước đồng minh châu Âu phải chọn giữa Washington và Bắc Kinh.

Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn nhưng sự thách thức vươn xa

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đứng trước sức ép mới cần sớm đưa ra cách tiếp cận với Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm