Lần đầu ở các vòng chung kết U23 châu Á, trợ lý trọng tài video (VAR) được đưa vào hỗ trợ ngay từ đầu giải. Ban tổ chức cử người đến từng đội tuyển để hướng dẫn cụ thể về VAR, giúp họ hiểu cách VAR vận hành.
Trong trận ra quân của U23 Việt Nam, VAR giúp trọng tài chính thay đổi quyết định bất lợi cho đoàn quân ông Park Hang-seo. Trọng tài Muhammad Taqi ban đầu thổi phạt đền, cho U23 UAE được sút quả phạt 11 m, nhưng lại đổi quyết định phút chót.
Kết quả trận đấu bây giờ phụ thuộc vào tổ trọng tài video. Ảnh: Quang Thịnh. |
VAR lúc đúng, lúc sai
Cầu thủ UAE sẵn sàng thực hiện cú sút, quyết định vẫn thay đổi. VAR cho rằng pha tiếp xúc lỗi của trung vệ Tấn Sinh nằm ngoài vòng cấm địa. VAR chính xác, trọng tài chính không cần xem lại băng quay chậm và phải thay đổi quyết định.
Tổ trưởng VAR sẽ là một trọng tài khác. Vị trí này có đủ khả năng để tự đưa ra tư vấn dựa vào hai cộng sự kiểm soát các đoạn băng hình. Nếu tổ trưởng VAR không thể tư vấn một quyết định dứt khoát, trọng tài chính sẽ phải giơ tay ra hiệu và chạy ra ngoài xem lại băng quay chậm.
U23 Việt Nam có thể thở phào ở pha bóng thoát phạt đền, nhưng Hoàng Đức và đồng đội phải gào lên ở tình huống sau đó. Cú sút của tiền vệ mang áo số 14 trúng vào tay hậu vệ UAE. Trọng tài chính không thổi còi, không thay đổi quyết định sau khi nhận tư vấn từ VAR.
Nếu so ra, tổ VAR có quyền lực hơn cả trọng tài chính trên sân. Tuy nhiên, không phải VAR lúc nào cũng đúng. Ở trận đấu giữa U23 Qatar hòa U23 Syria, VAR đưa ra quyết định ngược hoàn toàn với quyết định của trọng tài. Mâu thuẫn này tạo ra lỗ hổng lớn của VAR ở giải U23 châu Á.
VAR báo công nhận bàn thắng ở trận U23 Qatar hòa Syria, nhưng trọng tài không công nhận. Ảnh: Quang Thịnh. |
Bảng điện tử VAR quyết định "Goal - No offside" (Có bàn thắng - không việt vị) cho Qatar, nhưng trọng tài lại cho đội bạn đá phạt gián tiếp từ lỗi việt vị. U23 Qatar mất bàn thắng và nhận thêm bàn thua vào những phút cuối trận để kết thúc trận đấu bằng tỷ số hòa 2-2.
VAR không chiếu lại công khai
Theo quy định của FIFA, VAR sẽ hỗ trợ trọng tài trong 4 tình huống: Bàn thắng hoặc pha phạm lỗi dẫn đến bàn thắng, penalty hoặc pha phạm lỗi dẫn đến penalty, tình huống dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp và xác định đúng cầu thủ phạm lỗi.
Việc ban tổ chức không chiếu lại tình huống cần can thiệp của VAR trên màn hình lớn ở sân vận động như tại World Cup 2018 là một hạn chế ở giải U23 châu Á. Chỉ có tổ VAR và trọng tài chính là những người có thể xem lại những khung hình quay chậm trong các tình huống cần VAR hỗ trợ.
Màn hình điện tử sẽ chỉ báo hiệu việc tổ VAR đang xem lại hình huống, đưa ra quyết định của tình huống đó và hết. Ví dụ thiết thực nhất là ở những trận đấu tại Ngoại hạng Anh, băng hình từ tổ VAR đều chiếu lại trên màn ảnh cho khán giả ở sân và xem qua truyền hình. Mọi thứ đều rõ ràng.
Vậy nên, khi được hỏi về VAR, huấn luyện viên Park Hang-seo cũng không biết nói gì hơn ngoài việc dành cho sự cải tiến này sự tin tưởng hoàn toàn. "Chúng tôi tin tưởng 100% vào VAR. VAR hỗ trợ trọng tài, nên chúng tôi phải tôn trọng các quyết định từ trọng tài".