Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Livestream bán hàng bị kiểm tra thuế toàn diện

Đó là nội dung chỉ đạo của Tổng cục Thuế về việc triển khai hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Cơ quan thuế sẽ rà soát, kiểm tra toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động TMĐT, livestream bán hàng. Ảnh chụp màn hình.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa ban hành Công điện số 01 yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Cục Thuế doanh nghiệp lớn quyết liệt triển khai hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Công điện nêu rõ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc nâng cao năng lực quản lý thu thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; tiếp tục mở rộng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm.

Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành tài chính.

Kiểm tra toàn bộ việc kê khai, nộp thuế hoạt động livestream bán hàng

Tại công điện này, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Cục Thuế doanh nghiệp lớn khẩn trương rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử.

Đối tượng bao gồm các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm.

“Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ…”, công điện nêu rõ.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục Thuế các địa phương triển khai các giải pháp để áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 1/8 đối với các loại hình kinh doanh bán vé sân golf và cung cấp các dịch vụ trong sân; kinh doanh trang phục, dụng cụ, phụ kiện… phục vụ chơi golf.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch, triển khai thanh tra, kiểm tra đối với loại hình nêu trên để các cơ cơ sở kinh doanh hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện nghiêm túc việc kê khai, nộp thuế theo quy định, thúc đẩy việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Yêu cầu kể trên của ngành thuế được đưa ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, livestream bán hàng đang bùng nổ tại thị trường Việt Nam. Liên tiếp các phiên livestream TikTok được quảng cáo với doanh thu lên tới cả trăm tỷ đồng. Điều này đặt ra vấn đề quản lý thuế với các cá nhân, hộ cá nhân kinh doanh phát sinh thu nhập từ hoạt động livestream.

Chống thất thu thuế thương mại điện tử

Liên quan tới việc quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ Tài chính đã thực hiện quyết liệt việc thu thuế qua sàn thương mại điện tử.

“Bộ Tài chính đã đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài”, Bộ trưởng Phớc chia sẻ.

Trong công tác phối hợp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đã chủ trì thực hiện phối hợp quyết liệt với các bộ, ngành, như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an.

livestream anh 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: VGP.

Theo đó, cơ quan thuế đã kết nối cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,4% với 663.157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an quản lý. Bộ Tài chính chia sẻ với Bộ Công Thương thông tin 929 sàn thương mại điện tử và kiểm tra đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý thu.

Đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó, có 10 triệu tài khoản của các tổ chức và 134 triệu tài khoản cá nhân tại 96 ngân hàng.

Kết quả năm 2022 đã thu được 83.000 tỷ đồng, năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm 2024 đã thu được 50.000 tỷ đồng thuế từ hoạt động thương mại điện tử.

Đã có 96 nhà cung cấp nước ngoài, các tập đoàn công nghệ như Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple… kê khai và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại điện tử xuyên biên giới là 15.600 tỷ đồng.

“Sắp tới, ngành tài chính sẽ đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp thu thuế với giao dịch trên sàn thương mại điện tử nói riêng cũng như đối với giao dịch trên môi trường điện tử nói chung, tập trung trước hết là tại TP.HCM và Hà Nội”, Bộ trưởng nói.

Hiện Bộ Tài chính đã có công văn gửi các địa phương hỗ trợ thu thuế trên sàn thương mại điện tử và cơ quan thuế đang tập trung thực hiện công tác này nhằm đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế với Nhà nước.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bài liên quan

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm