Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn nhưng sự thách thức vươn xa

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đứng trước sức ép mới cần sớm đưa ra cách tiếp cận với Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

trieu tien phong ten lua anh 1

Vụ phóng tên lửa hôm 21/3 là lời cảnh cáo Bình Nhưỡng gửi tới chính quyền của Tổng thống Joe Biden sau khi Mỹ khởi động tập trận với Hàn Quốc, động thái bị Triều Tiên phản đối.

Đây cũng là phép thử đầu tiên mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un mang đến cho Tổng thống Biden, trong bối cảnh Nhà Trắng chưa công bố cách tiếp cận của Mỹ đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, theo Washington Post.

trieu tien phong ten lua anh 2

Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn hôm 21/3. Ảnh: AP.

Vấn đề cũ, sức ép mới

Nhiều tuần qua, giới chức quốc phòng Mỹ đã cảnh báo Triều Tiên có thể phóng thử tên lửa. Tuần trước, Bình Nhưỡng phản đối cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong Un, cảnh báo chính quyền Tổng thống Biden "đừng gây sự" nếu muốn "ngủ ngon trong 4 năm tới".

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và chỉ là một hoạt động thử nghiệm thông thường.

Tuy nhiên, quan chức này thừa nhận vụ phóng tên lửa cho thấy thách thức lớn mà Bình Nhưỡng mang đến cho chính quyền Tổng thống Biden.

"Chúng tôi không hề ảo tưởng trước khó khăn mà nhiệm vụ này (đối phó với Triều Tiên) mang lại", quan chức Mỹ nói.

trieu tien phong ten lua anh 3

Bà Kim Yo Jong đã cảnh báo chính quyền Tổng thống Biden không gây sự. Ảnh: Reuters.

Vụ phóng tên lửa khiến Washington đứng trước sức ép mới phải có một chiến lược nhằm xử lý mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhiệm vụ đã khiến các chính quyền của cả hai phe Dân chủ - Cộng hòa bó tay suốt nhiều thập kỷ.

Một quan chức cấp cao tiết lộ việc đánh giá lại chính sách với Triều Tiên đang ở "bước cuối cùng". Dự kiến, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ chủ trì một cuộc họp với các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc trong tuần sau để "thảo luận về kết quả".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết chính quyền ông Biden muốn xây dựng "cách tiếp cận mới" với Triều Tiên, nhưng không nói rõ chi tiết.

Những tuần gần đây, giới ngoại giao Mỹ đã thông báo cho các đồng minh ở châu Á rằng chiến lược mới sẽ khác biệt với hai người tiền nhiệm là Trump và Obama.

Người tiền nhiệm của ông Biden là Donald Trump tiếp cận từ cấp cao, thông qua những cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Trong khi đó, cựu Tổng thống Obama kiên quyết không làm việc với Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không thay đổi cách ứng xử.

Cả hai chính sách ấy đều không đạt được mục tiêu ngăn chặn Triều Tiên hiện đại hóa chương trình tên lửa và hạt nhân.

Kết quả khiêm tốn chính quyền cựu Tổng thống Trump đạt được là Triều Tiên đã dừng thử hạt nhân hay phóng tên lửa tầm xa từ sau cuộc hội đàm cấp cao ở Singapore tháng 6/2018.

Washington bị phớt lờ

Chính quyền ông Biden có nguy cơ bị chỉ trích nếu Triều Tiên khởi động lại các cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Lo ngại này càng trở nên cấp bách sau khi tình báo Mỹ vào đầu tháng 3 phát hiện dấu hiệu Bình Nhưỡng có khả năng sớm thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, ảnh vệ tinh cũng cho thấy các hoạt động tại cơ sở hạt nhân Yongbyon đang gia tăng bất thường.

Trong nỗ lực vớt vát lại hình ảnh để tránh bị chỉ trích, các quan chức Mỹ cho biết đã tìm cách liên lạc với Triều Tiên qua nhiều kênh khác nhau từ giữa tháng 2 nhưng chưa nhận được phản hồi. Nhà Trắng sau đó xác nhận thông tin này.

Các chuyên gia cảnh báo Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục thử nghiệm vũ khí trong những ngày tới nếu Washington không hành động.

"Việc tái can dự với Triều Tiên là yêu cầu khẩn cấp, càng sớm càng tốt, bởi Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục làm giàu plutonium cho vũ khí hạt nhân", Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, cho biết.

trieu tien phong ten lua anh 4

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui Yong gặp nhau ở Seoul hôm 16/3. Ảnh: AFP.

Hàn Quốc cũng đang mất ăn mất ngủ vì chương trình vũ khí của Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui Yong kêu gọi "sớm tái khởi động đối thoại" giữa Washington và Bình Nhưỡng.

"Hàn Quốc rất muốn theo đuổi ngoại giao với Triều Tiên. Seoul cực kỳ lo ngại chính quyền Biden sẽ phản ứng chậm chạp và gây ra những rắc rối như năm 2009", một quan chức giấu tên nói.

Tới nay, chi tiết đề nghị mà chính quyền Biden gửi tới Bình Nhưỡng vẫn là ẩn số. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui nói thẳng Bình Nhưỡng không hài lòng với những thông điệp từ Washington.

"Chúng tôi tin việc phản hồi với những chiêu trò câu giờ của Mỹ là không cần thiết. Và những nỗ lực kiểu như vậy của Mỹ trong tương lai sẽ bị phớt lờ", truyền thông nhà nước Triều Tiên dẫn lời ông Choe.

Triều Tiên đến nay chưa bình luận về vụ phóng tên lửa hôm 21/3. Bình Nhưỡng thường tuyên truyền những vụ phóng tên lửa như vậy là thành tựu sức mạnh kỹ thuật của đất nước.

Thách thức cho chính sách mới của ông Biden

Dưới thời Tổng thống Trump, những vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên ít bị Washington chỉ trích. Ông Trump nói hoạt động này không vi phạm thỏa thuận hai bên đạt được ở Singapore.

Trong khi đó, Hàn Quốc cũng hạn chế chỉ trích việc Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn với hy vọng tiếp tục đối thoại liên Triều.

Giáo sư Victor Cha của Đại học Georgetown cho rằng vụ phóng tên lửa diễn ra sau lời cảnh báo của bà Kim Yo Jong "rõ ràng là một thử thách cho chính quyền" của ông Biden.

"Triều Tiên cơ bản đã gửi đi thông điệp rằng họ sẵn sàng lên gân nếu chính quyền ông Biden cũng vậy", ông Cha nói, đồng thời cảnh báo sẽ có thêm các cuộc thử nghiệm vũ khí trong thời gian tới.

Sức ép sớm đưa ra chính sách Triều Tiên sẽ tiếp tục gia tăng đối với chính quyền của ông Biden khi mối đe dọa ngày càng hiển hiện.

Các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc đã khuyên Washington không tái lập đàm phán 6 bên, một cơ chế đa phương do cựu Tổng thống George W. Bush thành lập với sự tham gia của Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên.

trieu tien phong ten lua anh 5

Cách tiếp cận của cựu Tổng thống Trump với Triều Tiên không thu được kết quả như mong đợi. Ảnh: Reuters.

Tokyo và Seoul tin rằng làm việc trực tiếp với Triều Tiên là công thức hiệu quả nhất.

Một trong những thách thức mà Washington đối mặt trong quá trình đánh giá lại chính sách với Triều Tiên là làm thế nào để thuyết phục các nước trong khu vực hợp tác gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.

"Tình hình đã thay đổi trong thời gian rất ngắn. Khác với đàm phán 6 bên, Trung Quốc giờ không hào hứng đóng vai trò ngoại giao tích cực", một quan chức Mỹ cho biết.

Trong khi đó, quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang ở trạng thái căng thẳng và khó có thể hợp tác.

Đó là chưa kể mối bất hòa giữa Mỹ và Nga khiến mọi nỗ lực thuyết phục Moscow tham gia cùng Washington trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trở nên vô cùng phức tạp.

Các quan chức Mỹ cho biết sách lược ngoại giao với Triều Tiên gặp nhiều khó khăn bởi phải đạt được sự ủng hộ của các nước vốn có những lợi ích khác biệt trong khu vực.

"Nguyên tắc cơ bản trong đối phó với Triều Tiên là không qua mặt các đồng minh, như cách ông Trump đơn phương hứa dừng tập trận với Hàn Quốc. Làm như vậy, chúng ta sẽ không thu được nhiều từ Triều Tiên và gây tổn hại cho các đồng minh ở châu Á", ông Cha nhận định.

Một lo ngại khác là câu hỏi liệu Bình Nhưỡng có từ bỏ vũ khí hạt nhân chỉ đơn giản thông qua trừng phạt kinh tế, chiến thuật đã được mọi chính quyền Mỹ áp dụng.

"Bất chấp cấm vận, Triều Tiên vẫn xoay xở để có được cuộc sống tương đối tốt cho giới thượng lưu ở Bình Nhưỡng", một nguồn tin cho biết.

Triều Tiên phóng tên lửa lần đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức

Quan chức Mỹ cho biết Triều Tiên phóng một số tên lửa vào cuối tuần qua nhằm thể hiện sự thách thức đối với chính quyền ông Biden sau các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Obamacare - 11 năm và 'vẫn sống'

Obamacare, di sản của cựu Tổng thống Obama, đang được củng cố với các chính sách mới dưới thời Tổng thống Biden, dù phe cấp tiến vẫn đánh giá những cải cách đó là chưa đủ.

Quan chức Mỹ gốc Á chịu bất công, bị coi là dân ngoại quốc ở quê nhà

Tình trạng phân biệt đối xử với quan chức ngoại giao Mỹ gốc Á đã diễn ra trong thời gian dài, nguyên nhân bởi dân gốc Á luôn bị coi là người nước ngoài.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm