Bởi vì tất cả mọi người đều mơ và vì ngủ là quá trình cần thiết cho sự tái tạo năng lượng thể chất của chúng ta, vậy nên chúng ta có câu hỏi về tầm quan trọng thực tế của giấc mơ: Công dụng của giấc mơ là gì? Giấc mơ giúp chúng ta đạt được điều gì?
Qua phân tích giấc mơ, chúng ta có thể thấy rằng giấc mơ phục vụ một chức năng nhất định trong đời sống tinh thần của chúng ta: chúng đóng vai trò là người bảo vệ chứ không phải là kẻ quấy rầy giấc ngủ. Vai trò người giám hộ giấc ngủ được hình thành do yếu tố kiểm duyệt hoạt động quyết liệt và bền bỉ.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Sleep Cycle. |
Trong giấc ngủ, nhân tố kiểm duyệt hoạt động cực kỳ quyết liệt và chức năng của nó là bảo vệ giấc ngủ khỏi khối lượng cảm xúc bị đè nén đang đe dọa, lấn át chủ thể dưới hình dạng của một giấc mơ. Quá trình này được thực hiện nhờ các cơ chế đã được thảo luận phía trên. Với những cơ chế này, những ý nghĩ được hợp nhất và dịch chuyển, được ngụy trang, biểu tượng hóa đến mức chủ thể không thể nhận ra và không thể làm phiền chủ thể. Khi nhân tố kiểm duyệt đồng ý cho qua hoặc đang ở trạng thái mất cảnh giác, những ý nghĩ này sẽ xâm nhập vào ý thức mà không ngụy trang, khiến giấc ngủ sẽ bị xáo trộn và chủ thể sẽ bị mất ngủ.
Đây là nguyên nhân của nhiều triệu chứng mất ngủ chức năng, giấc ngủ bị làm phiền bởi một loạt các giấc mơ gây ra cảm giác khó chịu. Chỉ khi những giấc mơ được phân tích chi tiết, các hoạt động tinh thần vô thức trở nên ổn định, khi nhân tố kiểm duyệt trở về vị trí bảo vệ cánh cổng dẫn từ vô thức đến ý thức, thì giấc ngủ của chủ thể mới trở lại bình thường. Chúng ta chỉ có thể chữa trị triệu chứng này thông qua phương pháp phân tích tâm lý.
Chính hai cơ chế đè nén và kiểm duyệt đã ngăn cản những ước muốn ích kỷ và man rợ từ thời thơ ấu có thể tiếp cận với ý thức thường nhật của chúng ta. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng vẫn xuất hiện trong những giấc mơ điển hình, chẳng hạn như cái chết của bố hoặc mẹ hoặc giấc mơ liên quan đến trạng thái khỏa thân. Những “giấc mơ điển hình” này sẽ được trình bày chi tiết trong chương dành riêng cho chủ đề đó.
Vì vậy, ước muốn trong giấc mơ không nhất thiết phải hiện diện trong ý thức của chủ thể trưởng thành, nhưng chúng có thể đã tồn tại ở thời thơ ấu và chính nhân tố kiểm duyệt đã ngăn cản những ước muốn thời thơ ấu thiếu ý thức này chuyển sang ý thức và biến thành giấc mơ, ngoại trừ trong một số trường hợp nhất định. Giấc mơ cũng bảo vệ giấc ngủ bằng cách thường xuyên bóp méo những ý nghĩ tiềm ẩn khiến chủ thể không thể nhận ra, ngay cả khi những suy nghĩ này thoát khỏi sự rà soát của nhân tố kiểm duyệt. Vì vậy, những suy nghĩ bị đè nén có thể xâm nhập vào ý thức giấc mơ vì sự cân bằng sức mạnh bị xáo trộn: có thể sự đè nén không đủ mạnh, hoặc nhân tố kiểm duyệt lỏng lẻo hoặc mất cảnh giác.
Giữa nhân tố kiểm duyệt và những ý nghĩ vô thức tồn tại một hình thức thỏa hiệp hoặc hiệp ước tâm lý; qua đó, một bộ phận nhất định của ý nghĩ vô thức được phép chuyển sang ý thức. Ví dụ, trong một số giấc mơ tình ái nhất định, sự thỏa hiệp này được thực hiện bằng cách biến một đồ vật được chủ thể yêu thích thành một cá nhân mà chủ thể giấc mơ không quan tâm. Đây là một quá trình bao gồm cả cơ chế cô đọng và dịch chuyển để phục vụ mục đích ngụy trang.
Bình luận