Các chiến dịch oanh kích của máy bay ném bom B-24 phá hủy nhiều nhà máy, căn cứ quân sự, làm tê liệt năng lực sản xuất vũ khí góp phần quan trọng trong việc đánh bại Đức quốc xã.
Theo Business Insider, cuối những năm 1930, Washington đã yêu cầu Consolidated Aircraft tham gia vào sản xuất máy bay ném bom B-17. Tuy nhiên, sau một chuyến tham quan nhà máy của Boeing ở Seattle, Consolidated
đã đề xuất một thiết kế hoàn toàn khác.
Mẫu thử nghiệm được gọi là XB-24 đã cho thấy các thông số kỹ thuật vượt trội hơn B-17. Máy bay được phê duyệt đưa vào sản xuất hàng loạt với tên gọi B-24 Liberator (Người giải phóng) từ đầu năm 1940. Ở thời điểm đó, B-24 là máy bay lớn nhất từng được sản xuất tại Mỹ.
Năm 1941, một số nhà máy được yêu cầu tham gia sản xuất B-24. Tập đoàn Ford Motor đưa ra lời hứa sản xuất một chiếc B-24 mỗi giờ. Tuyên bố này nhận được nhiều châm biếm từ ngành công nghiệp hàng không khi công nhân của Ford chưa từng sản xuất máy bay.
Tập đoàn Ford nói rằng Consolidated đã tạo ra vũ khí nhưng chỉ trích phương pháp sản xuất của họ tốn nhiều thời gian. Ford đã xây dựng một nhà máy khổng lồ với diện tích tới 2,5 km2 và áp dụng phương pháp sản xuất dây chuyền cho phép sản xuất nhiều máy bay hơn.
Cuộc tập kích vào Trân Châu Cảng của Đế quốc Nhật củng cố niềm tin giữa các nhà lãnh đạo Mỹ rằng không lực là điều thiết yếu để tạo nên sức mạnh. Lô B-24 đầu tiên được chuyển giao cho Không quân Hoàng gia Anh sau khi Pháp thất thủ. Máy bay chủ yếu phục vụ cho nhiệm vụ tuần tra chống ngầm trên Đại Tây Dương.
Trong buổi lễ đưa B-24 vào sử dụng, Tổng thống Franklin Roosevelt nói rằng đây sẽ là "vũ khí nòng cốt cho quân đội kiểu Mỹ" trong tương lai.
Năm 1942, B-24 của Không quân Mỹ bắt đầu ném bom phá hủy các mỏ và nhà máy lọc dầu của Phe trục ở Bắc Phi. Năm 1943, Tập đoàn Không quân IX chuyển tới Anh bắt đầu các chiến dịch ném bom quy mô lớn vào Đức quốc xã.
Hàng nghìn chiếc B-24 cất cánh từ các căn cứ ở Anh đã ném bom phá hủy nhiều nhà máy, làm tê liệt năng lực sản xuất quốc phòng của Đức quốc xã. Ngoài ra, máy bay còn đánh phá nhiều căn cứ quân sự, tạo nên nỗi kinh hoàng cho binh lính Đức quốc xã.
Một trong những tổn thất nặng nề nhất của B-24 là chiến dịch Tidal Wave phá hủy nhà máy lọc dầu ở Ploesti, Romania tháng 8/1943. Trong 178 chiếc B-24 xuất kích làm nhiệm vụ, chỉ còn 88 chiếc trở về nhưng phá hủy chưa được một nửa số nhà máy lọc dầu ở đó.
B-24 được vận hành bởi phi hành đoàn 11 người. Máy bay có thể chở theo 3,6 tấn bom, nhiều nhất trong số máy bay của phe Đồng minh. B-24 đạt tốc độ tối đa 488 km/h, nhanh nhất trong số các máy bay ném bom của Mỹ thời đó, tầm bay gần 5.000 km với tối đa nhiên liệu.
Một chiếc B-24 bốc cháy sau khi trúng hỏa lực phòng không. Trong suốt Thế chiến II, 18.482 chiếc B-24 đã được sản xuất, trong đó nhà máy của Ford chế tạo 8.685 chiếc, chiếm gần 47%.
Nhà sử học Stephen E.Ambrose nhận xét B-24 đã chiến thắng trong cuộc chiến của Phe Đồng minh nhưng đừng hỏi họ làm thế nào có thể chiến thắng nếu không có nó.
Các nhà sử học nhận định, B-24 là vũ khí giúp thay đổi cục diện Thế chiến II, góp phần quan trọng trong việc đánh bại Đức quốc xã, giải phóng châu Âu đúng như biệt danh của nó.
Tuy nhiên, B-24 nhanh chóng bị lỗi thời ngay khi Thế chiến II kết thúc. Nó nhanh chóng bị thay thế bằng B-29 Superfortress hiện đại hơn. 2 chiếc B-29 đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản tháng 9/1945 kết thúc cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại.
Chiến thắng quyết định của Liên Xô trong trận Stalingrad năm 1943 mở đầu cho cuộc phản công quy mô lớn trên mặt trận phía Đông tạo gọng kìm đánh bại Đức quốc xã 2 năm sau đó.
Chiến thuật tấn công cảm tử (Kamikaze) không giúp Nhật cứu vãn được tình hình mà còn để lại hậu quả tâm lý nặng nề cho những người trong cuộc và góp phần vào thất bại sau này.