Vào cùng thời điểm Brazil dẫn đầu quá trình bùng nổ cà phê, Trung Mỹ cũng đi đến cảnh phải dựa vào cùng loài cây từ phương xa đến này, với những kết quả tương tự.
Ngoại trừ Costa Rica, cà phê ở đây được trồng với một mức điều độ hơn, cây trồng mới này là điềm chẳng lành báo hiệu thảm họa xảy đến với những dân tộc bản địa trong khi làm giàu cho tầng lớp chóp bu. Lịch sử của Guatemala là điển hình cho lịch sử của toàn bộ vùng Trung Mỹ này.
Ngược lại với Brazil đất đai thẳng cánh cò bay, Guatemala nhỏ hơn so với bang Tennessee, bị kẹp giữa Mexico và Belize về phía Bắc, Honduras và El Salvador về phía Nam. Được biết đến như là “Vùng đất của mùa xuân vĩnh cửu”, Guatemala là một trong những xứ sở tuyệt trần nhất thế gian, như một vị khách từng đặt chân tới chốn này viết:
Địa thế đẹp đến mê hồn, nằm nép mình ngay dưới bóng ngọn núi lửa Agua và khung cảnh được bao bọc bốn bề bởi những ngọn núi xanh ngút ngàn, không khí sớm mai dịu dàng và thơm ngát, nhưng tinh khiết và tươi mới... Tôi chưa từng được nhìn thấy một nơi nào đẹp hơn thế, mà ở đó con người có thể khao khát được vượt qua cái hữu hạn của thời gian trên trần thế.
Đẹp nhưng phiền phức. Nằm dưới bề mặt của toàn vùng Trung Mỹ, những mảng kiến tạo va chạm vào nhau, thỉnh thoảng phụt dung nham lên không thông qua một trong vô vàn những ngọn núi lửa ở vùng này, hoặc làm rung chuyển trái đất như để nhắc nhở loài người rằng thế giới này - ít nhất thì là phần này của thế giới - chẳng phải là một chốn yên ổn gì .
Tuy nhiên, một vấn đề cực kỳ trầm trọng trong số những vấn đề từ con người gây ra lại nảy mầm từ phương thức mà ngành cà phê của xứ này phát triển vào thế kỷ 19.
Sau khi tuyên bố độc lập khỏi ách đô hộ của Tây Ban Nha năm 1821, các quốc gia vùng Trung Mỹ đã hợp nhất lại trong một liên minh gượng ép (tức Cộng hòa Liên bang Trung Mỹ) cho tới tận năm 1838, ở Guatemala đã dấy lên một cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Rafael Carrera dẫn đến sự cáo chung của liên minh đó và các nước vùng Trung Mỹ vĩnh viễn tách rời nhau.
Carrera, vốn mang trong mình một phần dòng máu Anh điêng, là một lãnh tụ nông dân có sức lôi cuốn mạnh mẽ của những người Anh điêng Maya bản địa, những người đã bị chính phủ “Tự do” của Mariano Gálvez đối xử một cách tàn độc. Ở Trung Mỹ, đảng Bảo thủ thưởng ủng hộ giáo hội Thiên chúa giáo và hậu duệ của những người Tây Ban Nha bảo thủ, trong khi lãnh đạo những người thuộc đảng Anh điêng theo kiểu độc đoán.
Mặt khác, những người Tự do ngả về tầng lớp trung lưu đang lên, đối đầu với quyền lực của giáo hội, và tìm cách “văn minh hóa” những người Anh điêng.
Dưới thời Gálvez, đất đai trước đó thuộc về các ngôi làng người bản địa ngày càng bị sung công nhiều, đẩy người Anh điêng trở thành những nông dân lĩnh canh hoặc những người ở đợ. Nhiều trẻ con Anh điêng bị dứt khỏi ngôi nhà của cha mẹ và bị đem giao cho một người “Bảo hộ”, những người này thường xuyên đối xử với chúng như những đầy tớ có thời hạn.
Với những chính sách này, kết quả là người Maya rút lên núi cao và altiplano - những bình nguyên trên cao - ở trên đó, đất đai không bị dòm ngó nhiều.
Carrera, tự xếp mình là người thuộc phe Bảo thủ, đã cai trị thành công từ năm 1839 cho đến tận khi ông ta chết vào năm 1865. Mặc dầu là một kẻ độc tài vơ vét tài sản cho riêng mình, ông ta vẫn được những người bản địa cực kỳ ái mộ. Ông ta đã rất tôn trọng nền văn hóa của họ, bảo vệ những người Anh điêng hết mức có thể, và cố gắng thu phục họ vào trong chính phủ của ông ta.
Vào thập niên 1840, nền ngoại thương của Guatemala chủ yếu là mặt hàng phẩm cánh kiến đỏ - thuốc nhuộm làm ra từ một loại côn trùng nhỏ sinh sôi trên cây xương rồng. Những con bọ cánh kiến sau khi được phơi khô sẽ cho ra thứ nhựa màu đỏ rực rỡ rất được ưa chuộng ở châu Âu.
Tuy nhiên, Carrera đã khuyến khích phát triển đa dạng nông nghiệp, tránh chỉ tập trung vào mỗi cánh kiến đỏ. Ông ta còn quan tầm nhiều hơn đến khả năng tự cung tự cấp trong nội địa Guatemala hơn là quá dựa dẫm vào thị trường nước ngoài.
Khi những người châu Âu phát minh ra những loại phẩm nhuộm anilin vào năm 1856, và ngày càng rõ ràng rằng thời của phẩm cánh kiến chỉ còn tính theo từng ngày, Carrera đã phê chuẩn cho việc trồng cây cà phê thay thế.
Trước đó ba năm, lần đầu tiên cà phê nhân đã nằm trong số những mặt hàng xuất khẩu chính thức của đất nước này. Nhưng tổng thống cũng khuyến khích cả ngành bông vải và đường.
Cho đến khi Carrera chết và mấy năm tiếp theo, trong suốt thời cầm quyền của Vicente Cerna (1865-1871), lợi nhuận từ cà phê tiếp tục tăng trưởng. Những sườn núi lửa trên mảnh đất Guatemala - đặc biệt là những ngọn núi bên phía Thái Bình Dương - chứng tỏ là nơi sinh ra là để trồng cà phê.
Chỉ có mỗi một vướng mắc. Nhiều nơi, những sườn đồi núi thoai thoải vốn là nơi cà phê sinh trưởng tốt nhất, trước đây bị coi là vô dụng, toàn có người Anh điêng đang sinh sống. Những người trồng cà phê là ladino (một ai đó pha trộn hai dòng máu châu Âu và Anh điêng hoặc ngời Anh điêng sống theo phong cách phương Tây) cần một chính phủ cho phép họ sử dụng đất này, đồng thời đảm bảo cung cấp cho họ một nguồn lao động rẻ mạt và ổn định.
Năm 1871, Đảng Tự do lật đổ Cerna, và 2 năm sau Tướng Justo Rufino Barrios, một chủ đồn điền trồng cà phê phát đạt từ miền Tây Guatemala, lên nắm quyền. Dưới thời Barrios, một loạt “cải cách tự do” đã được tiến hành, tạo điều kiện cho việc trồng và xuất khẩu cà phê.
Lượng cà phê xuất khẩu từ Guatemala tăng dần, từ 149.000 tạ vào năm 1873 lên đến 691.000 tạ trước năm 1895, và hơn 1 triệu vào năm 1909.
Chẳng may, những “cải cách” này lại trả giá bằng chính tổn thất của người Anh điêng và mảnh đất của họ. Vào thời điểm đó, khắp Trung Mỹ và Mexico, Đảng Tự do cầm quyền về cơ bản đều có cùng một đường lối: lúc nào cũng thúc đẩy “tiến trình” cạnh tranh với Mỹ và châu Âu bằng những thiệt hại của bộ phận dân bản địa.