Hiệp hội ngoại giao Á - Mỹ, tổ chức gồm hơn 800 thành viên, đại diện cho tiếng nói của các quan chức ngoại giao gốc Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết tình trạng phân biệt đối xử đã tồn tại từ lâu. Nguyên nhân gốc rễ bởi dân gốc Á luôn bị coi là người nước ngoài tại Mỹ.
Suốt 10 năm qua, tổ chức này đã nhiều lần gióng hồi chuông báo động và thể hiện sự quan ngại tới lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng tình trạng bất công mà cán bộ ngoại giao gốc Á đối mặt hầu như không có tiến triển, theo Politico.
Hạn chế bổ nhiệm
Một trong các thủ tục hoạt động tại Bộ Ngoại giao Mỹ bị đặt câu hỏi về tình trạng phân biệt đối xử là có tên "hạn chế bổ nhiệm".
Theo đó, quyền tiếp cận thông tin mật của một quan chức ngoại giao có thể bị hạn chế dựa trên mức độ rủi ro về khả năng "bị tình báo nước ngoài nhắm đến" hoặc vì mục đích giảm nguy cơ bị nước ngoài ảnh hưởng.
Các mối liên hệ cá nhân của một quan chức ngoại giao, gồm yếu tố liên hệ gia đình, nhu cầu tài chính, hoặc liên hệ ở nước ngoài, có thể được xem xét để quyết định không phân công người này phụ trách các vấn đề liên quan đến một quốc gia nhất định.
Hạ nghị sĩ Andy Kim từng bị cấm phụ trách các vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên. Ảnh: Politico. |
Những năm gần đây, cạnh tranh Mỹ - Trung và chương trình hạt nhân của Triều Tiên khiến vấn đề phân công công tác càng trở nên nóng bỏng.
Một cựu quan chức ngoại giao từng là đối tượng bị hạn chế bổ nhiệm là Hạ nghị sĩ Andy Kim, người Mỹ gốc Hàn Quốc sinh ra ở Boston. Ông Kim có quyền tiếp cận thông tin mật ở cấp độ cao nhất, đồng thời từng phục vụ ở Afghanistan.
"Một ngày nọ, tôi được Bộ Ngoại giao thông báo rằng mình bị cấm làm việc về mọi vấn đề liên quan tới bán đảo Triều Tiên", ông Kim nói với MSNBC.
Điều này khiến Kim bị sốc, bởi bản thân ông chưa từng đăng ký làm bất cứ công việc gì liên quan tới bán đảo Triều Tiên. Quyết định từ Bộ Ngoại giao được ông Kim miêu tả mang tính bài ngoại.
"Điều đau đớn nhất là tổ quốc tôi không tin tôi", ông Kim nói.
Hôm 18/3, hơn 100 quan chức đối ngoại và an ninh quốc gia gốc Á đã ký vào bản tuyên bố cho biết cạnh tranh Mỹ - Trung đang làm tồi tệ thêm tình trạng "phân biệt đối xử và những lời buộc tội trắng trợn về lòng trung thành chỉ bởi ngoại hình".
"Nghi ngờ những quan chức Mỹ gốc Á làm việc tại các cơ quan an ninh quốc gia, thay vì xem chúng tôi là những người mang lại đóng góp, sẽ chỉ phản tác dụng đối với nhiệm vụ bảo vệ đất nước", tuyên bố cho biết.
Người ngoại quốc trên chính quê hương
Gốc rễ của tình trạng phân biệt đối xử là dân gốc Á đến nay vẫn bị xem như người ngoại quốc bởi không ít đồng hương, kể cả các đồng nghiệp tại cơ quan.
"Nước Mỹ là quốc gia độc nhất bởi bất kể bạn là ai hay đến từ đâu, bạn đều có thể là người Mỹ. Nhưng dân gốc Á thường bị gạt ra bên lề, bị coi là người nước ngoài và bị phân biệt đối xử, vĩnh viễn không được coi là người Mỹ hoàn toàn, ngay cả tại Bộ Ngoại giao", Hạ nghị sĩ Joaquin Castro nói.
Một trong các nạn nhân tại Bộ Ngoại giao từng bị phân biệt đối xử là Yuki Kondo-Shah. Người phụ nữ từng được bổ nhiệm tới làm việc tại Nhật Bản, nhưng nhận lệnh hạn chế điều động chỉ 6 tuần trước ngày lên đường.
Cục An ninh ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra lệnh hạn chế điều động sau khi xác định cha mẹ Yuki được sinh ở Nhật Bản, đồng thời cô từng tới Nhật làm tình nguyện sau thảm hoạt hạt nhân Fukushima, cũng như các chuyến thăm Nhật của cả gia đình.
Một cuộc biểu tình phản đối phân biệt đối xử với người gốc Á. Ảnh: AFP. |
Không dừng lại ở đó, Yuki bị cấm phụ trách tất cả vấn đề an ninh quốc gia liên quan tới Nhật Bản, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Á.
Một nhà ngoại giao khác sinh ra trong gia đình nhập cư gốc Hoa. Người này cho biết quy trình kiểm tra an ninh có tính định kiến căn bản, bất công với những người Mỹ nhập cư thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai. Quy trình kiểm tra an ninh kéo dài tới 3 năm, trước khi họ có thể được làm việc tại Bộ Ngoại giao.
"Tôi đã tìm gặp hơn 100 người, trong đó có các đại sứ, quan chức Cục An ninh ngoại giao, và cả nghị sĩ Hạ viện, để nhờ họ giúp đẩy nhanh quá trình kiểm tra an ninh nhưng không có kết quả. Cục An ninh ngoại giao nói chỉ tổng thống Mỹ mới có quyền đó", người này cho biết.
Những con số biết nói
Trả lời tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện hôm 10/3, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết ông đã nắm được những khiếu nại về tình trạng phân biệt đối xử trong vài năm qua.
Ông Blinken nói ông "rất quan ngại" và quyết tâm giải quyết vấn đề, một phần trong tham vọng cải tổ nhằm đa dạng hóa bộ máy nhân sự tại Bộ Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao Mỹ có nghĩa vụ cung cấp cho Quốc hội "số lượng và lý do của các quyết định hạn chế bổ nhiệm trong thời gian 3 năm trước đó". Tuy nhiên, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao không thể đưa ra con số cụ thể nhân sự bộ này đang là đối tượng của lệnh hạn chế.
"Bộ Ngoại giao không phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính, nguồn gốc dân tộc hay độ tuổi trong quyết định cấp độ quyền tiếp cận thông tin mật. Chúng tôi cũng không quyết định phân công dựa trên các đặc điểm như vậy", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội quan hệ đối ngoại Á - Mỹ, tới 70% thành viên của tổ chức này cho rằng tồn tại định kiến trong quy trình hạn chế bổ nhiệm công tác của Bộ Ngoại giao.
Hạ nghị sĩ gốc Hoa Ted Lieu. Ảnh: CBS. |
30% thành viên của hiệp hội lưu ý họ từng là đối tượng bị hạn chế bổ nhiệm, trong đó 52% có thành phần gia đình liên quan đến Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan.
75% thành viên hiệp hội bị hạn chế bổ nhiệm cho biết lệnh hạn chế được đưa ra mà không có lý do. Với những người nhận được giải thích về lệnh hạn chế, hơn 50% cho rằng quyết định được đưa ra dựa trên cơ sở sai thực tế.
Theo Hạ nghị sĩ Ted Lieu, quy trình hiện tại "gửi đi thông điệp sai lầm" rằng những công dân gốc Á ít trung thành hơn. Tại cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện tháng 9/2020, ông Lieu công khai chỉ trích lãnh đạo Bộ Ngoại giao vì không làm rõ các thủ tục trong quy trình hạn chế bổ nhiệm.
Hạ nghị sĩ Lieu cho biết vấn đề này khiến ông chú ý khi chuẩn bị cho phái đoàn của Quốc hội Mỹ tới Nhật Bản và Trung Quốc năm 2015. Các thành viên của Quốc hội nhận được tóm tắt từ 12 nhân viên của Bộ Ngoại giao.
"Không ai trong số họ là người gốc Á", ông Lieu nhớ lại, cho rằng tình trạng phân biệt đối xử đặt ra vấn đề về sự công bằng trong điều động công tác, cũng như khả năng nước Mỹ đang tự hạn chế các nguồn lực của chính mình.