Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: VGP. |
Chia sẻ tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/6, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi đã có thông tin liên quan việc quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là việc quản lý, thu thuế của cá nhân, tổ chức thực hiện các phiên livestream bán hàng trăm tỷ đồng thời gian qua.
Cụ thể, Thứ trưởng Chi cho biết các cá nhân, tổ chức khi livestream bán hàng trên mạng có phát sinh doanh thu, thu nhập thì phải chịu sự quản lý của các quy định về thuế hiện nay và chịu sự giám sát của cơ quan thuế.
Với hoạt động thương mại điện tử nói chung, hay livestream bán hàng trên mạng nói riêng, Thứ trưởng cho biết hiện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đang quản lý và giám sát theo 2 sắc thuế chính.
Trong đó, nếu là cá nhân có phát sinh doanh thu, thu nhập từ các phiên livestream này sẽ phải kê khai, nộp thuế thu nhập theo biểu thuế thu nhập cá nhân. Với hộ kinh doanh gia đình, khi phát sinh doanh thu và thu nhập trong các phiên live bán hàng thì quản lý theo quy định của luật thuế hộ kinh doanh, gồm mức thuế khoán (với hộ có doanh thu thuộc diện khoán) và kê khai nộp thuế theo doanh thu, thu nhập thực tế phát sinh.
"Livestream bán hàng không phải hoạt động mới nhưng gần đây có sự phát triển mạnh, cơ quan thuế đã dành rất nhiều nguồn lực để quản lý, truyền thông đến tất cả đối tượng tham gia hoạt động này hiểu rõ các quy định về thuế, để các cá nhân, tổ chức tự giác kê khai, nộp thuế theo quy định", ông Nguyễn Đức Chi thông tin.
Ngoài ra, Thứ trưởng Tài chính cũng cho biết cơ quan thuế đã đẩy mạnh việc thanh tra, giám sát với hoạt động kinh doanh này.
Chia sẻ về kết quả quản lý thuế thương mại điện tử, bao gồm livestream bán hàng, Thứ trưởng Chi cho biết trong năm 2022, số doanh thu thuộc diện quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng. Trong đó, cơ quan thuế đã thu được trên 83.000 tỷ đồng.
Năm 2023, doanh thu thuộc diện quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng và số thuế đã thu được là trên 97.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành thuế đã tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm với hơn 22.000 cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, livestream bán hàng trong giai đoạn 2021-2023, xử lý tăng thu thêm gần 3.000 tỷ đồng.
"Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, livestream để không xảy ra tình trạng phải truy thu, xử lý sau này", Thứ trưởng Chi nhấn mạnh.
Liên quan tới việc quản lý thuế trong hoạt động thương mại điện tử, Bộ Tài chính cũng vừa có thông tin nhấn mạnh quy định các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm nộp thuế thay cho người bán.
Theo Bộ Tài chính, các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến có thể nắm được đầy đủ thông tin về người mua; thông tin về các giao dịch bán hàng thành công; doanh thu, chi phí thông qua sàn của các tổ chức, cá nhân bán hàng. Do đó, việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho người bán thông qua sàn là hoàn toàn khả thi.
“Thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp kê khai với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khai, nộp thuế thay”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Thuế, sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp này đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.